Liên kết đào tạo với nước ngoài: Vàng thau lẫn lộn!

(Dân trí) - Hợp tác quốc tế đã được Bộ GD-ĐT xác định là một trong bảy nhóm nhiệm vụ quan trọng để đổi mới và phát triển giáo dục. Nhưng, trong thời gian qua, các chương trình liên kết bùng nổ khiến người học như lạc trong "mê cung" rối bời…

Điều đáng chú ý là hầu như trường ĐH nào trong khối ngành kinh tế cũng có vài chương trình liên kết: Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Thương mại đều có chương trình liên kết đào tạo (CTLKĐT) bậc ĐH với nước ngoài…

Để "lọt" vào các CTLKĐT, điều kiện cần và đủ gần như chỉ là tiền, bởi các CTLKĐT thường chỉ yêu cầu đầu vào tốt nghiệp THPT. Tất nhiên, để trở thành sinh viên của các CTLKĐT, người học cũng được yêu cầu phải đạt trình độ nhất định một ngoại ngữ, thông thường là tiếng Anh. Nhưng trên thực tế, yêu cầu về ngoại ngữ cũng khá cởi mở, không ít nơi sẵn sàng cho người học "nợ" cả các chứng chỉ ngoại ngữ hay tuyển vào rồi dành một hai học kỳ đầu tiên để dạy ngoại ngữ.

Nhưng một sự thật khá buồn, như câu hỏi của GS Phạm Phụ: "Phải xem xét tại sao các trường ĐH đẳng cấp quốc tế không có đối tác liên kết tại Việt Nam?".

Còn theo lời một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT thì hiện nay, các trường ĐH Việt Nam mới chủ yếu tìm kiếm và xác lập quan hệ liên kết đào tạo ở mức độ yêu cầu trường nước ngoài đã được kiểm định chất lượng chứ chưa nghĩ đến uy tín hay danh tiếng của trường ĐH đó.

Cũng theo lời vị lãnh đạo này thì việc xem xét cấp phép liên kết đào tạo với nước ngoài là trách nhiệm của Bộ. Nhưng, các trường trong nước sẽ gặp khó khăn khi muốn tìm đối tác lớn, có tầm cỡ, nếu quy định cứ buộc những trường nổi tiếng hay có uy tín đã được thừa nhận trên thế giới muốn hợp tác với Việt Nam phải làm theo quy trình như tất cả trường khác, họ sẽ ngại ngần, không thể kiên nhẫn, thậm chí tự ái khi họ còn nhiều cơ hội hợp tác, luôn được chào mời ở những nơi khác.

Tuy cách quản lý như hiện nay có thể đánh đồng trường lớn với trường không tên tuổi, nhất là khi hệ thống quy định quản lý, luật pháp của ta liên quan đến lĩnh vực này còn chưa đồng bộ, hoàn thiện nên cũng đành… tạm chịu vậy.

Hợp tác với nước ngoài cần được khuyến khích. Nhưng rõ ràng sự liên kết đào tạo đó đang rơi vào tình trạng vàng thau lẫn lộn và khi các cơ quan chức năng đã "cả nể" như vậy thì ai sẽ là người bảo đảm cho quyền lợi của người học?

Lê Châu