Ngoại ngữ - ôn cấp tốc, vẫn “OK”?

(Dân trí) - Sẽ có 4 ngoại ngữ có mặt trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay bao gồm Anh, Pháp, Trung, Nga. Dù là ngoại ngữ nào thì cũng đều đòi hỏi thí sinh phải có lượng kiến thức vững chắc. Tuy nhiên, với ngoại ngữ, nếu biết cách học thì ôn cấp tốc vẫn có thể đạt điểm cao.

Vì, môn Ngoại ngữ cũng là một trong những môn mà thí sinh “láu cá” có thể đoán theo mạch văn nếu không nhớ hết từ. Và, đã có trường hợp một thí sinh đã học 10 năm tiếng Anh nhưng vẫn không bằng một thí sinh chỉ học môn này chỉ sau một vài tháng ngắn ngủi.

Đừng học ngoại ngữ “chết”! Vào những năm 80, các giáo viên Ngoại ngữ thường dạy học sinh một phương pháp học rất sai lầm rằng muốn nhớ từ thì mỗi ngày hãy viết đi viết lại 5, 10, 15 thậm chí 20 từ ra giấy rồi viết đi viết lại chúng nhiều lần trong ngày. Nhưng phương pháp này đến nay đã được chứng minh rằng chỉ làm phí thời gian. Chỉ vài ngày hoặc cùng lắm là đến một tuần sau đó, học sinh hầu như sẽ chẳng nhớ được gì.

Đó chính là một phương pháp học Ngoại ngữ “chết” vì nó không gắn với thực tế và không có môi trường phát triển... “Kẻ thù” của môn Ngoại ngữ còn là sự nhút nhát, thiếu kiên nhẫn. Nếu thấy khó khăn rồi chán nản thì sẽ không bao giờ tiếp cận được với môn Ngoại ngữ

Làm sao để không bị sa vào cách học ngoại ngữ “chết”? Về điều này, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên đã khuyên: Muốn học tốt Ngoại ngữ phải rèn được cho mình sự... tự ái. Ông cho biết động lực để học tiếng Hindi (Ấn Độ) rất giỏi và có vinh dự được trở thành người phiên dịch tiếng Hindi duy nhất cho Bác Hồ khi Bác thăm Ấn Độ tháng 2/1958 là do bị chạm tự ái!

“Có lần vào rạp xem phim thấy mọi người đều cười mà mình không cười vì không hiểu gì cả tôi rất ức. Từ đó tôi quyết tâm học tiếng Hindi. Mỗi ngày nghe đài 10-12 tiếng đồng hồ. Không hiểu tôi cũng vẫn cố nghe. Và cho đến một ngày, bỗng nhiên tôi thấy mình hiểu được một vở kịch trên đài. Thế mà lúc phổ biến kinh nghiệm này cho anh em, có người làm theo nhưng cũng có anh bật đài lên rồi lăn ra ngủ” - ông kể.

Đam mê - chìa khoá vàng của môn Ngoại ngữ

Cũng theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Di Niên, để học Ngoại ngữ còn không thể thiếu được một điều rất “cũ” và ai cũng biết: Đó là là niềm đam mê. Khi sang Australia làm Đại biện Lâm thời năm 1973, trong những buổi đi diễn thuyết kêu gọi ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam ở Melbourn, Sydney với niềm tin vào chiến thắng và muốn truyền cho người nghe niềm tin đó, ông đã bằng tiếng Anh một cách say sưa.

Tranh thủ cả những lúc công nhân ngồi ăn trưa, ông đứng nói. Một bà người Australia khi chứng kiến đã bảo ông: “Thanh niên Australia còn nói sai văn phạm nhiều lắm, chắc phải đi học tiếng Anh của ông Đại biện”.

Môn Ngoại ngữ còn đòi hỏi sự “bạt mạng” của người học. Đối với nhiều nhà ngoại giao, họ siêu được ngoại ngữ còn chính vì nhờ sự “bạt mạng” này. Họ không bao giờ sợ mắc lỗi khi nói, viết và luôn cố gắng đoán nghĩa của từ, câu bằng cách căn cứ nội dung bài đọc, bài nghe hoặc tình huống giao tiếp  chứ không quá phụ thuộc vào từ điển.

 

Làm thế nào để đạt được điểm cao môn Ngoại ngữ?

 

Theo Thạc sĩ Trần Mỹ Linh, Giảng viên khoa Ngoại ngữ trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, đề thi Ngoại ngữ thường gồm 60 câu với thang điểm 100, trong đó: Ngữ âm: 5/100; Ngữ pháp: 10/100; Từ vựng: 20/100; Đọc hiểu: 30/100; viết: 35/100.

 

Muốn đạt điểm cao môn Ngoại ngữ, thí sinh cần phải nắm vững cấu trúc một bài thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ. Thông thường, cấu trúc này theo 3 phần:

 

1. Đối với phần ngữ âm thường có các câu hỏi trắc nghiệm cách phát âm và trắc nghiệm dấu nhấn (trọng âm): Đề thi cho theo dạng trắc nghiệm, mỗi câu có bốn từ, thí sinh phải chọn từ mà có cách phát âm khác các từ kia. Với phần thi này đòi hỏi thí sinh khi học từ phải học cả cách phát âm của từ. Trắc nghiệm trọng âm yêu cầu thí sinh phải tìm một từ mà trọng âm rơi vào vị trí khác với vị trí trọng âm của các từ còn lại.

 

2. Đọc hiểu: Thường đề cho một bài đọc khoảng 200 từ với 10 chỗ trống, thí sinh phải tự tìm từ để điền vào hoặc chọn trong những từ cho sẵn để điền vào chỗ trống. Với phần thi này, thí sinh tuyệt đối không “tham”.

 

Nhiều thí sinh đã điền cả hai từ có nghĩa giống nhau vào phần bỏ trống với hy vọng sẽ được điểm nhiều hơn nhưng thực ra sẽ không được điểm nào vì bị coi là không làm đúng.

 

Một hình thức khác của bài đọc hiểu là thí sinh phải đọc kỹ bài đọc rồi trả lời 5 câu hỏi bên dưới dựa trên nội dung của bài. Câu trả lời có thể ở dạng viết hay dạng trắc nghiệm A, B, C, D.

 

 3. Kỹ năng viết: Có thể nói đây là phần quyết định của bài thi. Phần thi viết có thể có bốn hình thức.

 

+ Kết hợp các câu đơn thành câu kép hay câu phức.

 

+ Biến đổi câu theo gợi ý. Thí sinh sẽ phải làm khoảng 10 câu có thể biến đổi sang cấu trúc tương đương. Hinh thức làm của phần này là đọc một câu cho sẵn rồi viết lại một câu khác có cùng ý với câu trên nhưng hình thức khác theo hướng dẫn.

 

+ Dựng câu (gồm 5 câu) yêu cầu thí sinh viết câu văn theo những từ và nhóm từ cho sẵn để thành câu hoàn chỉnh.

 

+ Viết đoạn văn ngắn (khoảng 100-150 từ) về một chủ đề nào đó.

 

Ngoài ra, còn có cả câu sửa lỗi theo dạng có 5 câu hoàn chỉnh trong đó có một số lỗi và thí sinh cần phải chỉ ra được lỗi đó.

 

Hai phần được điểm khá cao nhưng lại khiến thí sinh dễ mất điểm nhất là  phần điền vào chỗ trống và phần biến đổi câu (nằm trong yêu cầu của đọc hiểu và kỹ năng viết).

 

M.M

Dòng sự kiện: Tư vấn thi các môn