"Kiếp nạn" mang tên bãi gửi xe, sinh viên phải đi học sớm trước cả tiếng

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Bãi gửi xe trường học từ lâu đã trở thành "nỗi ám ảnh" của không ít học sinh, sinh viên. Lo giành chỗ để xe, sinh viên đi sớm trước cả tiếng.

Kiếp nạn mang tên bãi gửi xe, sinh viên phải đi học sớm trước cả tiếng - 1

Sinh viên xếp hàng vào bãi gửi xe Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Đi sớm... vẫn muộn

Từ sáng sớm, con đường Nguyễn Văn Bảo (quận Gò Vấp, TPHCM) dẫn vào Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (IUH) đông nghịt xe qua lại. Tiếng còi xe, tiếng điều phối của bộ phận hỗ trợ vang lên liên tục.

Vài năm qua, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM là điểm nóng của câu chuyện gửi xe khi khuôn viên chật chội.

Chưa kể, trên đoạn đường khoảng 100m, khu vực này còn có thêm trường THCS và mầm non. Vì thế, vào giờ cao điểm, đoạn đường dẫn đến trường luôn trở thành nỗi ám ảnh của người dân và học sinh, sinh viên vì lưu lượng người tham gia giao thông rất lớn.

Quang Vinh (tên nhân vật đã được thay đổi) - sinh viên nhóm ngành công nghệ thông tin - kể nếu có tiết học từ 6h30, em phải ra khỏi nhà lúc 5h30.

"Em chạy xe từ nhà đến trường mất 15-20 phút, thời gian còn lại dự phòng cho tắc đường và xếp hàng chờ vào bãi gửi xe. Chỉ đến trường muộn hơn 6h là đông nghịt phương tiện rồi", Vinh chia sẻ.

Nữ sinh viên khác kể giờ vào học là 6h30 nhưng phải 5h dậy chuẩn bị, 5h30 ra khỏi nhà, 6h tới trường nhưng đôi khi phải 6h45 mới vào được bãi gửi xe.

"Từ đi học sớm thành trễ học vì bãi gửi xe", nữ sinh viên ngán ngại.

Số lượng phương tiện quá lớn nên sân, lối đi, gốc cây được tận dụng để trở thành bãi gửi xe "bất đắc dĩ".

Kiếp nạn mang tên bãi gửi xe, sinh viên phải đi học sớm trước cả tiếng - 2

Nhà trường tận dụng sân trường, gốc cây làm bãi gửi xe, cử nhân viên điều phối (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Nhiều sinh viên gọi việc gửi xe là "kiếp nạn". Sinh viên khác lại dí dỏm ví là quá trình rèn luyện tính kiên nhẫn và chịu đựng.

Điểm nóng thứ hai là Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH). Sinh viên đến muộn phải tìm chỗ gửi xe cách trường cả trăm mét với giá gửi gấp 2-3 lần.

Cũng trong tình cảnh tương tự, Trân Trân (tên nhân vật đã được thay đổi) - sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) - thường có ca học chiều nhưng phải rời nhà từ sáng.

"Đi học ca chiều rất nắng, sợ phải xếp hàng lâu nên 11h00 em đã tới trường để kịp xếp hàng vào bãi gửi xe từ 11h50", Trân Trân kể.

Dù có khuôn viên rộng thênh thang song bãi gửi xe của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cũng rơi vào tình trạng kẹt xe giờ cao điểm.

Không những thế, từ bãi gửi xe đi vào các lớp học khá xa nên sinh viên mất khoảng 5-10 phút di chuyển, chưa kể mưa, nắng rất vất vả.

Trường này phải khuyến cáo sinh viên nên đi học sớm để tránh tình trạng ùn tắc dẫn đến đi học muộn.

Trong khi đó, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM với khuôn viên cực hẹp, sinh viên phải chật vật tìm các chỗ gửi xe bên ngoài, có nơi thu đến 10.000 đồng/lần.

Bãi gửi xe trở thành tâm điểm tranh cãi của sinh viên nhiều trường đại học. Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng phản ánh sinh viên các trường lân cận thường xuyên gửi ở bãi xe của trường mình khiến cho họ gặp nhiều khó khăn khi gửi và lấy xe.

Các trường đau đầu tìm giải pháp

Để tránh tình trạng kẹt xe, nhiều trường đã đưa ra các giải pháp nhưng đến nay chưa giải quyết được dứt điểm.

TS Nguyễn Xuân Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM - cho hay, bãi gửi xe là nỗi đau đáu của nhà trường và IUH đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng trên.

Kiếp nạn mang tên bãi gửi xe, sinh viên phải đi học sớm trước cả tiếng - 3

Sinh viên có mặt từ 11h30 tại Trường Đại học Công Thương TPHCM để "nhận phần" chỗ để xe cho ca học chiều (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Về lý do khách quan, ông Hồng cho hay với các cơ sở đào tạo đóng ở nội đô thường có cơ sở vật chất nhỏ hẹp trong khi số lượng phương tiện của sinh viên ngày càng lớn.

"Mỗi ca học của IUH khoảng 200 lớp, một ngày khoảng 800 lớp, thường mỗi em lại thêm một chiếc xe máy nên dẫn đến tắc nghẽn cục bộ trong khoảng 10-15 phút đầu giờ", ông Hồng nói.

Cùng với đó, khu vực các trục đường xung quanh Trường Đại học Công nghiệp TPHCM như Nguyễn Văn Bảo, Lê Lợi, Nguyễn Thái Sơn, chợ Gò Vấp... là cung đường "sáng nào, trưa nào, chiều nào cũng tấp nập".

Đặc biệt, đường Nguyễn Văn Bảo - đường chính vào trường - có chiều rộng khiêm tốn nhưng xe buýt, xe tải được lưu thông. Nơi đây cũng tập trung hàng loạt trường học, nhà thờ...

Giải pháp được nhà trường thực hiện là phối hợp với lực lượng dân phòng của UBND và Công an phường 4 điều tiết phân luồng giao thông vào các khung giờ giao ca.

Nhà trường mở 6 cổng (3 cổng phía trước, 3 cổng phía sau) giúp xe lưu thông ra - vào 1 chiều; huy động tối đa lực lượng hỗ trợ từ xung kích, thuê thêm 8 nhân lực thời vụ để sắp xếp xe; đàm phán thuê bãi gửi xe bên ngoài, mở rộng cơ sở...

Cùng với đó, nhà trường có công văn gửi đến Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đề nghị ưu tiên hỗ trợ tuyến xe thuận tiện đến trường, ban truyền thông thực hiện tuyên truyền người học sử dụng phương tiện công cộng,...

Kiếp nạn mang tên bãi gửi xe, sinh viên phải đi học sớm trước cả tiếng - 4

Các khu vực sát Trường Đại học Công nghệ TPHCM trở thành nơi gửi xe của sinh viên (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM - cho hay tính chất đặc thù của các trường đại học là tập trung xe cao độ vào những khung giờ nhất định như đầu ca học, chuyển ca học, kết ca học.

Dù bãi xe có thể đáp ứng được số lượng nhưng tại những khung giờ cao điểm trên luôn diễn ra sự ùn tắc cục bộ tại một thời điểm. Để giải quyết vấn đề này, HUTECH thực hiện tuyên truyền và tạo thói quen cho sinh viên sử dụng phương tiện công cộng khi đến trường ngay từ năm nhất.

Kiếp nạn mang tên bãi gửi xe, sinh viên phải đi học sớm trước cả tiếng - 5

Sinh viên HUTECH đến muộn không còn chỗ gửi xe (Ảnh: Huyên Nguyễn)

Cùng với đó, phòng Đào tạo bố trí thời khóa biểu lệch ca khoảng 10-15 phút để hạn chế việc ùn tắc cục bộ; Huy động đội ngũ sinh viên tình nguyện tham gia điều tiết, phân luồng xe vào các khung giờ cao điểm.

Song song đó, trường vận động những nhà có diện tích lớn điều tiết hoạt động kinh doanh tăng cường bãi xe vệ tinh nhằm giảm mật độ tập trung tại một địa điểm.

"Đối với các bạn sử dụng phương tiện cá nhân nên sắp xếp đến sớm khoảng 15-20 phút để chủ động trong việc gửi xe và thư thả chuẩn bị tiết học", Phó hiệu trưởng HUTECH cho hay.

Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM Phạm Thái Sơn cho hay nhà trường đã bố trí lực lượng điều phối, hỗ trợ sinh viên ra vào xe thuận tiện.

Để hỗ trợ sinh viên, chỗ gửi xe ở trường hoàn toàn miễn phí.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khuyến cáo sinh viên có thể đến trường bằng xe buýt. Sinh viên trường được trợ giá khi xuất trình giấy xác nhận sinh viên.