Người mẹ tần tảo ở MêPu

(Dân trí) - Mặc dù là thương binh nặng nhưng bà Lê thị Nga, thương binh 1/4 ở thôn 2, xã MêPu, huyện Đức Linh, Bình Thuận đã làm đủ mọi nghề từ buôn bán, làm ruộng, chăn nuôi... để nuôi 4 con ăn học thành tài.

Bà Nga tâm sự: "Tôi sinh ra ở Quảng Nam, khi 17 tuổi tôi học lớp y tá và tham gia chiến đấu tại vùng B - Đại Lộc - Quảng Nam. Trong một đợt chống càn, tôi bị địch bắn bị thương nặng, tưởng đã hy sinh nhưng nhờ đồng đội cứu chữa chăm sóc tôi đã qua được và tiếp tục tham gia cách mạng đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và xây dựng gia đình với anh Nguyễn Kháng.

Khi xây dựng gia đình, đời sống quá khó khăn nên vợ chồng  tôi vào MêPu - Đức Linh sinh sống. Những ngày đầu đến MêPu, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và bà con hàng xóm, vợ chồng tôi đã dựng được một mái nhà tranh để ở và cật lực khai hoang mảnh vườn để trồng điều, tiêu và làm 7 sào ruộng để sống qua ngày".

Thương cha mẹ vất vả, 4 người con ngoài buổi đi học đều ra đồng, lên nương, chăn nuôi gà, vịt phụ giúp bố mẹ. Cuộc sống vất vả như thế nhưng 4 người con của ông bà đều học giỏi. Năm 1992 - 1995, lần lượt 3 người con vào đại học, lại ở 3 nơi khác nhau như Huế, Hà Nội, TP. HCM. Tiền tàu xe lo cho con không nổi nói gì đến tiền ăn ở, học phí.

Không để các con bỏ học vì không có tiền, ngoài tiền phụ cấp thương tật, vợ chồng bà đã làm việc quần quật suốt ngày từ làm ruộng đến chăn nuôi, buôn bán... nhưng vẫn không đủ tiền gửi cho các con. Bà Nga đã phải đi vay tiền từ quỹ tín dụng hợp tác xã để gửi cho con, sau đó làm lụng trả dần. Ý thức sự nhọc nhằn, khổ cực của cha mẹ, các con đã đi làm thêm để trang trải cuộc sống.

Hiện nay, 4 người con của Bà đã ra trường và có công việc ổn định, người làm bác sĩ, người làm giáo viên và giúp đỡ bố mẹ trả được nợ nần. Được biết, hiện nay cuộc sống của gia đình bà Nga đã khá lên, có của ăn, của để nhờ những vườn điều, tiêu trúng mùa và chăn nuôi.

Bà Nga tâm sự: "Điều mà gia đình tôi không bao giờ quên đó là những lúc khó khăn về kinh tế, không đủ tiền gửi các con ăn học, thì lúc đó lại nhận được sự động viên khích lệ, nghĩa cử của các cấp chính quyền, đoàn thể, bà con và Hội Khuyến học... Đó là nguồn động viên quý giá nhất giúp vợ chồng tôi vượt qua khó khăn để có ngày hôm nay".

Lâm Nguyên