Học sinh thế giới cũng “ngồi nhầm lớp”

(Dân trí) - Hàng trăm nghìn học sinh đang phải “ngồi nhầm lớp”, hiện tượng này không chỉ có ở Việt Nam mà tồn tại ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia có nền giáo dục được đánh giá hàng đầu thế giới như Anh, Mỹ, Nhật.

Chúng ta vẫn nhầm tưởng rằng căn bệnh “ngồi nhầm lớp” hay đứng nhầm lớp chỉ tồn tại ở những nước đang phát triển. Nhưng không phải vậy, đây là căn bệnh phổ biến và làm đau đầu ngành giáo dục của nhiều quốc gia. Hiện tượng này ở các nước ra sao và họ thực sự đã có phương pháp cụ thế nào giải quyết triệt để vấn đề này hay chưa?

 

Giáo dục Anh với những “học sinh vô hình”

 

Hiện nay, ở Anh có khá nhiều học sinh được gọi là “học sinh vô hình”. Đó là những cô cậu bé mới đầu có thể học rất tốt nhưng càng ngày càng sút kém thế nhưng các em vẫn lên lớp đều.. Có khoảng 37.000 học sinh kém môn tiếng Anh và khoảng 75.000 kém toán.

 

Có hiện tượng “học sinh vô hình” là do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví như: phương pháp dạy học còn thụ động, chưa phát huy được những khả năng của học sinh, do những kỳ vọng quá lớn của bố mẹ về con cái, sự hỗ trợ từ gia đình - nhà trường còn nhiều hạn chế, chứng tự kỷ của học sinh tăng…

Vậy làm thế nào để giúp học sinh có thể phát triển toàn diện hơn?

Bộ Giáo dục Anh đang có chương trình giúp đỡ “những đứa trẻ vô hình” bằng cách soạn những bộ giáo trình mới theo hướng đề cao thảo luận theo nhóm trong các môn học và tổ chức những chiến dịch lớn. Họ cũng đã thiết kế cho giáo viên những phương pháp dạy hay các bước tiến hành trong một bài dạy.

Việc nêu lên những dẫn chứng cụ thể, rõ ràng sẽ giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài hơn, đó là một phần của phương pháp dạy học giúp giáo viên sẽ thu được những thành quả mà họ mong muốn, và đó cũng là những điều tốt nhất cho mỗi học sinh.

Hai dự án của Bộ Giáo dục đã bắt tay thực hiện ở 484 trường tiểu học và trung học khắp nước Anh. Hàng nghìn học sinh sẽ có thêm 10 tiếng đồng hồ nữa để được học thêm môn toán và tiếng Anh. “Chúng tôi mong rằng không một đứa trẻ nào bị gạt ra ngoài, các em sẽ hiểu được là các em cần phải giành được những kết quả tốt trong các cấp học. Thầy cô, gia đình cần phải luôn sát cánh bên cạnh các em”.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là những giải pháp trước mắt.

1/3 sinh viên đại học Mỹ phải bổ túc “lỗ hổng” kiến thức

Từ khi có luật “No Child Left Behind” giáo dục Mỹ cũng đứng trước những vấn đề thách thức. Giáo viên các trường phổ thông, nhất là bậc tiểu học bị áp lực rất lớn bởi đạo luật này. Bởi vậy, để đạt được chỉ tiêu học sinh lên lớp và giữ thành tích cá nhân, nhà trường, họ đã vô tình biến nhiều học sinh thành những người “ngồi nhầm lớp”. Thậm chí, trong thi cử họ còn khuyến khích học sinh “gian lận” bằng cách cho các em mang tài liệu vào phòng thi, tư vấn trả lời, làm hộ bài, chữa kết quả thi… Số lượng học sinh bị “hụt” kiến thức ở bậc phổ thông ở Mỹ ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở môn Toán.

Cách giải quyết của giáo dục Mỹ là mở ra các trường bổ túc. Theo nghiên cứu mới đây của The Alliance for Excellent Education, mỗi năm, nước Mỹ mất 3,7 tỷ đô-la cho một số lượng lớn (khoảng 1/3) học sinh đã tốt nghiệp trung học phải tham gia các khoá bổ túc để ôn lại những kiến thức mà lẽ ra họ cần nắm chắc từ khi còn học trung học.

Châu Á “bức bối” vì học sinh.

Ở nhiều nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trước những áp lực học tập quá căng, tình trạng “ngồi nhầm lớp” cũng khá phổ biến. Đơn cử như ở Nhật, tỷ lệ học sinh học cấp 3 là gần như 100%, kỳ thi đại học tuy khó nhưng hầu hết những người được vào đều có thể tốt nghiệp. Liệu có phải học sinh Nhật quá giỏi để vượt qua tất cả những kỳ thi này không? Vậy tại sao ở Nhật lại có tình trạng “hỗn loạn” về các trung tâm dạy thêm và các trường dự bị như vậy?

Điều này có nghĩa là không phải học sinh nào cũng bắt kịp tiến độ dạy học ở nhà trường THPT. Căn bệnh thành tích và sự kỳ vọng quá lớn trên con đường học vấn cũng không buông tha các học sinh. Xấu hổ trước bạn bè, thầy cô, bố mẹ, khá nhiều học sinh chậm tiến này đã làm những việc dại dột mà phổ biến nhất là việc tự tử. Mỗi năm ở Nhật có khoảng 30.000 người tự tử thì học sinh, sinh viên chiếm một tỷ lệ rất cao.

Nguyên nhân “ngồi nhầm lớp” tuy ở mỗi nước đều có những đặc thù riêng nhưng tựu trung lại là những nguyên nhân như: phương pháp dạy học thụ động, áp lực học hành quá lớn, căn bệnh thành tích của giáo viên, nhà trường, phụ huynh học sinh, công tác quản lý giáo dục còn nhiều lỗ hổng…

Từ hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, kéo theo một thực trạng báo động, đó là vấn nạn gian lận thi cử. Mặc dù đã có những cố gắng nhưng vấn nạn này vẫn chưa có chiều hướng giảm.

Ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam, mỗi năm vẫn còn hàng nghìn vụ gian lận thi cử xảy ra. “Nhầm lớp” kéo theo gian lận và càng gian lận thì lại càng “ngồi nhầm lớp”. Mặc dù đã có những biện pháp cải thiện như tăng giờ học phụ đạo, học thêm hè hay mở các lớp bổ túc… nhưng cái vòng luẩn quẩn đó chừng nào chưa được giải quyết triệt để thì ngành giáo dục các nước vẫn còn những nhức nhối, những lo âu.

Hà Phương
(Tổng hợp từ BBC, Timesonline, The Chronicle, The New York Times…)