Liều mình tăng điểm ưu tiên để “vợt” thí sinh

(Dân trí) - Tiến hành thanh tra công tác tuyển sinh của 55 trường ĐH và CĐ trong cả nước, Bộ GD-ĐT phát hiện có rất nhiều trường vi phạm quy chế. Tuy nhiên, một trong những sai phạm này, Bộ lại chưa có chế tài xử lý.

Đa số lỗi mà các trường mắc phải là tuyển vượt chỉ tiêu đăng ký. Trong số 55 trường tiến hành thanh tra có tới 23 trường xét tuyển vượt chỉ tiêu như: ĐH Mở TPHCM cũng tuyển vượt chỉ tiêu đối với hệ CĐ tới 235%, CĐ Bách nghệ Tây Hà tuyển vượt 51,2%, ĐH Hùng Vương: 168%, ĐH Công nghiệp TPHCM vượt chỉ tiêu hệ ĐH 11,29%, hệ CĐ 10,46% ...

Bên cạnh đó, một số trường chưa thực hiện nghiêm túc quy định tại khoản 2, Điều 33 Quy chế như giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh dự thi tại trường nhưng tham gia xét tuyển theo NV1 tại trường khác, không gửi cho các trường xét tuyển như quy định mà gửi cho thí sinh...

Điều 33, Quy chế tuyển sinh quy định:Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng ưu tiên là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.

 

Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch giữa các đối tượng ưu tiên được phép lớn hơn 1 nhưng không quá 2 điểm; với các trường đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nhân lực cho địa phương thì mức chênh lệch giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 2 điểm”.

Kết quả thanh tra cũng cho thấy, một số trường vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh về việc ưu tiên đối tượng tuyển sinh nhưng chưa được sự đồng ý của Bộ dẫn đến tổng điểm 3 môn văn hoá thấp.

Đó là Trường ĐH Mở TPHCM tuyển sinh theo địa chủ cho hai địa phương là Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi có điểm thấp nhất là 5 điểm (KV1, UT1).

Trường ĐH Yersin Đà Lạt có công văn xin ý kiến của Bộ GD-ĐT nhưng chưa có ý kiến trả lời đã thực hiện áp dụng mức điểm ưu tiên giữa 2 khu vực kế tiếp giảm 2 điểm, giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp giảm 1 điểm dẫn dến tổng điểm 3 môn của thí sinh vào trường là 5 điểm. Khi Bộ có công văn yêu cầu trường thực hiện ưu tiên giữa các khu vực kế tiếp giảm 1 điểm, giữa các nhóm đối tượng kế tiếp giảm 1 điểm thì trường đã xét xong NV1, NV2.

Trường ĐH Quang Trung, ĐH Phan Châu Trinh không thực hiện đúng quy định của Bộ vận dụng Điều 33 Quy chế là mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 khu vực lớn hơn 1 điểm.

Trường ĐHDL Bình Dương có công văn xin phép Bộ vận dụng Điều 33 với mức chênh lệch giữa các khu vực là 2 điểm, nhóm đối tượng 1 điểm, Bộ không đồng ý nhưng trường vẫn “cố tình” thực hiện, điểm trúng tuyển 3 môn văn hoá là 7 điểm; CĐ DL Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, ĐH DL Cửu Long (điểm trúng tuyển 3 môn văn hoá là 6,5 điểm), ĐH Công nghiệp TPHCM nhiều thí sinh trúng tuyển môn toán chỉ đạt 0,5 và 1 điểm.

Khó có chế tài xử lý

Ông Trần Bá Giáo, Phó Chánh thanh tra Bộ cho biết, với những sai phạm của các trường khi áp dụng Điều 33 theo Quy chế rất khó xử lý vì không có chế tài xử lý. Bộ chỉ có thể chấn chỉnh bằng quy định khống chế mức điểm vận dụng Điều 33 so với điểm sàn để đảm bảo chất lượng.
 
Với các trường vượt chỉ tiêu, Bộ sẽ áp dụng hình thức xử phạt theo Nghị định 49. Theo đó, mức phạt tiền thấp nhất từ 2 triệu - 5 triệu với các trường tuyển vượt chỉ tiêu dưới 5% và mức phạt tiền cao nhất từ 40 triệu - 60 triệu đối với các trường hợp vi phạm tuyển vượt trên 20% chỉ tiêu số lượng tuyển sinh được giao hoặc tuyển từ 31 người học trở lên không đúng đối tượng, tiêu chuẩn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cũng khẳng định: Năm 2009, các trường vẫn xác định chỉ tiêu đào tạo theo tiêu chí cũ và giữ ổn định trong 3 năm, tới 2011. Theo đó, các trường đã tuyển sinh vượt 20% so với chỉ tiêu đăng ký ban đầu của năm 2008 sẽ bị trừ vào năm nay. Bộ GD-ĐT chỉ xem xét bổ sung chỉ tiêu cho những ngành mới mở trước tháng 3/2009.

Hồng Hạnh