“Loạn thu”: Sở GD-ĐT không thể đứng ngoài cuộc!

Quỹ phụ huynh học sinh (PHHS) đã “biến tướng”, trở thành nỗi bức xúc của đông đảo phụ huynh. Nhiều hội PHHS tự đặt ra các khoản thu rất vô lý, mức thu cao ngất ngưởng và ép buộc phụ huynh đóng.

Việc quản lý quỹ thì nhập nhằng, luộm thuộm, chi xài thoải mái. Kết quả thanh tra mới đây cho thấy có trường cuối năm còn dư 1, 2 tỉ đồng không biết làm gì phải bỏ vào ngân hàng, có trường đặt ra khoản “khen thưởng” cho giáo viên nào vận động thu được nhiều tiền PHHS.

 

Dưới danh nghĩa quỹ PHHS, Trường Mầm non Bán công 30-4 (Q.1 - TPHCM) thu mỗi phụ huynh (PH) 800.000 đồng/năm.

 

Những khoản thu “từ trên trời rơi xuống”

 

Một PH đã liệt kê các khoản đóng góp, bao gồm: phí chăm lo khám sức khỏe các cháu 300.000 đồng/năm; phí chăm lo các cô 400.000 đồng/năm; mua tivi, đầu máy: 100.000 đồng/năm. Những khoản thu này hoàn toàn nằm ngoài quy định, tuy nhiên dưới vỏ bọc “quỹ PHHS”, nhà trường hy vọng tránh được việc thanh tra của các cấp quản lý cũng như sự bất bình của dư luận.

 

Hội PHHS ở nhiều trường khác cũng đặt ra “những khoản thu từ trên trời rơi xuống” như thế. Năm học 2005-2006, Trường Tiểu học (TH) Lê Thị Riêng (Q.10) thu tiền PHHS 150.000 đồng/HS/năm. Nhà có 2 con theo học tại đây cũng không được giảm. Nếu không đóng thì con em họ bị nhắc nhở liên tục trước lớp. Ngoài số tiền này, mỗi tháng PH Trường TH Lê Thị Riêng còn đóng thêm 30.000 đồng/HS nếu có con học bán trú (ngoài phí bán trú thu theo quy định).

 

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6), đầu năm cũng “bắt” đóng tiền PHHS mỗi cháu 100.000 đồng/năm. Tuy nhiên, PH tỏ ra bất bình là việc đóng quỹ này không hề thông qua cha mẹ HS.

 

Một trường ở Thủ Đức, ngoài đóng tiền PHHS 100.000 đồng/HS/năm, hội còn “đẻ” ra khoản thu 20.000 đồng/HS để mua bằng khen, 54.000 đồng/HS để trồng cây xanh... Trường THCS Lê Văn Tám (Q. Bình Thạnh) thu 230.000 đồng tiền PHHS, HS nào không đóng sẽ bị trừ điểm hạnh kiểm... Trường Mầm non Bán công 20-10 (Q.1) nâng mức thu tiền PHHS từ 360.000 đồng năm học 2004-2005 lên 450.000 đồng năm học 2005-2006. Lý do được đưa ra là “tính tới thực tế trượt giá thị trường”.

 

Nhập nhằng các khoản thu

 

Theo quy định, hội PHHS muốn vận động đóng góp một khoản gì đều phải có văn bản và được sự đồng ý của UBND quận, huyện nơi trường đóng. Thế nhưng qua khảo sát của chúng tôi, hầu hết các hội PHHS đều bỏ qua quy định này. Quy định cũng nói rõ các khoản vận động chỉ mang tính chất hỗ trợ nhà trường lúc đang gặp khó khăn trong một thời gian nhất định, ví dụ năm học sắp tới nhưng chưa quét vôi kịp tường rào, ngân sách hiện có bao nhiêu, còn thiếu bao nhiêu cần vận động. Mọi việc thu chi phải công khai trước PH. Sau đợt vận động là chấm dứt thu. Đằng này, các hội cứ thoải mái thu hằng tháng, cả năm tùy thích!

 

Việc tổ chức thu cũng không đúng quy định. Ông Phạm Văn Hiền, PH Trường TH Trung Nhất (Q. Phú Nhuận), phản ánh: “Mỗi năm, tiền quỹ hội PHHS trường này thu 120.000 đồng/HS. Số tiền này được ghi thẳng vào sổ đóng tiền hằng tháng của HS. Như vậy, tiền này là bắt buộc chứ đâu phải tự nguyện!”.

 

Việc giao cho nhà trường thu tiền PHHS là sai quy định, chưa kể nó tạo nên một áp lực “vô hình” nên không PH nào là không đóng. Và việc giao phó cho nhà trường thu hộ tiền PHHS là rất phổ biến ở các trường.

 

Chi xài thoải mái

 

Theo kết quả bước đầu, việc thanh tra các khoản thu đầu năm 2005-2006 của Thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM, quản lý tài chính của các hội PHHS vô cùng nhập nhằng và luộm thuộm. Hầu hết các hội đều không có kế toán, thủ quỹ theo quy định của một tổ chức hội, thế nên mọi việc từ giữ tiền đến thu chi chỉ mỗi ông chủ tịch biết. Thế nhưng, quỹ này không phải nhỏ, có nơi lên tới hàng tỉ đồng, nhất là ở các trường lớn có quy mô HS vài ngàn em. Bởi vậy mới nảy sinh nhiều khoản chi gây bất bình trong PH như đưa ban giám hiệu đi nghỉ mát, du lịch nước ngoài, liên hoan ăn uống...

 

Trường TH Nguyễn Chí Thanh (Q.10), năm học 2004-2005 nảy ra “sáng kiến” chi một khoản tiền gọi là “bồi dưỡng giáo viên” vì đã có công vận động PH đóng quỹ hội cao, đạt từ 90% đến 100%.

 

Ngoài ra, hiệu trưởng, kế toán, thu ngân, thủ quỹ cũng được bồi dưỡng khoản tiền này. Có trường, sau khi tổng kết cuối năm còn dư 1,2 tỉ đồng tiền PHHS, không biết làm gì đành gi ngân hàng. 

 

 

Theo Người Lao Động