PhotoStory

"Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con!"

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Buổi sáng ngày khai giảng, các cô giáo cắm bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) đi xe máy đến tận nhà đón con em đồng bào dân tộc Chứt. Khi cô giáo đến, các em vẫn còn ngái ngủ.

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 1

Rào Tre - một thung lũng dưới chân núi Ka Đay (thuộc xã Hương Liên, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi sinh sống của bà con đồng bào dân tộc Chứt. Bản làng này có 46 hộ với 158 nhân khẩu, trong đó 16 trẻ học mầm non.

Sáng 5/9, hòa chung không khí Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường, các em ở bản Rào Tre được các cô giáo cắm bản đón đi dự lễ khai giảng.

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 2

Sáng sớm, cô giáo Lê Thị Thành (32 tuổi, giáo viên điểm trường Mầm non bản Rào Tre) đi xe máy, vượt quãng đường 5km đến bản đón học sinh của mình đi dự lễ khai giảng tại trường mầm non ở trung tâm xã Hương Liên.

Nhà em Hồ Trần Viết Vũ (5 tuổi) ở xa nhất, nằm cuối bản. Khi cô giáo đến gọi, cậu bé chưa kịp mặc quần dài.

Cô giáo đi xe máy đến tận bản đón trẻ em dân tộc Chứt đi dự lễ khai giảng (Video: Dương Nguyên).

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 3

Cô giáo Thành vội giúp Vũ rửa mặt, mặc quần áo. "Tôi vào ngành đã được 8 năm. Đây là công việc quen thuộc của cô giáo cắm bản mỗi buổi sáng. Sau ngày khai giảng, mỗi buổi học, chúng tôi đều đến đón các con như vậy", cô Thành kể.

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 4

Sau khi đón được bé Vũ, cô giáo Thành sang nhà bên cạnh để đón hai chị em Hồ Hoài Ly (5 tuổi) và Hồ Quốc Nguyên (3 tuổi). Lúc này, hai em này cùng cha mẹ vẫn chưa dậy. Vừa mở rào cổng nhà họ đi vào, cô Thành vừa gọi: "Ly ơi, Nguyên ơi, dậy đi khai giảng nào các con!".

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 5

Khi cô Thành vào phía trong, Nguyên và chị của mình đang ngủ cùng cha mẹ dưới nhà sàn. Cô giáo vào tận giường để đánh thức cả hai, cậu bé đang ngái ngủ bật khóc. Cô giáo phải dỗ dành, động viên.

"Chúng tôi đã đến bản vận động từ trước nhưng cha mẹ cậu bé vẫn quên hôm nay là ngày khai giảng. Đêm qua, họ uống nhiều rượu. Ở bản vùng cao này, cuộc sống của người dân còn khó khăn và nhận thức của họ còn hạn chế nên việc vận động cho trẻ đến trường cũng khá vất vả", cô Thành chia sẻ.

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 6
Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 7
Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 8

Cũng như việc làm với Vũ, cô giáo Thành hỗ trợ chị em Ly, Nguyên mặc quần áo, vệ sinh cá nhân rồi dẫn cả ba em ra xe máy.

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 9

Trên chiếc xe máy của mình, cô giáo chở các em vượt cung đường khoảng 5km ngoằn ngòeo, nhiều đoạn bùn đất lấm lem để đến điểm trường trung tâm.

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 10

Cũng là giáo viên điểm trường mầm non bản Rào Tre, sáng nay (5/9), cô giáo Hoàng Thị Hương đến tận nhà đón nhiều trẻ đi dự khai giảng.

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 11

Cuộc sống của giáo viên cắm bản còn nhiều khó khăn, nhưng bằng tình yêu trẻ, các cô vẫn vượt khó, giúp trẻ em dân tộc Chứt đi tìm con chữ nhiều năm qua.

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 12

Cô Đinh Thị Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên, cho biết toàn trường có 141 học sinh, trong đó điểm trường bản Rào Tre có 16 học sinh con em đồng bào dân tộc Chứt, độ tuổi 3-5.

Nguyên ơi, Ly ơi, dậy đi khai giảng nào các con! - 13

Trước đây, khi chưa tổ chức ăn bán trú, cô giáo cắm bản phải đưa, đón trẻ mỗi ngày 4 lượt cả đi và về. Hiện, các cô đưa đón ngày 2 lượt. Vì, các em dân tộc Chứt đã được hỗ trợ tiền ăn 20.000 đồng/ngày/em, bữa ăn sáng được nhà trường xin thêm nguồn tài trợ.

"Đến trường, các em được các cô quan tâm, chăm từng bữa ăn ngon hơn, có không gian vui chơi nên trẻ em rất háo hức. Bố mẹ các em cũng từ đó mà thay đổi suy nghĩ về việc cho con em đến trường học con chữ", Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên nói.