"Nhà trường được chọn sách giáo khoa sẽ giảm tình trạng bắt tay "đi đêm""

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Hội đồng UBND tỉnh chọn sách giáo khoa phổ thông dễ xảy ra tiêu cực, bắt tay "đi đêm" với nhà xuất bản để thao túng, trong khi để nhà trường chọn lựa sẽ giảm khâu trung gian, giúp tiết kiệm".

Trên đây là ý kiến của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) phổ thông.

Giảm khâu trung gian, đỡ bắt tay thao túng

Theo PGS Nhĩ, nếu lần này tiếp tục thay đổi hội đồng lựa chọn SGK phổ thông, nghĩa là việc chọn sách sẽ qua 3 lần thay đổi.

Mặc dầu vậy, theo ông Nhĩ, việc thay đổi này cần thiết bởi phù hợp, giảm khâu trung gian, bớt tiêu cực.

Ông lý giải, kể cả trong thương mại, từ cây kim đến sợi chỉ hay cái áo, cái quần, những người bán hàng online thường rao bán luôn, không qua khâu trung gian nên nhiều khi giá rẻ hơn.

Tương tự việc lựa chọn SGK, nếu để nhà trường và giáo viên trực tiếp lựa chọn SGK, chắc chắn không qua khâu trung gian, giảm tình trạng NXB bắt tay "đi đêm" với hội đồng các tỉnh thành phố trong việc chọn sách.

Nhà trường được chọn sách giáo khoa sẽ giảm tình trạng bắt tay đi đêm - 1

Chuyên gia đề xuất để nhà trường và giáo viên lựa chọn SGK (Ảnh: Mỹ Hà).

Về lo ngại dư luận cho rằng, giao việc chọn SGK về nhà trường, tiếp tục có tiêu cực từ chính các trường ấy? Ông Nhĩ cho rằng, mỗi giáo viên sẽ chịu trách nhiệm giám sát hiệu trưởng và ông tin điều đó hiệu quả.

Được biết PGS.TS Trần Xuân Nhĩ từng nhiều lần lên tiếng đấu tranh, trả việc chọn SGK cho giáo viên và các trường.

Ông cho rằng, chỉ có người trực tiếp dạy học mới biết sách nào hay, phù hợp, đồng thời việc này giảm thiểu được cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản, tránh việc bắt tay "đi đêm" để thao túng quy trình chọn sách.

Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết, khối trường ngoài công lập phần lớn chủ động chọn sách giáo khoa phổ thông.

Chẳng hạn ở trường này, khoảng vài ba năm nay, các tổ nhóm chuyên môn chịu trách nhiệm lựa chọn SGK, nhà trường không ép buộc.

"Giáo viên tự thấy sách nào hay, phù hợp với học sinh để chủ động lựa chọn. Sau đó, nhà trường làm văn bản báo cáo phòng, sở GD&ĐT.

Cách này phù hợp bởi giáo viên, họ rất vui vẻ với sự lựa chọn của mình, từ đó có cảm hứng dạy học hơn so với việc giảng dạy những cuốn sách không yêu thích.

Đặc biệt, chẳng hạn cấp 2 nhà trường chọn sách của nhà xuất bản này, lên cấp cấp 3, chúng tôi sẽ tiếp tục chọn sách của nhà xuất bản đó, điều này đảm bảo tính liên thông", thầy Tùng nói.

Nhà trường được chọn sách giáo khoa sẽ giảm tình trạng bắt tay đi đêm - 2

Việc lựa chọn SGK phải đảm bảo theo ba nguyên tắc (Ảnh: Mỹ Hà).

Ba lần thay đổi quy định lựa chọn sách

Được biết vài ngày trước, Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo thông tư mới về lựa chọn sách giáo khoa phổ thông. Dự thảo được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến từ ngày 21/10 đến ngày 22/12.

Điểm đáng chú ý, dự thảo quy định hội đồng lựa chọn SGK phổ thông do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp thành lập. Hội đồng giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn SGK.

Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.

Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn một SGK cho môn học đó. Sau khi lựa chọn SGK, các cơ sở giáo dục phổ thông lập hồ sơ lựa chọn sách gửi về phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT.

Căn cứ vào kết quả của các trường do sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các trường tại địa phương.

Việc lựa chọn SGK phải theo ba nguyên tắc. Thứ nhất, lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một SGK.

Thứ ba, việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Các tiêu chí này cần phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Được biết trước đó, đầu tháng 1/2020, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 01/2020/TT-BGDĐT, về việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo thông tư này, việc chọn lựa SGK dựa trên quyết định của cơ sở giáo dục phổ thông và việc thành lập hội đồng chọn SGK do hiệu trưởng quyết định.

Cuối tháng 8/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, thay thế Thông tư 01 về chọn SGK.

Theo đó, hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK.

Như vậy đến nay, sau khi dự thảo mới này ban hành, việc lựa chọn SGK qua 3 lần thay đổi.

Nhiều chuyên gia, giáo viên cho rằng, việc thay đổi hội đồng lựa chọn sách giáo khoa là cần thiết, bởi lẽ hơn ai hết, giáo viên đứng lớp là người hiểu nhất về sách giáo khoa, về học sinh, sự lựa chọn của họ sẽ phù hợp, chưa kể giảm bớt các khâu trung gian, tăng tính minh bạch. 

Tháng 1/2023, Bộ GD&ĐT thông báo kết luận thanh tra trong việc lựa chọn và quy trình lựa chọn SGK ở 6 tỉnh với hàng loạt sai phạm. Các tỉnh này gồm: Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

Theo kết luận này, việc lập các Hội đồng lựa chọn SGK ở một số tỉnh trên chưa bảo đảm thành phần theo quy định; chưa ban hành nghị quyết về mức chi cho việc lựa chọn SGK;  không xây dựng báo cáo UBND tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và tiếp thu ý kiến lựa chọn SGK của các trường trung học theo quy định...

Trên cơ sở các kết luận trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị các biện pháp xử lý theo phân cấp quản lý.