Lớp học thầy Hải

Một lớp học đặc biệt chỉ vỏn vẹn có 10 học sinh nhưng đều là người khiếm thị. Tuy nhiên giờ học của họ luôn sôi nổi không thua kém những lớp học bình thường khác, vì phía sau là hình bóng một người thầy tận tụy với những mảnh đời bất hạnh.

Thầy Hải, đó là  cách gọi thân thương và khả kính mà các học trò vẫn thường gọi. Thầy tên Nguyễn Thanh Hải, năm nay đã bước sang tuổi 65 nhưng nhìn vẫn còn nhanh nhẹn lắm; gắn với nghề đơn giản vì “mặn” với nghề giáo, thấy nhiều em mù chữ mà thương.

 

Thầy đã có 30 năm gắn với nghề giáo, từng là hiệu trưởng nhiều trường cấp II, III ở Thạnh Lộc (Q.12, TPHCM). “Năm 2003, sau khi bước vào tuổi hưu, những tưởng thầy đã được nghỉ ngơi với con cháu. Ai dè, sau khi lên Trung tâm Giáo dục cộng đồng phường Thạnh Lộc thì thầy quyết định gắn bó với nơi này” - thầy Hải từ tốn kể.

 

Về tham gia quản lý, dạy học tại Trung tâm Giáo dục cộng đồng Thạnh Lộc và Trung tâm Bảo trợ xã hội Kỳ Quang, Thạnh Lộc, thầy đã cùng đại đức Thích Quang Hạnh (chùa Kỳ Quang) và nhiều người ở đây thực hiện mô hình học tập, hòa nhập cho người khuyết tật và thanh niên địa phương.

 

Tại Trung tâm Giáo dục cộng đồng phường Thạnh Lộc, thầy còn phối hợp với nhiều mạnh thường quân và các đơn vị như Công ty Hải Dương, trung tâm giáo dục thường xuyên, Đoàn thanh niên... mở lớp phổ cập tin học, lớp đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ cho thanh niên đi lao động nước ngoài, bảo lãnh vay vốn cho người nghèo... Tất cả đều miễn phí.

 

Để có đầy đủ giáo viên đứng lớp cho học sinh từ lớp 6-12 thầy đã huy động những học trò của mình trước đây giờ đã thành danh. Nghe thầy và với tinh thần tình nguyện, nhiều người nhiệt tâm hưởng ứng ngay.

 

Trung tâm thiếu sách đọc và tham khảo, thầy “tậu” ngay tủ sách bằng cách đi xin những người có nhiều sách. Hiện giờ phòng học cũng là nơi thầy nghỉ lại qua đêm đã có hai kệ sách lớn với nhiều cuốn sách cũ có giá trị. Thầy chia sẻ: “Nhờ vậy có tài liệu để thầy trò học tập, nghiên cứu”.

 

Mười học trò của thầy trong lớp học tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Kỳ Quang, Thạnh Lộc mỗi người một quê. Lê Văn Trường quê ở Nam Định, bị khiếm thị bẩm sinh. Sau khi nghe người quen làm ở TPHCM giới thiệu, Trường đã lật đật thu xếp vào và gắn bó ở đây đã hơn ba năm. “Do từ nhỏ đã học chữ Braille (chữ nổi) và sống đời sống cộng đồng nên hòa nhập môi trường mới cũng nhanh” - Trường kể về buổi đầu đến trung tâm và lớp học của thầy Hải.

 

Còn Nguyễn Quốc Tuấn quê đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đến trung tâm cũng vì nghe nhiều người nói. Tuấn và Trường đều đã học xong nghề đông y, hiện giờ cả hai bạn đều có thể làm nghề của mình sau ba năm học tập. Tuy nhiên “Em chưa học văn hóa tới đâu cả (hiện các bạn đang học lớp 9 - NV) nên phải học văn hóa. Tụi em cố gắng học hết 12” - Trường bộc bạch.

 

Có lẽ chính vì quyết tâm đó nên mỗi giờ học những người học trò ấy  chăm chú, nghiêm túc học và rất mạnh dạn phát biểu. Khi giảng bài điện trở (vật lý lớp 9), nói về mối tương quan giữa cường độ dòng điện và điện trở, thầy đã ví von đến con đường đá từ Kỳ Quang ra quốc lộ 1 và con đường quốc lộ 1 rộng lớn để học sinh hình dung. Bằng sức tưởng tượng, những học trò của thầy đã trả lời vanh vách mối liên hệ.

 

Sau khi giảng giải xong, thầy lại đọc lướt để các học trò ghi bài bằng chữ Braille. Mười học trò ai cũng được xếp loại khá về học tập. Mỗi người một ước mơ nhưng đều có cùng một điểm chung trong tâm khảm: ai cũng yêu quí mái nhà chung, yêu quí lớp học và cả người thầy gắn bó dù chưa một lần được nhìn thấy mặt.

 

Theo Mạnh Khôi

Tuổi Trẻ