“Người thầy đầu tiên” của một nhà toán học xuất sắc

(Dân trí) - Trong một dịp về thăm quê Hà Tĩnh, GS.TSKH Đinh Văn Huỳnh đã tâm sự: “Thượng đế thường giúp con người thông qua những sứ giả của Người. Và đối với tôi, vị sứ giả đó là Mẹ”. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn sống và làm việc theo tư tưởng mà mẹ đã chỉ vẽ.

Mẹ - người thầy đầu tiên

Sinh ra tại một miền quê nghèo (xã Đức Thuỷ - huyện Đức Thọ) đầu những năm 1940, cậu học trò trường làng Đinh Văn Huỳnh vẫn luôn mơ ước bay cao trên bầu trời khoa học, để xứng đáng với các bậc tiền bối đã tạo nên tiếng tăm cho dòng họ, như Nhà toán học đầu tiên Việt Nam - cố SG Lê Văn Thiêm và TS Vật lý nguyên tử nổi tiếng đầu tiên của Việt Nam - cố GS, Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ. Họ đều là cháu ngoại của gia đình ông.  

Có những điều kỳ lạ về “người thầy đầu tiên” mà GS Huỳnh đã kể: Người đó không phải ai xa lạ mà chính là người mẹ đáng kính của ông. Một người phụ nữ bình thường như bao người khác. Tuy nhiên, bà lại rất giỏi và biết quí trọng trí tuệ và giá trị của nó trong cuộc sống. Khi nói về những giá trị tinh thần này, bà lí luận như một “triết gia”. GS Huỳnh đã có lần nói, GS được mẹ dạy về cách sống và quan niệm sống từ khi còn nhỏ. Và GS sống theo cách đó cho đến tận bây giờ, và được nhiều người quý mến, kính trọng.

Khi còn nhỏ, kể cả khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà mẹ vẫn để cho con trai mình hoàn toàn thoải mái, muốn học thì học, muốn chơi thì chơi, nên đầu óc của cậu con trai luôn được thư thái, không cần học nhiều cũng tiếp thu đầy đủ các kiến thức ở trường và từ trong sách vở. Khi đó nhiều người phê phán quan niệm dạy con của bà, nhưng khi con bà thành đạt thì đến người khó tính nhất trong làng cũng cho rằng có lẽ hiếm có bà mẹ nào sâu sắc như mẹ ông.

Ngay khi ông còn nhỏ, đang tập làm các phép cộng-trừ-nhân-chia, bà bảo: “Học như vậy không ổn, các phép tính đó có gì mà phải học. Nếu giỏi các thứ ấy mà được xem là giỏi thì các bà bán hàng ngoài chợ là giỏi nhất. “Con phải học sự liên quan giữa các con số, và đó mới là điều khó và cần phải học”. Nói rồi bà đưa ra nhiều thí dụ hấp dẫn.

“Có thể nói mẹ mình là người thầy dạy toán đầu tiên của mình, và cho đến nay mình vẫn làm toán theo tư tưởng của bà. Điều này nói ra khó ai tin, nhưng đó là sự thật. Càng trưởng thành mình càng nhận ra đây là một tư tưởng rất đúng đắn và rất tuyệt vời!” - GS Huỳnh tâm sự.

Nhà toán học xuất sắc                  

Sau khi học xong chương trình phổ thông, ông xuất sắc được đi học và nghiên cứu tại trường ĐH Tổng hợp Martin-Luther, Halle-Wittenberg, CHDC Đức. Tại đây ông luôn có kết quả học tập hết sức đáng nể. Năm 1972, ông tốt nghiệp ĐH chuyên ngành toán. Ba năm sau, vào năm 1975, ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ với kết quả xuất sắc.

Sau khi về công tác tại Viện Toán học ở Hà Nội (1976), TS Đinh Văn Huỳnh lại được cử sang lại Đức để bảo vệ luận án TSKH (1983). Lần này, luận văn của GS cũng đã được đánh giá là cực kỳ xuất sắc. 

Năm 1991, ông được nhà nước Việt Nam phong học hàm GS. Hiện nay, ông là GS của Viện Toán học Việt Nam và của trường ĐH Tổng hợp Ohio, Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông còn là GS thỉnh giảng của nhiều trường Đại học và Viện nghiên cứu ở Đức, Hungary, Scotland, Tây Ban Nha, New Zealand, Australia, Hàn Quốc, Canada, Kuwait, Thailand và một số trường Đại học khác ở Hoa Kỳ.

Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy, GS Huỳnh đã có nhiều cống hiến xuất sắc. Vì thế được giới toán học quốc tế và Việt Nam đánh giá rất cao. 

Trong lĩnh vực nghiên cứu, đến nay GS Huỳnh là tác giả của hơn 80 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí toán học quốc tế có uy tín cao. Nhiều kết quả cũng như kỹ thuật trong các bài của GS đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề mở trong chuyên môn Lý Thuyết Vành (Ring Theory) thuộc lĩnh vực Đại số. GS Đinh Văn Huỳnh là đồng tác giả của cuốn chuyên khảo nổi tiếng “Extending Modules”, NXB Khoa học Pitman, London, 1994, và đồng biên tập (editor) của hai proceedings của Hội nghị Đại số và ứng dụng các năm 1999 và 2005 (tổ chức tại Ohio, Hoa Kỳ), xuất bản trong Contemporary Mathematics Series, Hội Toán học Hoa Kỳ, quyển 259 (2000) và quyển 419 (2006).     

Ngoài ra, GS còn có đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của nước nhà trên cương vị một người làm công tác biên tập, xuất bản các tạp chí khoa học. GS Đinh Văn Huỳnh đã làm tổng biên tập “Tạp chí Toán học” của Việt Nam từ năm 1990 đến 1997.

Nhận thức được tầm quan trọng của tạp chí toán học quốc tế, GS Đinh Văn Huỳnh đã quyết định chuyển “Tạp chí Toán học” từ xuất bản bằng tiếng Việt sang xuất bản bằng tiếng Anh với tên gọi “Vietnam Journal of Mathematics”. Tuy nhiên, vào thời đó, ý định ấy đã bị nhiều người phản đối, trong đó có một số là nhà quản lý khoa học và cũng có một số là nhà toán học có uy tín. Nhưng với sự kiên định của GS Huỳnh cùng với sự nỗ lực của các đồng nghiệp khác, “Vietnam Journal of Mathematics” đã được xuất bản.

Khó khăn chưa hết, ngay sau khi xuất bản số đầu tiên bằng tiếng Anh, “Vietnam Journal of Mathematics” đã bị đình chỉ phát hành trong 6 tháng. Tuy vậy, với những cố gắng của GS Huỳnh, tạp chí đã được tiếp tục xuất bản và phát hành đều đặn cho đến ngày nay.

Hiện nay, “Vietnam Journal of Mathematics” cùng với “Acta Mathematical Vietnamica” là hai tạp chí Toán học quốc tế của Việt Nam. Đây là hai tạp chí đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền Toán học Việt Nam, là cầu nối giữa Toán học Việt Nam và Toán học thế giới.

Hiện nay, GS Đinh Văn Huỳnh là biên tập viên của các tạp chí: Vietnam Journal of Mathematics, East-West Journal of Mathematics, và Journal of Algebra and Applications. 

Không chỉ thành danh trên con đường khoa học, GS Huỳnh còn có một gia đình rất đầm ấm. Con trai lớn của GS hiện là GS.TS đang giảng dạy tại một trường ĐH của Hoa Kỳ. Cậu con trai thứ là một sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực tin học, cậu từng đạt giải nhất cuộc thi Olympic tin học sinh viên toàn quốc năm 2004 khi còn là sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội.                                  

Dù rất bận rộn, nhưng mỗi khi có dịp về thăm quê Đức Thuỷ (Đức Thọ), GS Đinh Văn Huỳnh vẫn rất quan tâm đến bà con, làng xóm và anh em dòng họ Đinh nổi tiếng; đặc biệt dành nhiều tâm sức giúp đỡ và ươm mầm đối với các tài năng toán học trẻ của quê hương.

Quang Đại - Đức Tài