Đồng Tháp:

Một xã nuôi heo đất khuyến học hơn nửa tỷ đồng

(Dân trí) - Năm học 2014 - 2015, xã Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) nuôi 1.310 con heo đất với tổng số tiền “mổ” heo 502 triệu đồng. Chính nhờ mô hình hiệu quả này đã giúp xã Phong Mỹ đi đầu trong phong trào nuôi heo đất khuyến học trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Trung tuần tháng 10, PV Dân trí có chuyến công tác về đất Sen Hồng - Đồng Tháp, được nghe Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh giới thiệu mô hình nuôi heo đất dành cho công tác khuyến học đạt hiệu quả cao nhất nhì khu vực ĐBSCL. Trong đó, xã Phong Mỹ hiện là xã dẫn đầu toàn tỉnh về phong trao nuôi heo đất khi hàng năm số tiền “mổ” heo đất khuyến học lên đến bạc trăm triệu.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến xã Phong Mỹ. Khi đến UBND xã, chúng tôi gặp ông Đặng Văn Chính - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phong Mỹ. Ông Chính cho biết: “Năm học 2013 - 2014, toàn xã Phong Mỹ nuôi được 1.285 con heo đất với tổng số tiền là 497 triệu đồng, trong đó bà con, cán bộ ủng hộ lại cho quỹ khuyến học xã trên 12 triệu đồng; Sang năm học 2014 - 2015, đàn heo của xã tăng lên 1.310 con heo đất, tổng số tiền khui được hôm tháng 9 vừa rồi lên đến 502 triệu đồng. Bà con và cán bộ ủng hộ lại cho quỹ khuyến học xã trên 13 triệu đồng.

Ngày hội khui heo đất khuyến học.
Ngày hội khui heo đất khuyến học. Trong ảnh: Ông Lê Tấn Phước (ngoài cùng, bên trái) cùng các lãnh đạo Đảng ủy, ủy ban,  MTTQ... đều nuôi một con heo đất và tặng hết số tiền cho quỹ khuyến học xã.

Về cách thức nuôi heo đất tại xã Phong Mỹ, ông Chính cho biết: “Có hai cách nuôi, một là nuôi heo đất theo dạng tập thể, áp dụng cho cơ quan, trường học, các tổ chức dân vận, tổ chức Đảng… Cách thứ hai là nuôi theo hình thức cá nhân theo hộ gia đình. Theo đó, kết thúc một năm nuôi heo đất, Hội Khuyến học xã sẽ tập trung toàn bộ số heo đất đến UBND xã và chia ra làm 2 -3 đợt để làm lễ “mổ” heo đất. Số tiền heo đất thuộc cá nhân đa phần là người dân mang về mua sách vở, dụng cụ học tập cho con em… Một số ít tặng lại cho quỹ khuyến học xã. Riêng những con heo đất tập thể, thông thường sẽ trích một ít cho quỹ khuyến học xã, số còn lại, tổ chức đó giữ lại để cấp học bổng, mua sách vở, khen thưởng cho các con em trong đơn vị đó.

Đặc biệt, những con heo đất cá nhân của một số lãnh đạo của Đảng ủy, UBND, MTTQ… thì gần như 100% các đồng chí ấy tặng hết lại cho quỹ khuyến học xã để cùng với những nguồn vận động khác, cấp học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học trên địa bàn xã. Như năm rồi, tổng quỹ cấp học bổng, tặng quà cho các em học sinh gần 300 triệu đồng.

Các ban ngành đoàn thể đến các em học sinh đều tham gia nuôi heo đất
Các ban ngành đoàn thể đến các em học sinh đều tham gia nuôi heo đất.

Xung quanh mô hình nuôi heo đất, ông Bùi Văn Nhỏ - Bí thư Chi bộ Đảng ấp 4 cho biết: “Hiện nay Chi bộ Đảng ấp 4 có 30 Đảng viên và ban đầu các Đảng viên đều tham gia nuôi heo đất. Sau một năm tổng kết, thấy có hiệu quả nên có thêm nhiều người dân tham gia và đến nay đàn heo đất trong ấp đã tăng lên hàng trăm con. Có nhiều gia đình còn khó khăn, đôi lúc trong nhà không có nổi 100.000 đồng, nên việc nuôi heo đất và khui heo dịp tựu trường thật sự có ý nghĩa đối với những hộ còn khó khăn. Khi khui heo ra, nhiều hộ dân bật khóc, vì vui mừng vì họ không ngờ rằng con heo đất nhà mình có tới 300.000 đồng. Bà con mang tiền về mua sách vở… cho con em họ. Vậy là nỗi lo đầu năm học của nhiều phụ huynh được giải quyết bằng con heo đất. Chính vì vậy mà đàn heo mỗi năm ở ấp, ở xã tăng lên là vậy”.

Các ban ngành đoàn thể đến các em học sinh đều tham gia nuôi heo đất
Hàng năm từ số tiền vận động các tổ chức, cá nhân... cộng với số tiền nuôi heo đất do cán bộ, người dân tặng lại cho quỹ khuyến học, Hội Khuyến học xã đã cấp phát cho hàng trăm suất học bổng và hàng chục xe đạp đến các em học sinh nghèo trên địa bàn xã Phong Mỹ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết: “Phong trào nuôi heo đất khuyến học xã Phong Mỹ đã có từ năm 2012. Tuy nhiên đến 2013, Bí thư Đảng ủy xã đã có chỉ đạo các Đảng viên phải đi đầu trong phong trào này, phải ý thức tiết kiệm để chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn xã… cùng nhau chấm dứt tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Từ ý nghĩa thiết thực này, cộng với cách làm linh hoạt, rõ ràng của các cán bộ đầu ngành, đơn vị (chủ yếu là 18 chi bộ Đảng viên)… nên phong trào nuôi heo đất phát triển rộng khắp trong quần chúng và cán bộ, nhân viên trên địa bàn xã. Do vậy, chỉ tính riêng số tiền “huy động” từ heo đất khuyến học hàng năm đã hơn nửa tỷ đồng, chưa tính các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân… ủng hộ thêm hàng trăm triệu đồng cho quỹ khuyến học xã”.

Xung quanh công tác xã hội, ông Long còn cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn xã Phong Mỹ có 3 tôn giáo chính là Phật Giáo, Hòa Hảo, Thiên Chúa, trong đó tín đồ Hòa Hảo chuyên lo công tác cầu đường, nhà cửa… Còn Phật Giáo và Thiên Chúa thì làm rất tốt công tác khuyến học qua các chương trình cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo trên địa bàn xã. Tất cả công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã Phong Mỹ làm tốt và hiệu quả như hôm nay chính là nhờ sự đoàn kết, nhất trí từ Đảng ủy, Ủy ban đến các ban ngành đoàn thể và quần chúng nhân dân cùng một lòng hành động và cùng nhau kiểm tra mọi công tác.

Với lượng heo đất và số tiền tiết kiệm được từ mô hình này, xã Phong Mỹ đang được xem là xã dẫn đầu ở tỉnh Đồng Tháp về hiệu quả của phong trào nuôi heo đất dành cho công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

Nguyễn Hành