Kinh hoàng sách tham khảo

Đứng giữa rừng sách tham khảo, chị Huỳnh Thị Thu Cúc bối rối không biết chọn cuốn nào trong số hơn 10 đầu sách tham khảo/môn học. Bắt đầu bằng những cuốn văn mẫu, chị mở ra xem lướt qua và cùng “toát mồ hôi” vì những áng văn “có một không hai”.

Sợ quá, văn mẫu!

Với đề bài “Mẹ là hình ảnh đẹp nhất trên đời. Bằng tình yêu và lòng kính trọng của mình, em hãy viết một bài văn tả về mẹ của mình cho các bạn trong lớp cùng biết”, trang 112 sách tham khảo “207 đề và bài văn lớp 5”, NXB ĐH Sư Phạm đã có đoạn như thế này: “Mình nhớ có một hôm mẹ mình vội vàng đến cơ quan mà quên cả trang điểm. Bố mình chạy theo kéo mẹ vào nhà, bắt mẹ ngồi vào bàn trang điểm.

Mẹ bảo: “Tưởng chuyện gì quan trọng lắm, hóa ra là việc làm đẹp. Người ta đã đẹp sẵn rồi cần gì phải làm đẹp”. Nói xong mẹ nhìn bố mỉm cười rồi lên xe, nhấn ga vù thẳng. Bố con mình nhìn theo bóng mẹ khuất dần”.

Đến đây, chắc người đọc cũng hiểu bài văn muốn nói về người mẹ có nét đẹp hình thể “rực rỡ như một đóa hồng nhung giữa vườn hoa của Đại học Kinh tế Tài chính” (trang 112) (vì thế nên không cần phải trang điểm).

Chưa hết, với đề “Em hãy tả hình dáng và tính nết thơ ngây của một em bé đang tuổi tập đi, tập nói”, sách “Tuyển chọn những bài văn mẫu lớp 5”, NXB Tổng Hợp Đồng Nai xây dựng hình tượng nhân vật “hiền lành thơ ngây như một thiên thần bé nhỏ trên bầu trời bao la” (trang 22): “Bé tham ăn lắm, ba cho bé cái kẹo, bé giấu sau lưng, chìa tay kia ra xin tiếp”, “Nói chung là bé dễ ghét lắm” (trích nguyên văn cũng ở trang 22).

Xem đi xem lại nhiều lần mà chị Cúc vẫn băn khoăn: “Tôi hiểu tác giả muốn miêu tả một đứa trẻ đáng yêu. Nhưng không hiểu họ nghĩ như thế nào khi dùng những từ ngữ ngớ ngẩn như vậy”.

Sách tham khảo thì như thế nhưng ngay cả sách giáo khoa cũng có những chi tiết sai một cách khó hiểu. Sách giáo khoa môn ngữ văn lớp 9 chương trình THCS mới có bài học về “Người con gái Nam Xương” (chương trình THCS cũ cũng là “Người con gái Nam Xương”). Một giáo viên môn văn ở TPHCM cho biết: “Học sinh cứ thắc mắc với tôi: người con gái đã có chồng, có con thì phải được gọi là “thiếu phụ” chứ sao lại là “con gái”? Tôi cũng thấy thế, bao nhiêu năm học chương trình THCS cũ “con gái Nam Xương”, nay thay sách giáo khoa mới cũng vẫn là "con gái"".

Câu chữ lủng củng, khó hiểu

Tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TPHCM, môn tiếng Việt lớp 5 có 16 đầu sách tham khảo, lớp 4: 14 đầu sách, lớp 3: 14 đầu sách. Ngay cả lớp 2 với chương trình môn tiếng Việt mang tính sơ đẳng và đơn giản cũng có đến 10 đầu sách tham khảo.

Mặc dù chỉ quan sát tranh, trả lời câu hỏi, kể về anh chị em trong gia đình, kể ngắn về con vật nhưng phụ huynh học sinh lớp 2 vẫn “rối bời” từ “Những bài văn mẫu lớp 2”, “155 đề văn - tiếng Việt 2”, “Rèn kỹ năng tập làm văn 2” đến “Tiếng Việt nâng cao tiểu học 2”, “Hướng dẫn học tiếng Việt tiểu học 2”.

Ông Trần Phạm, giáo viên tiểu học ở TPHCM với thâm niên hơn 20 năm trong nghề, nhận định: “Văn mẫu bây giờ câu cú, ngữ pháp rất lủng củng. Thậm chí có những câu tôi không hiểu người viết muốn nói gì”. Và những câu “không hiểu muốn nói gì” như thế không ít trong sách tham khảo hiện nay: “Mẹ tôi là bác sĩ ở khoa Ngoại bệnh viện Chợ Rẫy. Dáng người mẹ thon thả, mái tóc đen mượt mà ôm gọn lấy khuôn mặt trái xoan luôn rạng rỡ, trông mẹ thật trẻ so với cái tuổi trên dưới 40”, trang 56 “Những bài văn hay tiểu học 3”, NXB Tổng Hợp TPHCM.

“Ba em là một thương binh, lại chịu nỗi bất hạnh là má em lại bỏ cha con lại từ khi em mới lên hai”, trang 15 “Những bài văn chọn lọc 4”, NXB Tổng Hợp Đồng Nai. Cũng với sách này, trang 19: “Và đêm hôm ấy em trằn trọc khó ngủ vì câu hỏi: Tại sao không lấy gói tiền khi mình đang cầm mà họ lại không nghi ngờ?”.

Ông Trần Phạm chép miệng: “Bậc tiểu học đóng vai trò “tạo nền” cho học sinh trong việc dùng từ, đặt câu, nếu học sinh học theo những cuốn văn mẫu như trên thì tội nghiệp các em quá”.

Đó là chưa kể lỗi chính tả nhan nhản, không sao kể hết. Có lẽ sách văn mẫu dành cho học sinh tiểu học ngày nay đa số đều do người lớn viết nên nội dung của nó cũng rất “người lớn”. Cô bé con chị Cúc sau khi đọc xong bài văn “Em có người anh đi bộ đội xa nhà. Hãy viết thư thăm hỏi và kể chuyện nhà cho anh biết” cứ ngồi trầm ngâm.

Xin trích một đoạn cho học sinh lớp 4 đọc và “suy ngẫm”: “Ở đây, mọi người quen thân đều nhắc tới anh. Các bạn học của anh cũng thường ghé thăm nhà hỏi tin tức về anh. Còn chị Anh Thúy cứ trách: “Anh Phong như gió, bay qua là bay luôn, quên hết”. Nghe chị ấy trách anh, em cứ cười hoài”.

Theo Hoàng Hương
Tuổi Trẻ