Làng cử nhân La Chữ

La Chữ, một ngôi làng nhỏ thuộc xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, TP Huế, vốn nổi danh là vùng đất học xưa nay. Thời nhà Nguyễn, làng La Chữ có tới 18 cử nhân, hương cống làm việc ở kinh thành, trong đó nổi danh là họ Hà.

Đến nay, làng La Chữ vẫn còn dấu tích của trường thi La Chữ với cuộc nổi dậy của thí sinh chống lại sự bất công của các vị chánh, phó chủ khảo năm 1884.

 

Đất nghèo sinh nhiều cử nhân

 

Tự hào truyền thống của các bậc tiền nhân, tuy mưu sinh bằng nghề nông nhưng nhà nào ở La Chữ cũng quyết tâm đưa con đến được cổng trường đại học. Ở làng này, những tấm gương hiếu học rất nhiều. Người làng có thể kể vanh vách chuyện học của con nhà này, nhà nọ.

 

Vợ chồng ông Lê Đình Nguyện làm ruộng nuôi sáu người con vào đại học. Vừa rồi, ông Nguyện được vinh dự là đại biểu của tỉnh Thừa Thiên - Huế đi dự đại hội biểu dương “Gia đình hiếu học toàn quốc” tổ chức tại Hà Nội.

 

Ông tự hào kể: “Bây giờ con cái tôi đã vào đại học hết cả rồi. Đoạn đường gian khó đã qua. Tôi thật hãnh diện về những đứa con của mình. Cạnh nhà tôi là nhà ông Lê Đình Trung, trong tám người con của ông đã có bảy tốt nghiệp đại học”.

 

Trong 28 con em của làng thi đỗ đại học năm qua (có 30% thí sinh đỗ cùng lúc 2 - 3 trường), đứng đầu là Hà Trần Phương Thảo, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp năm 2004 của Trường THPT Đặng Huy Trứ. Em đỗ cùng lúc hai trường (Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Nông Lâm) cùng với số điểm 26,5.

 

Nhưng có lẽ cảm động nhất là câu chuyện của cô bé Hà Thị Như Liên, con gái bà Võ Thị Lầm. Mấy chục năm qua, hai mẹ con bà Lầm sống nhờ vào gánh củi, mớ rau. Năm 2001, Liên thi đỗ vào Trường THPT chất lượng cao Quốc Học - Huế, nhưng em không theo học được vì nhà quá nghèo.

 

Tính gác lại chuyện học hành thì may sao em nhận được sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ Trần Hữu Dàn, bố của một người bạn thân. Liên được tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở và phương tiện đi lại. Qua ba năm vượt khó, năm nay Như Liên đã trở thành sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Y khoa Huế.

 

Những “thầy giáo làng” tận tụy

 

Có một điều lạ là các em học sinh phổ thông ở La Chữ không hề tham gia bất cứ một lớp luyện thi nào ở TP, chỉ theo học thầy giáo làng, trong đó phải kể đến thầy Hà Cảnh Lượm.

Tốt nghiệp THPT, từng thi đỗ vào Đại học Sư phạm, nhưng do sức khỏe yếu nên thầy phải ở nhà và mở lớp dạy học. Một mình phải nuôi bốn đứa con và một người bố suốt năm bệnh tật hành hạ, nhưng thầy Lượm không bao giờ bỏ lớp. Năm trước, thầy Lượm có đến 3 học trò thi đỗ vào Đại học Y khoa Huế.

 

Người thứ hai được cả làng biết đến là “thầy” Hoàng Ngọc Danh, sinh năm 1972, nay đang là sinh viên năm cuối của Đại học Kinh tế Huế. Anh đã thi đỗ 4 lần vào các trường đại học khác nhau. Ngoài giờ học, anh mở lớp dạy ở làng, học sinh đến học rất đông.

 

Nhiều học trò của “thầy” Danh nay đã tốt nghiệp đại học như Lê Đình Phúc, Lê Đình Nhân, Trần Hữu Được và 5 học trò khác hiện là... đồng môn với “thầy” Danh ở Trường Đại học Kinh tế Huế.

 

Người La Chữ ai cũng tự hào về cái chí vươn lên vượt khó của những cử nhân là con em quê mình, trong đó có nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực. Điều đáng mừng là dân làng sẵn sàng “chung lưng đấu cật” giúp nhau nuôi những học sinh nghèo nên người. Thậm chí nhiều nhà còn mang tiền đến đề nghị được cho vay để các gia đình có hoàn cảnh khó khăn giúp con em mình có thêm điều kiện đến trường đại học.

 

“Đất nghèo nhưng giàu chữ. Chúng tôi cố gắng động viên các cháu học sinh phải nỗ lực học tập, đó chính là con đường để thoát khỏi nghèo khổ” - ông Lê Đình Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Chữ, tâm sự.

 

Làng La Chữ có 883 hộ dân với nhiều dòng họ. Riêng họ Lê của ông Lê Đình Nguyện từ năm 1975 đến nay đã có 182 người đỗ cử nhân.

 

Ông Lê Công Mầu, người viết sử làng La Chữ, cho biết: Con số học sinh của làng đỗ vào đại học cứ tăng dần mỗi năm từ 25 đến 30 người.

 

Một số thủ khoa, á khoa đại học là con em của làng hiện đang học tập và làm việc ở nước ngoài như anh Hà Thúc Chống, làm việc tại CHLB Đức; anh Lê Quang Thuận, làm việc tại CHLB Nga; chị Hà Thị Hồng Phượng, làm việc tại Mỹ...

 

Theo Người Lao Động