Miễn học phí vẫn là thượng sách

Miễn phí cho HS phổ thông trường công là một tiến bộ lớn của lịch sử từ vài ba thế kỷ nay. Hiện nay, nhiều nhà nước trên thế giới thực hiện chính sách miễn cho HS trường công. Còn điều chỉnh học phí ở bậc ĐH và trên ĐH chỉ nên tương ứng với mức điều chỉnh lương cơ bản hiện nay.

Miễn học phí cho THCS, chưa nên tăng học phí THPT

 

Hiện nay, nước ta đang thực hiện phổ cập giáo dục THCS thì nên miễn học phí cho học sinh cấp học này, hoặc ít nhất cũng nên miễn học phí cho 35 tỉnh còn lại chưa đạt chuẩn vào năm 2005 (các tỉnh thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa).

 

Hiện tượng học sinh THCS bỏ học nhiều nơi đáng báo động, chưa kể năm nay thiên tai bão lụt nhiều hơn. Ví dụ: Năm học 2004-2005, Bình Thuận có 60.690 học sinh bỏ học nửa chừng. Bỏ học cao nhất là THCS với trên 3.650 em, cấp THPT có 2.070 em, tiểu học 970 em.

 

Có người có trọng trách trong ngành giáo dục nói rằng, dự án điều chỉnh học phí lần này chỉ tăng ở THPT thì không ảnh hưởng gì đến THCS. Điều đó không đúng. Những học sinh đang học THCS hiện nay là với mục đích thực hiện phổ cập giáo dục THCS. Nếu người ta thấy rằng con đường học lên với học phí cao, hoàn cảnh kinh tế gia đình chịu không xiết thì họ sẽ bỏ học ngay từ THCS.

 

Một ví dụ đơn giản dễ hiểu là nếu đang đi trên một con đường, anh đã biết trước phía trước đường đang bị tắc, không thể vượt qua thì phải tìm con đường khác. Nhiều em hoàn cảnh khó khăn chưa học hết THCS đã phải đi làm "ôsin", đi bán vé số, đi gặt mướn, đi chạy hàng lậu...

 

Có người cho rằng cứ tăng học phí để đánh vào con nhà giàu, còn con nhà nghèo sẽ có học bổng cao hơn, được vay tín dụng... Thực tế điều đó khó đi vào cuộc sống, trong khi ăn và học phải kịp thời từng ngày. Nước ta 80% là nông dân, tỉ lệ người giàu rất nhỏ. Với cung cách quản lý yếu kém hiện nay, xin được thủ tục miễn - giảm học phí hay được vay vốn cũng không phải dễ dàng gì. Lại phải chạy chọt thì cũng hết hơi. Biết rồi em hổng dám đâu.

 

Điều chỉnh học phí bậc ĐH và chuyên nghiệp như thế nào?

 

GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn đã chứng minh, chúng ta có khả năng kinh phí để miễn - giảm học phí cho tất cả các cấp học. Tôi rất đồng tình và hoan nghênh. Để bảo đảm sự ổn định và tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo hiện nay và một số năm tới, chúng tôi xin đề xuất mấy nguyên tắc sau:

 

- Theo Nghị quyết T.Ư 2, khoá VIII của Đảng, không thu đồng loạt học phí trong cả nước mà theo từng vùng, từng tỉnh, từng ngành nghề. Có thể có vùng miễn phí như Tây Nguyên, ĐBSCL... Mức học phí ở các trường thuộc tỉnh do HĐND và MTTQVN tỉnh quyết định.

 

- Không thể dựa vào việc tăng giá để tăng học phí. Vì giáo dục còn là "bông hoa" của chế độ XHCN. Mức điều chỉnh tăng học phí ở bậc đại học và trên đại học tối đa chỉ nên tương đương như mức điều chỉnh tăng lương hiện nay, khoảng 30%, còn học nghề chủ yếu là miễn - giảm.

 

- Tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý các nguồn kinh phí, triệt để chống tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực giáo dục để chi cho các nhà trường như tiền xuất bản SGK, tiền các dự án vay vốn nước ngoài.

 

- Thực hiện các cơ sở sử dụng nguồn lực đào tạo phải góp kinh phí cho giáo dục.

 

- Cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường đại học, chuyên nghiệp mở xí nghiệp, dịch vụ phục vụ nghiên cứu, thực hành tăng nguồn thu cho nhà trường.

 

- Khuyến khích phong trào tự học, tự đào tạo, kể cả các trường đại học ngoài công lập cũng có thể đào tạo từ xa...

 

Hạ sách mới là tăng học phí, còn thượng sách - về lâu dài phải miễn - giảm học phí, chí ít là ở bậc học phổ thông.

 

Nhà giáo Trần Hữu Trù

Nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ GD-ĐT

Theo Lao Động

Dòng sự kiện: Tăng học phí