Ngành Công nghệ thông tin vẫn “khát” nhân lực

(Dân trí) -Nhu cầu nhân lực của ngành Công nghệ thông tin trong 3 năm tới vẫn cao nhưng vấn đề làm thế nào để nâng chất lượng đội ngũ này. Để đáp ứng yêu cầu này, mô hình đào tạo “Tuyển sinh đi liền với tuyển dụng” được ra đời.

Các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) TPHCM đánh giá thị trường lao động ngành này trong 3 năm tới vẫn còn cao. Ông Phí Anh Tuấn - phó Chủ tịch Hội tin học TPHCM cho biết kinh tế Việt Nam năm 2012 khó khăn nhưng CNTT vẫn tăng trưởng.Tỷ lệ sinh viên CNTT ra trường có việc làm chiếm 71%, trong đó 35% làm đúng ngành nghề. Thu nhập đạt mức trung bình khá trong mặt bằng xã hội. Theo số liệu thống kê thì khả năng đào tạo vẫn chưa đủ.Thế nhưng 3 năm gần đây đầu vào của ngành này ngày càng đi xuống và không còn được học sinh lựa chọn.

Nhu cầu thợ lành nghề ngành CNTT vẫn cao
Nhu cầu "thợ" lành nghề ngành CNTT vẫn cao.

Bà Trương Thị Mỹ Ngọc - giám đốc Trung tâm dự báo nhu vầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết thực trạng nhân lực ngành CNTT: theo khảo sát xu hướng phát triển thị trường lao động thành phố giai đoạn 2012-2015, ngành CNTT nằm trong 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu cao về nhân lực, chiếm tỷ lệ 7,75% trên tổng nhu cầu. Trong khi đó, các trường (ĐH, CĐ, TC, nghề) hiện nay chỉ đào tạo đáp ứng 70% nhu cầu của doanh nghiệp, không những thế, nhiều sinh viên ra trường còn thiếu kỹ năng, buộc doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung nhiều kiến thức.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - hiệu trưởng Trường CĐ nghề iSpace cho biết: Năm 2013, trường tuyển 360 chỉ tiêu chuyên viên CNTT đối với người đã tốt nghiệp THPT. Thời gian đào tạo trong 2,5 năm theo yêu cầu và chương trình đào tạo được thiết kế theo yêu cầu từ doanh nghiệp. Học viên được tiếp nhận trực tiếp kiến thức thực tế của doanh nghiệp suốt quá trình đào tạo. Học phí đào tạo khoảng 14-15 triệu đồng/năm. Theo ông Hoàng Anh thì số chỉ tiêu này dựa theo nhu cầu mà 7 doanh nghiệp đã “đặt hàng”.  

Ông Phí Anh Tuấn đánh giá cao việc các doanh nghiệp gắn kết, đặt hàng cơ sở đào tạo nghề. Đây là nhu cầu cần thiết cho 2 bên và mang nhiều lợi ích cho cả sinh viên. Thị trường lao động của ngành này không đòi hỏi phải là kỹ sư, chuyên viên cao cấp mà đơn giản là những “thợ” lành nghề, có chuyên môn sâu.

Một số doanh nghiệp CNTT hứa hẹn nếu học viên học xuất sắc sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ học phí, nhưng phải có cam kết phục vụ cho doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định sau khi kết thúc khóa học.

Lê Phương