Ngậm ngùi giải thưởng môi trường

Lần thứ hai học sinh trường THPT xa xôi nhất tỉnh Sóc Trăng đoạt giải nhất cuộc thi về môi trường do Bộ GDĐT, Bộ TNMT và Tổ chức Nước thế giới tổ chức. Tuy nhiên, ước mơ “đem chuông đi đánh xứ người” đành gác lại vì… có tài năng, nhưng tiền không đầy túi.

Được biết, nhóm học sinh này là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia cuộc thi môi trường nước quốc tế tại Thụy Điển.

Xôn xao xóm nghèo

Tin 3 em học sinh Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) chuẩn bị đi Thụy Điển dự thi quốc tế thật sự làm xôn xao xóm nghèo xã Xuân Hoà. Miệt vườn cây trái này lâu lắm mới có tin vui như vậy. Bà con ai cũng mừng. Một chị bán nước ở đầu con hẻm nhỏ dẫn vào nhà của các em, chỉ đường với vẻ rất tự hào: “Chú hỏi thăm mấy đứa nhỏ làm sạch môi trường hả! Gần lắm, đi hết đoạn đường này là tới liền hà. Mấy đứa nhỏ nhà nghèo mà học giỏi ghê luôn. Nghe nói tụi nó chuẩn bị đi nước ngoài thi lận đó”. Cả xã xôn xao về chuyện này.

Bà con trầm trồ khen ngợi các em có chí học hành. Ông Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Có con học hành đàng hoàng, đi thi đấu ở quốc tế, thật không gì tự hào bằng. Ước gì mấy đứa con tôi lớn lên cũng được như vậy”. Tự hào cũng phải, vì đây là lần đầu tiên 3 em học sinh có dịp ra nước ngoài thi thố tài năng. Người nhà cho biết, các em đang ở trường vì khối lớp 12 được nhà trường cho học trước ngày khai giảng.

Trường THPT An Lạc Thôn nằm nép mình bên dòng sông Hậu, thuộc ấp An Thạnh II, xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ngôi trường được thành lập hơn 30 năm này hiện dạy cả hai hệ THCS và THPT. Hiệu trưởng Lê Công Trứ cho biết, trường có tổng số 53 lớp (28 lớp THPT) với hơn 1.838 học sinh, chủ yếu là con em của các xã vùng ven, hầu hết đều nghèo, một số rất ít mới khá lên từ việc nhận tiền bồi thường của dự án đường nam sông Hậu. Năm học vừa qua, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hơn 96%, năm học trước nữa là 88%... Đây là ngôi trường vùng sâu, chất lượng giáo dục bình thường, không có gì đặc biệt.

Năm 2007, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo dạy môn sinh học Nguyễn Ngọc Hải, các em học sinh trường An Lạc Thôn đã thật sự được thổi luồng gió mới về tình yêu môi trường. Nhóm học sinh của thầy Hải đã hoàn thành công trình “Gòn - bông băng cho nước nhiễm dầu”, vinh dự đoạt giải nhất toàn quốc của cuộc thi bảo vệ môi trường. Lúc này các em Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy, Nguyễn Thanh Liêm vẫn còn là học sinh THCS.
Năm 2011, nhóm Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy, Nguyễn Thanh Liêm (học sinh lớp 11A2) dưới sự hướng dẫn của thầy Hải tiếp tục thực hiện đồ án “Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm”, vượt qua 800 bài dự thi của các trường THPT trên cả nước, giành giải nhất toàn quốc.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là công trình nghiên cứu công phu, có tính thực tiễn cao, dễ áp dụng trong đời sống. Trước khi đem công trình đi thi, thầy Nguyễn Ngọc Hải cùng nhóm học trò của mình đã “năn nỉ” nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cơ sở sửa chữa máy nổ của xã tham gia thử nghiệm. Kết quả đem lại khá bất ngờ, những vết dầu loang đã được thu gom đến hơn 90%; nhớt cặn được thu gom gần 100% trước sự thán phục của mọi người. Ông Võ Văn Út - một chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - trầm trồ: “Tui không ngờ tụi nhỏ lại hay đến vậy. Những tấm thảm bằng vỏ tràm đã hút hết trơn những vết dầu loang trôi trên mặt nước”.

Tin trường An Lạc Thôn đoạt giải nhất cuộc thi về môi trường sẽ không làm chấn động dư luận nếu như thầy Hải và học trò có nguy cơ ở nhà nhận giải thưởng qua đường bưu điện, vì không có tiền ra Hà Nội nhận giải.

Ngậm ngùi giải thưởng môi trường  - 1
Thầy Hải cùng các học sinh nghiên cứu đề tài “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm”.

Ra Hà Nội chỉ với ba trăm ngàn đồng

Nụ cười chưa kịp khép lại thì những giọt nước mắt chực tuôn khi thầy Hải nhận được thông báo từ Ban tổ chức: Không có kinh phí tài trợ cho việc ra Hà Nội nhận giải. Không nỡ để các em ở lại quê nhà, thầy Hải gõ cửa khắp nơi để xin tiền tổ chức cho các em đi nhận giải. Số tiền ban đầu thầy trò nhận được chỉ 1 triệu đồng từ Hội Cha mẹ học sinh và 500 ngàn đồng từ công đoàn trường. Còn lại là những lời hứa. Gần đến ngày đi, trong túi chỉ vài triệu đồng, thầy Hải quyết định đi. Ngồi trên tàu hoả, thầy mới nhận được điện thoại từ các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, bởi trước đó công luận đã lên tiếng về việc này.

Số tiền nhận được từ các nhà tài trợ hơn 10 triệu đồng cùng toàn bộ chi phí tàu, xe do một ngân hàng lo liệu.

Tại xóm nghèo xã Xuân Hòa, Nguyễn Thanh Liêm từ giã gia đình lần đầu tiên ra Hà Nội, với số tiền 300 ngàn đồng cả nhà vét hết đưa cho em. Liêm thật thà: “Vậy mà đi về con còn dư nữa đó chú. Hôm ra Hà Nội, thầy Hải có đưa tụi con đi tham quan một số nơi. Con thích nhất là làng gốm Bát Tràng. Con có mua quà về cho mẹ nữa”. Món quà Liêm mang về cũng ít ỏi như lúc ra đi. Đó là bộ tách trà trị giá 50 ngàn đồng.

Nguyễn Trí Hảy - nhà thuộc diện hộ nghèo, có 3 anh em, 2 người anh vừa hết THPT phải nghỉ học vì cả nhà 5 miệng ăn không thể bám vào chỉ 1 công vườn. Tôi thắc mắc vì sao em tên Hảy. Em ngây thơ: “Hồi làm khai sanh, mấy chú viết làm sao em không biết. Viết đúng là Hải mới phải”. Tôi lờ mờ hiểu nghĩa của cái tên Hảy lạ lùng: Không phải là sợ sệt, mà là sự phản chiếu trình độ của cán bộ hộ tịch lúc bấy giờ. Do cuộc sống vốn còn khốn khó nên bà con xóm nghèo chỉ thể hiện lòng yêu thương, quý mến của mình bằng những lời động viên, chúc mừng, Hảy lên đường với 500 ngàn đồng do gia đình, người thân gom góp.

Lý Công Hiển - một thành viên khác của nhóm - không khá hơn hai bạn: Đi Hà Nội nhận thưởng với lộ phí không hơn 500 ngàn đồng.

Có lẽ xuất phát từ tình yêu môi trường, khát vọng bảo vệ môi trường nên cả 3 em đều mong muốn thi vào ngành môi trường hoặc quản lý đất đai cho kỳ thi đại học sắp tới, do các em chưa hiểu đầy đủ, bảo vệ môi trường đâu chỉ có ngành khoa học về môi trường.

Tàn lụi một giấc mơ

Hôm tôi đến Trường THPT An Lạc Thôn, tâm trạng thầy Nguyễn Ngọc Hải ngổn ngang, mừng lo lẫn lộn. Trước đó, thông tin chính thức từ Ban tổ chức cho biết, đã chọn đề tài của Sóc Trăng đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế tại Thụy Điển vào ngày 21.8 nhân Tuần lễ Nước thế giới, nhưng không có kinh phí để cấp cho nhóm thầy trò trường An Lạc Thôn đi thi. Dẫu sao, thầy Hải vẫn hy vọng sẽ có được số tiền gần nửa tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân tài trợ. Lúc nào thầy cũng động viên học trò của mình an tâm, tập trung vào việc hoàn chỉnh đề án. Các em cũng ý thức rằng mình sẽ được đi nên tất cả học thêm tiếng Anh để chuẩn bị cho chuyến thi thố cấp quốc tế với niềm hy vọng cháy bỏng là sẽ có giải thưởng.

Tiếp chuyện với tôi mà điện thoại của thầy Hải réo liên tục. Đó là những lời động viên, chia sẻ. Trong số đó có một doanh nghiệp ở Sóc Trăng hứa sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp bạn tài trợ cho các em đi Thụy Điển. Thầy Hải buồn vì gần như các cấp chính quyền không mấy mặn mà với việc tài trợ, lo vì chưa đủ tiền để còn kịp làm visa cho các em.

Sáng 5.8, thầy Hải điện thoại cho tôi bằng một giọng trầm buồn: “Doanh nghiệp không tài trợ nữa rồi. Thầy trò tụi tui sẽ nói lời tạm biệt với cuộc thi. Tôi rất cảm ơn đến các anh báo, đài, Sở GDĐT, các doanh nghiệp, Ban tổ chức, những người thân, các em học sinh...”. Tôi như thấy được những giọt nước mắt qua câu nói ấy.

Vậy là giấc mơ “đem chuông đi đánh xứ người” của thầy trò trường An Lạc Thôn chính thức tắt lịm vì không tiền. Tôi chẳng dám trách ai trong chuyện này. Lại càng không dám so sánh với các cuộc thi khác, đại loại như thi sắc đẹp, người mẫu chẳng hạn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng khập khiễng đến mức người trên mây, kẻ dưới vực như vậy thật sự khiến người ta không khỏi nao lòng...

Theo Nhật Hồ
Lao động