Lều chõng thời nay...

Không thiếu những học sinh từ tỉnh lên, tò mò với cuộc sống đô thị và kiếm tiền đua đòi theo bạn bè rồi dẫn đến trộm cắp, bệnh tật... Nhiều bậc phụ huynh đã phải gạt nước mắt lên đón con về, cánh cửa đại học cả gia đình kỳ vọng bấy lâu khép lại một cách phũ phàng.

Các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TPHCM... các lò ôn thi, luyện thi của công, của tư mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa để đón hàng chục vạn sĩ tử đến luyện. Đâu đâu cũng với một câu quảng cáo: “giáo viên giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy luyện thi các bộ đề đại học chỗ ở tốt, giá rẻ”. Nhưng một thực tế đáng buồn khiến nhiều bậc phụ huynh cũng như sĩ tử đã phải vỡ mộng tương lai và dở khóc dở cười khi đây là những lời rêu rao theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”.

 

Luyện thị như đi... tỵ nạn

 

Mùa thi năm 2004, sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT, cả nhà chị Thanh ở Hà Tĩnh lo lắng theo dõi mọi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả những người đã từng học đại học về để chọn cho con mình là cháu H. một chỗ luyện thi tốt nhất. Việc này được đưa ra thảo luận nhiều lần trong gia đình và đi đến quyết định: thi ở trường nào luyện thi ở nơi đó để có nhiều cơ hội hơn. Vậy là hai cha con H. khăn gói lên đường vào Sài Gòn để luyện thi.

 

Hôm ra đi, tuy không nói cho nhiều người biết vì đây chỉ là đi luyện thi nhưng bà con xóm làng cũng đến khá đông, kẻ nhiều người ít giúp đỡ tiền bạc với mong muốn H. sẽ sớm “vinh quy bái tổ”. Chốn Sài thành gây ấn tượng đầu tiên đối với cha con H. là sự nhiệt tình của đội quân tiếp thị luyện thi đón ngay tại cửa xe khách khi vừa bước xuống bến, đa phần là xe ôm: trung tâm này uy tín, trung tâm kia chất lượng cao có chỗ ở cho học sinh ở xa... và cả những trung tâm tư nhân của nhiều vị giáo sư tiến sĩ ở những trường danh tiếng có khả năng sẽ ra đề cho trường đại học Z, trường cao đẳng Y... trong kỳ thi sắp tới.

 

Thế rồi cha của H. cũng tìm được một trung tâm luyện thi có uy tín để gởi gắm tương lai con mình. Khổ nỗi,  ở đây không có nhà trọ cho học viên nên đành phải mướn ở ngoài. Thuê được một căn phòng ở lầu 4, điện yếu, nước thiếu lại nhồi nhét cả chục người nhưng cha H. vẫn lạc quan động viên: “Vạn sự khởi đầu nan, phải chịu khó luyện, thi đậu cho kỳ được, đừng để mất mặt với xóm làng”. Đã ba bốn lần trong một tháng ôn thi đó, H. chuyển chỗ ở mới. Học hành chẳng được là bao bởi lệch lạc chương trình nên H. thi trượt năm đó. Mặc cảm không dám về nhà, H. nói dối là đã đậu đại học và quyết định ở lại làm mướn kiếm sống chờ thi lại năm sau. 

 

Trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, muốn thi đậu đại học thì phải đến nơi trường đã nộp đơn tuyển sinh để luyện thi thì mới có cơ hội nên vào mỗi mùa thi hàng vạn học sinh từ khắp nơi đổ về thành phố lớn. Tại TPHCM hầu như trường đại học, cao đẳng  nào cũng có trung tâm luyện thi của riêng mình, chi nhánh thì mọc lên nhan nhản với đủ lời mời gọi khác nhau và hầu như chỗ nào cũng chất lượng và thậm chí cả “chất lượng cao” nữa. Sĩ tử lần đầu đến đều choáng ngợp trước sự “xã hội hoá” các lò luyện thi như vậy.

 

Bên cạnh những lò chính quy do nhà trường mở thì các thầy cô giảng dạy cũng muốn mở lò riêng của mình để đón học sinh. Giảng viên được quảng cáo bao giờ cũng là người tận tâm và có kinh nghiệm giảng dạy nhưng lại chạy giờ từ trung tâm này qua cơ sở khác không khác gì ca sĩ chạy sô.

 

Theo quy định của Bộ GDĐT thì bộ đề thi cho các trường chỉ giới hạn trong mức độ phù hợp với kiến thức của THPT nhưng để thu hút học sinh, một số trung tâm, cơ sở lại chạy đua nhau với chương trình giải những bộ đề thi những năm trước và nâng cao kiến thức lên hơn một bậc làm cho nhiều học sinh theo không nổi bởi nó khác với kiến thức THPT. Không phải đợi đến mùa thi mà các “lò” bắt đầu được mở sau Tết để tổ chức luyện dài hạn.

 

Rồi đến những lò luyện ngắn hạn thường thì khoảng 2-3 tháng, lò luyện cấp tốc, thậm chí siêu cấp tốc chỉ với 15 đến 20 ngày với mức học phí 380.000đ/người. Nhiều trung tâm còn rất bê bối trong việc bố trí chỗ ăn ở cho học sinh. Cư xá An Giang (bây giờ trực thuộc quản lý của kí túc xá Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) là một ví dụ. Phòng đọc được tận dụng triệt để chứa học sinh đến luyện thi tại trung tâm luyện thi của trường. Các cô, cậu tú ngồi, nằm la liệt trong một không gian khoảng 35m2.

 

Trong môi trường đó, những trường hợp mới lên luyện được vài tuần đã bị bệnh  phải chuyển đi chỗ khác hay về quê như học sinh N.B. Với mức giá 60.000đ/người nhưng mỗi phòng chứa tới 20-30 có khi lên tới 40 người. Chiều đến, từng dãy dài nam, nữ  xếp hàng chờ được tắm vì chỉ có một nhà tắm duy nhất dành cho học sinh ôn thi. Lầu 4 và lầu 5 hầu như không có nước, học sinh phải mở ống nước cứu hoả sinh hoạt.

 

Chơi nhiều học chẳng bao nhiêu

 

Điều kiện sống tuy khó khăn như vậy nhưng học sinh vẫn đổ về để luyện thi. Một học sinh đã qua hai năm đi luyện mà chưa đậu cho biết: “Đến luỵện thi chơi nhiều chứ học được bao nhiêu”.

 

Thực tế nhiều sĩ tử đi luyện thi với suy nghĩ đi cho biết đây biết đó,  kẻo không có cơ hội chứ việc đậu đại học là một cái gì đó quá xa vời. Trong môi trường này những người muốn học cũng không có điều kiện bởi quá ồn ào. Đêm đêm, cảnh thường thấy trong các phòng của sĩ tử là tụ tập nhau đánh bài, ca hát suốt đêm làm cho những người xung quanh không thể nào chú tâm vào học hành. Chỗ học bài duy nhất là những phòng bếp bỏ trống. Mỗi buổi tối, nhiều học sinh hầu như không thể ôn bài vì không gian quá ồn ào, sống trong tập thể nên lôi kéo lẫn nhau chơi bời, nhiều người luôn tự an ủi “học tài thi phận”. Sống trong môi trường ấy, nhiều học sinh mới chân ướt chân ráo đến luyện thi đã yêu nhau.

 

Đêm, tại khuôn viên của ký túc xá Đại học Nông Lâm, các khu vực được sinh viên đặt những cái tên phượng vĩ, chữ y, cẩm tú, thiên lý, vườn yêu... chật cứng, nhiều cặp bỏ quên bài vở dẫn nhau ra ngồi tâm sự. Bác Mười  ngụ Phan Thiết lên thăm con đang luyện thi bức xúc: “Luyện như vậy chỉ mất tiền vô nghĩa. Nhiều cô cậu ban đêm đánh bài, đàn hát, mua rượu về nhậu, dẫn nhau đi chơi, sáng mai ngủ cho đến trưa không thấy đến lớp cũng như không bao giờ đụng đến sách vở thì làm sao thi đậu cho được”.

 

Có nhiều hôm còn xảy ra đánh nhau náo loạn cả khu ký túc xá chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong khi say rượu. Đó là chưa kể đến những trường hợp “phân chia giai cấp” trong giới học sinh luyện thi với nhau. Có nhiều cậu ấm, cô chiêu được ba mẹ chở xe hơi đến tận phòng ở để luyện thi, bên cạnh đó có những học sinh từ tỉnh lẻ phải vừa học vừa mưu sinh hàng ngày.

 

Trong một môi trường như vậy học sinh làm sao có điều kiện thuận lợi để tiếp thu và trau dồi kiến thức. Các bậc phụ huynh cần phải có cái nhìn thật khách quan trong việc chọn nơi ôn thi cho con em mình. Đừng quá nôn nóng với vấn đề thi cử của con em mình mà phải cố gắng đến luyện cho kỳ được ở những trung tâm, cơ sở có tiếng tăm tạo ra áp lực phản tác dụng. Đừng nên lầm tưởng: thi ở chỗ nào, học ở chỗ đó sẽ dễ đậu hơn bởi bộ đề thi do Bộ GDĐT ra và thống nhất trong các trường đại học, cao đẳng.

 

Các trung tâm luyện thi ngoài việc bồi dưỡng kiến thức cũng cần phải chý ý đến nơi ăn chốn ở của học sinh ở xa, quản lý giờ giấc của học viên, phải có quy chế để tạo môi trường thuận lợi cho học sinh ôn thi, đừng để tình trạng biến các trung tâm luyện thi thành nơi giải trí.

 

Theo Lê Bình - Nguyễn Dung

Công An TPHCM