Chuẩn giáo viên tiểu học:

Khi thước đo... không chuẩn!

Vấn đề mà tất cả các giáo viên quan tâm là sau khi áp dụng chuẩn nghề nghiệp thì, “thước đo” này có giúp loại bỏ tình trạng cào bằng, hoặc đánh giá chung chung?

Sau khi hoàn thành dự thảo lần 4 về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học (GVTH), Bộ GD-ĐT đã tiến hành đợt thí điểm áp dụng chuẩn nghề nghiệp với 25.000 giáo viên (GV) thuộc 1.014 trường tiểu học của 10 tỉnh, thành phố nhằm khảo sát năng lực nghề nghiệp của đội ngũ này từ tháng 11/2004 đến tháng 3/2005. Đây là căn cứ cho việc triển khai đại trà áp dụng chuẩn đối với GVTH trên toàn quốc…

 

Giáo viên dưới chuẩn thấp…

 

Theo Ông Nguyễn Trí, Trưởng Ban điều hành dự án Phát triển giáo viên tiểu học, cách đây 10 năm, số GV có trình độ dưới chuẩn chiếm khá nhiều (theo Luật GD, ở bậc tiểu học, trình độ THSP là đạt chuẩn đào tạo) nhưng đến nay số GV có trình độ THSP chiếm 65,39%, số có trình độ ĐH, CĐ chiếm hơn 30% và chỉ còn khoảng 2% giáo viên có trình độ dưới chuẩn.

 

Tuy nhiên, khi xem xét năng lực nghề nghiệp của GV dựa trên 3 lĩnh vực của Chuẩn nghề nghiệp (gồm: phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, kiến thức và kỹ năng sư phạm) thì hầu hết đều đạt mức trung bình chưa đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay.

 

Số liệu trên đã khiến nhiều người đặt câu hỏi “Có hay không việc “chạy” theo chuẩn, “quên” chất lượng GV?”. Qua khảo sát năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GVTH ( ở lĩnh vực 1: phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị) có tới 75% giáo viên đạt mức cao nhất, nhưng ở lĩnh vực về kiến thức và kỹ năng sư phạm thì phần lớn giáo viên chỉ đạt ở mức 2 và đầu mức 3. Với chỉ số phát triển về năng lực chuyên môn như vậy chưa thể đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, bởi GV phải đạt mức 4 mới có thể đảm bảo chất lượng cho giáo dục tiểu học.

 

Đội ngũ GVTH được áp dụng chuẩn chủ yếu là đội ngũ GV dạy đủ các môn trong chương trình tiểu học. Có tới 91,3% GV dạy tất cả các môn ở trường tiểu học, trong khi đó chỉ có 8,7% GV dạy một môn. Về lâu dài, nếu muốn có đội ngũ GV dạy chuyên một số môn có tính đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Tin học... hoặc một số môn tự chọn (ngoại ngữ...) ở trường tiểu học thì cần có kế hoạch đào tạo cho từng huyện, tỉnh ngay từ bây giờ mới hy vọng 10, 15 năm nữa giải quyết được vấn đề này.

“Thước đo” có phản tác dụng?

 

Trong lần thí điểm áp dụng chuẩn nghề nghiệp với 25.000 GVTH, đã có tới 1.000 đánh giá viên tham gia, trung bình cứ 1 đánh giá viên tham gia đánh giá 25 GV. Tuy nhiên, để áp dụng đại trà chuẩn này, số lượng đánh giá viên phải lên tới con số 20.000 người. Song đây không phải lo ngại chính khi chuẩn này được áp vào thực tế, mà vấn đề phần đông GV quan tâm là chuẩn sẽ được lượng hoá thế nào cho phù hợp với từng khu vực, đối tượng. 

 

Theo ông Lù Văn Lũng, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La: Là một tỉnh miền núi, quy mô trường lớp nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên việc áp dụng chuẩn để đánh giá GV ở Sơn La còn nhiều bất cập. Nếu theo chuẩn thì GV phải có trình độ trung cấp chính trị, nhưng với GV miền núi chỉ yêu cầu trình độ sơ cấp cũng khó vì giáo viên không có điều kiện học. Bên cạnh đó, hầu hết GV đều không có trình độ ngoại ngữ, tin học.

 

Vì vậy, khi xem xét triển khai áp dụng chuẩn đại trà Bộ nên có những quy định mềm dẻo, điều chỉnh cho phù hợp với từng vùng. Thay vì yêu cầu bằng cấp về tin học, ngoại ngữ có thể “đo” GV miền núi bằng khả năng hiểu biết và sử dụng tiếng dân tộc trong giảng dạy. Cô Bùi Hạnh Phúc, GV Trường TH Lý Tự Trọng, tỉnh Ninh Bình, cũng đồng tình với quan điểm này

 

Không riêng ở miền núi mà ngay cả các tỉnh, thành phố cũng gặp không ít trở ngại. Thực tế, việc sử dụng phương pháp phỏng vấn để đánh giá giáo viên là hoạt động khó khăn nhất. Nhiều đánh giá viên lúng túng khi sử dụng phương pháp này, nên khó có thể phản ánh chính xác trình độ GV. Để đối phó với việc kiểm tra, có GV tìm tài liệu học thuộc lòng từng câu trả lời về phương pháp dự giờ và cách chuyển xếp điểm.

 

Ngoài ra, nếu không xem phương pháp dự giờ là bắt buộc thì không có gì ràng buộc đánh giá viên. Nếu phải dựa vào hiệu trưởng để đánh giá thì kỹ năng sư phạm của GV luôn đạt mức độ cao dù thực chất không như vậy.

 

Điều đáng lo ngại không phải chỉ là đánh giá sai, thiếu khoa học mà sự không chính xác đó sẽ “ru ngủ” GV rằng mình là người đạt chuẩn, trên chuẩn, không cần nỗ lực, cố gắng làm gì cho… mệt. Khi đó hiển nhiên là tác dụng của “thước đo” sẽ không còn.

 

Theo Hà Nội Mới