DNews

Học sinh lớp 2 viết sai chính tả đến không đọc được, cô giáo vẫn khen

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Th.S Tống Thị Thu Hương - nghiên cứu sinh tại CHLB Đức - có con gái học lớp 2 vẫn chưa nhớ mặt chữ tiếng Anh. Thay vì phê bình, giáo viên lại khen ngợi con vì "viết sai còn hơn không viết gì cả".

Học sinh lớp 2 viết sai chính tả đến không đọc được, cô giáo vẫn khen

Thạc sĩ Tống Thị Thu Hương hiện là nghiên cứu sinh giáo dục song ngữ tại Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức. Hai con của chị đều đang học bậc tiểu học tại Đức. Con gái nhỏ học lớp 2 đang say sưa sáng tác một câu chuyện bằng tiếng Anh dù vẫn chưa nhớ hết mặt chữ. Mặc dù vậy, cô giáo của con khuyến khích con viết bởi trí tưởng tượng của con đang đi nhanh hơn khả năng viết đúng chính tả, nên cứ viết thôi, chưa viết đúng mặt chữ không sao cả.

Chị Hương cho biết, giáo dục ở Đức chú trọng vun đắp tính tự chủ và niềm vui của trẻ trong học tập từ những việc nhỏ bé như thế.

Từ trải nghiệm nghiên cứu nhiều năm, chị Thu Hương chia sẻ với phóng viên Dân trí những hiểu biết của chị về nền giáo dục phổ thông tại quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Âu này.

Mỗi bang một chương trình và nhiều sách giáo khoa

Như hầu hết các nước châu Âu khác, sách giáo khoa tại Đức được xem như một học liệu, tài liệu tham khảo. Vậy chính phủ Đức quản lý chất lượng những bộ sách này như thế nào, thưa chị? 

Hiện không có bộ sách giáo khoa (SGK) chung nào cho toàn nước Đức, mà mỗi bang có quyền hạn độc lập điều hành và phát hành SGK cho bang mình.

Cộng hòa liên bang Đức có 16 bang, mỗi bang có một chương trình giáo dục riêng, căn cứ trên chương trình khung của liên bang. Các nhà xuất bản (NXB) viết sách và làm sách dựa trên chương trình khung của liên bang và bang để viết, được thẩm định thông qua.

Mỗi bang sẽ cung cấp danh sách các bộ SGK được phép sử dụng ở bang mình. Các trường trong bang sẽ lựa chọn bộ sách phù hợp trong số đó. Sau đó, giáo viên sẽ được đào tạo sử dụng sách.

Chị đánh giá như thế nào về những bộ SGK phổ thông tại Đức mà chị đã được tiếp xúc?

Nhìn chung, SGK của Đức được xây dựng chỉn chu, nhiều kiến thức, nhưng khá cởi mở về cách thức, phương pháp. 

Các nội dung như toán học chẳng hạn, được giới thiệu vừa phải, nhưng sâu và chắc. Các kiến thức được chọn lọc cũng mang tính chất vừa đủ. Ví dụ, hết lớp 1, học sinh chỉ học trong phạm vi cộng trừ tới 20 nhưng các em biết được bản chất của việc cộng trừ này một cách sâu sắc. Hình thức bài tập thiên về tính logic, áp dụng vào thực tế tính toán.

Giáo viên dựa vào chương trình khung của bang, sử dụng SGK cho bài dạy, chuẩn bị giáo cụ, giao các bài tập làm thêm từ các nguồn khác nhau để làm nổi bật nội dung giảng dạy cho học sinh.

Học sinh lớp 2 viết sai chính tả đến không đọc được, cô giáo vẫn khen - 1

Con gái chị Tống Thị Thu Hương học toán lớp 1 (Ảnh: NVCC).

Kể từ thập niên 1990, chương trình giáo dục phổ thông Đức trải qua những cuộc cải tổ quan trọng nào thưa chị?

Nhìn lại lịch sử một chút, từ thập niên 1960, Đông Đức bắt đầu xây dựng hệ thống giáo dục chuẩn, thiết lập một trường tổng hợp cho học sinh từ 6 tới 16 tuổi. Khi tốt nghiệp lớp 10, học sinh có thể theo học nghề. Trường hợp học sinh có năng lực tốt có thể được theo học chương trình trung học mở rộng, tốt nghiệp cấp 3 và lên đại học.

Về phía Tây, sau khi giành được độc lập vào năm 1949, hiến pháp đã quy định đưa quyền tự chủ giáo dục về các bang, dẫn tới mỗi bang có một chương trình học riêng. Vì thế, để đảm bảo sự thống nhất, Tây Đức đã đề ra một số quy định như về cấp học, thời gian học, chương trình khung của liên bang.

Khi sáp nhập thành Cộng hòa liên bang Đức vào năm 1990, giáo dục có cải tiến với các nội dung tiêu biểu như đánh giá thường xuyên các triết lý và mục tiêu giảng dạy của trường học tại địa phương, thử nghiệm các phong cách giảng dạy khác nhau, một số môn học áp dụng song ngữ, đưa máy vi tính và internet vào trường học.

Cũng cần nói thêm, Hội nghị thường trực các bộ trưởng văn hóa  (Konferenz der Kultusminister, KMK) đóng vai trò quan trọng trong các chính sách và cải tổ giáo dục Đức. Đây là diễn đàn cũng như nơi cung cấp mọi thông tin liên quan tới giáo dục Đức, được cập nhật liên tục và có tác động tới các bang trong việc giáo dục. 

Học sinh lớp 2 viết sai chính tả đến không đọc được, cô giáo vẫn khen - 2

Học sinh tiểu học tại Đức trong phòng học môn âm nhạc (Ảnh: NVCC).

Tháng 12/2001, nước Đức trải qua cú sốc khi chỉ số đánh giá PISA (đánh giá học sinh ở độ tuổi 15) rất thấp. Trong 30 quốc gia, Đức đứng thứ 27 về đọc, 28 về toán và 25 về khoa học. Kết quả này khiến các nhà lập chính sách phải ngồi lại và đưa ra cuộc cải cách lớn cho giáo dục. 

Ví dụ cụ thể là tăng giờ học từ 4 giờ lên 6,5 giờ như các quốc gia công nghiệp khác, tăng cường quyền lợi được chăm sóc ở bậc mầm non cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, theo dõi sát sao các đổi mới ở bậc trung học và tạo chuẩn quốc gia về kết quả học tập mà trước đây là trách nhiệm của từng bang riêng lẻ.

Với cải cách này, Đức đã có vị trí cao ở bảng xếp hạng quốc tế PISA 5 năm sau đó, đứng vào hàng các nước dẫn đầu về chất lượng giáo dục. 

Giáo dục là giúp đứa trẻ vui vẻ trên hành trình học tập

Thông thường trong mỗi cuộc cải tổ, luôn có những khó khăn, thách thức bởi tâm lý không sẵn sàng cho cái mới. Điều này có xảy ra tại Đức không thưa chị?

Tôi nghĩ là có. Ví dụ trong lần cải cách trên, việc có một tiêu chuẩn chung cấp quốc gia là một nỗ lực rất lớn. Trước đó, chính phủ giao toàn quyền cho các bang, không có tiêu chuẩn chung nào.

Chính phủ Đức trước sức ép của công chúng buộc phải nghiên cứu về chuẩn chung này ở các quốc gia khác nhau, áp dụng vào nước mình khi nhìn thấy được sự khả thi. Các bang dưới sức ép về kết quả thấp cũng chuyển mình và đi theo chuẩn chung của toàn nước Đức.

Việc tăng giờ học từ 4 lên 6,5 giờ cũng là một sức ép lẫn khó khăn khi triển khai. Học sinh tiểu học trường công học từ 8h tới 11-12h trưa là nghỉ. Trong tuần có 1 hoặc tối đa 2 ngày học chiều tới tầm 15h-15h30. Người dân Đức mong mỏi trường giữ học sinh lâu hơn vì bố mẹ còn đi làm, con về nhà không ai trông. 

Học sinh lớp 2 viết sai chính tả đến không đọc được, cô giáo vẫn khen - 3

Chị Tống Thị Thu Hương cùng hai con gái tại Đức (Ảnh: NVCC).

Một số trường đã cố gắng cung cấp thêm dịch vụ trông coi ngoài giờ. Theo đó, các em sẽ ăn trưa, rồi có người trông coi cho làm bài tập về nhà hoặc là tổ chức vui chơi sinh hoạt ngoại khóa cho các em. Hình thức này được gọi là "Ganztagsschule" - trường học cả ngày. 

Hiện Đức đang nỗ lực tăng số trường có "Ganztagsschule" lên để đáp ứng nhu cầu phụ huynh. Tuy vậy vẫn đang vấp phải rào cản là chi phí và nhân sự.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Việt Nam, mỗi tiết học cho lớp 1 và lớp 2 từ 30 phút đến 35 phút; cho lớp 3, lớp 4 và lớp 5 từ 35 phút đến 40 phút; giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Các trường dạy học 2 buổi/ngày bố trí không quá 7 tiết học/ngày; 31 tiết học/tuần đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 32 tiết học/tuần đối với lớp 4 và lớp 5. 

Như vậy, trung bình học sinh lớp 1, lớp 2 học 4,08 giờ/ngày; học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 học tối đa 4,66 giờ/ngày. 

Ngành giáo dục của Đức được ưu tiên ngân sách như thế nào thưa chị?

Theo tôi được biết, Đức thống nhất cho tới năm 2026, số tiền đầu tư hàng năm cho giáo dục sẽ là 687 triệu euro. Số tiền này dùng phát triển trường học bao gồm nhân sự, chương trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu… Người dân trong nước lẫn người nước ngoài tới Đức học đều không phải trả học phí. 

Đối với nhóm đại học và sau đại học, nhà nước thúc đẩy nghiên cứu khoa học với chương trình đầu tư chiến lược dài hạn cho các nhóm trường.

Cụ thể tháng 6/2016, nhà nước ký thỏa thuận đầu tư vào "Các sáng kiến xuất sắc", "Các cụm/nhóm xuất sắc" và "Các đại học xuất sắc" nhằm đào tạo những người có thành tích nghiên cứu hàng đầu, khuyến khích nghiên cứu cấp cao tại các trường đại học, giúp Đức trở thành địa điểm cho giáo dục đại học và khoa học ưu tú trên thế giới. 

Học sinh lớp 2 viết sai chính tả đến không đọc được, cô giáo vẫn khen - 4

Con gái chị Tống Thị Thu Hương say mê sáng tác truyện bằng tiếng Anh dù vẫn chưa nhận biết chính xác mặt chữ (Ảnh: NVCC).

Có hai con đều đang theo học tiểu học tại Đức, chị đánh giá như thế nào về kết quả mà giáo dục Đức mang lại cho con mình?

Về câu hỏi này, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. 

Mới đây, con gái nhỏ của tôi đang học lớp 2 tự viết một đoạn văn bằng tiếng Anh nhưng tôi không đọc ra được con viết gì. Con viết sai chính tả rất nhiều. Tuy vậy, con gái tôi vẫn tự hào khoe mẹ, ngồi vào lòng mẹ để đọc cho mẹ nghe. Lúc đó tôi mới hiểu những gì con viết.

Con kể cô giáo đã nói với con rằng: "Cô biết là con sẽ không nhớ hết mặt chữ, nhưng điều đó không quan trọng. Cô vui hơn khi con viết ra. Viết có sai còn hơn là con không viết gì cả. Mắc lỗi là bình thường vì con vẫn còn đang học".

Tôi rất tâm đắc với những gì cô nói. Giáo dục không phải là khuôn mẫu. Giáo dục giúp đứa trẻ vui vẻ trên hành trình đó. Giáo dục không đòi hỏi đứa trẻ 7 tuổi viết chính xác tất cả mặt chữ, mà khuyến khích sự sáng tạo. Nội dung của nó quan trọng hơn hình thức.

Sự sáng tạo có sức sống riêng, bền bỉ theo thời gian, không phải bắt chước một văn mẫu chỉn chu nào đó để đạt văn hay chữ đẹp.

Bài văn con viết tràn đầy kiến thức ngữ âm dù toàn phiên âm theo kiểu con nói. Nó đi từ dễ tới khó, từ đơn giản tới phức tạp, từ đời thường tới học thuật. Điều ấy cần thời gian đủ dài cho một đứa trẻ trưởng thành.  

Giáo viên là cầu nối, là người tạo ra chất xúc tác để con được gắn kết với tri thức, với thói quen học tích cực. Giáo viên là người con tin tưởng, gửi gắm niềm vui, động lực mỗi ngày đến lớp, là người con cảm thấy an toàn để chia sẻ.

Tôi rất biết ơn và hạnh phúc vì các thầy cô ở Đức đã giúp vun đắp ở con sự tự chủ, vui vẻ trong học tập. 

Tuy nhiên tôi cũng xin chú thích thêm, trường con tôi học là trường tư thục song ngữ Đức - Anh, không đại diện tiêu biểu cho giáo dục công lập của Đức.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!