Nhiều sai phạm của Hiệu trưởng trường Thanh Chương 3

(Dân trí) - Sau hơn một tháng thanh tra theo đơn tố của tập thể giáo viên trường THPT Thanh Chương 3 xoay quanh việc thu, chi thiếu minh bạch của Hiệu trưởng Trần Trọng Sáu, chiều 28/11, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có kết luận cho thấy ông Sáu có nhiều sai phạm trong quản lý.

Dư luận hoan nghênh tinh thần làm việc của đoàn thanh tra là: Khẩn trương, toàn diện và nhanh gọn. Tuy nhiên, ở mỗi nội dung tố cáo, Thanh tra Sở dường như vẫn bỏ sót nhiều “tội danh”.

 

8 năm không dạy vẫn lĩnh tiền đứng lớp

 

Gần 8 năm làm hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 (ở xã Thanh Tiên - huyện Thanh Chương), ông Trần Trọng Sáu rất hiếm khi lên lớp giảng dạy. Thế nhưng trong khoảng thời gian đó, hàng tháng ông Sáu vẫn “ung dung” nhận tiền phần trăm đứng lớp.

 

Không những việc nhận tiền đứng lớp diễn ra “trót lọt” mà 7 năm liền ông Sáu còn được Sở GD-ĐT Nghệ An công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp Tỉnh. Mới đây khi trao đổi với Dân trí, ông Sáu thừa nhận việc mình không giảng dạy mà vẫn được “ưu tiên” nhận tiền đứng lớp là sai trái. Tuy nhiên ông Sáu đổ lỗi sở dĩ có việc “lạ lùng” trên là do… yếu tố khách quan.

 

“Tôi dạy môn toán, mà một lớp 1 tuần phải 5 tiết, trong khi theo quy định thì Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần nên không biết dạy như thế nào. Hơn nữa ở trường cán bộ quản lý thiếu, trường quá lớn (trường có 47 lớp, hơn 2 ngàn học sinh - PV). Mặt khác thời gian qua chúng tôi đang tập trung cho xây dựng cơ sở vật chất nhà trường nên cũng bận. Chính vì những nguyên nhân này mà trong thời gian trên tôi đứng lớp không nhiều…”

 

Khi được hỏi ông đã báo cáo với Sở GD-ĐT và được Sở cho phép hay không? Ông Sáu biện hộ: “Sở không có ý kiến gì, mà trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện còn nhiều Hiệu trưởng như tôi. Cũng vì bận quá mà…! Nếu Sở bố trí cho trường đủ cán bộ quản lý thì không có chuyện đó (chuyện không đứng lớp - PV)”.

 

Về sự việc này, Thanh tra Sở đã kết luận: “Ông Trần Trọng Sáu không trực tiếp đứng lớp nhưng vẫn nhận phụ cấp ưu đãi đối với giáo viện trực tiếp giảng dạy (tổng số tiền trong 8 năm là hơn 44 triệu đồng) và nhận các danh hiệu thi đua là vi phạm những quy định hiện hành…”

 

Vẫn bỏ “lọt” tội?!

 

Sáng nay, 30/11, trao đổi với PV Dân trí về việc một số dư luận cho rằng kết luận của Thanh tra Sở còn bỏ sót tội của ông Sáu, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Tiến Hưng cho rằng: “Nếu thấy không đúng thì Thanh tra Tỉnh sẽ vào cuộc”.

 

Ông Hưng khẳng định: “...Bọn tôi không chỉ đạo bỏ lọt tội, có khuyết điểm thì phải xử lý, còn Thanh tra  kết luận như thế nào thì Thanh tra chịu trách nhiệm. Tôi thấy Thanh tra đã cố gắng làm việc hết sức nghiêm túc khách quan, công bằng và đề cao trách nhiệm trong quá trình  làm việc. Và trong tư tưởng chỉ đạo làm việc của tôi cũng hết sức nghiêm túc”.

 

Có nghĩa ông hoàn toàn tin tưởng ở kết luận của Đoàn thanh tra?

 

Tôi hoàn toàn tin tưởng và kết luận không có thiếu sót gì!

Thầy giáo Nguyễn Hữu Ngọc (giáo viên dạy môn Địa lý) và 6 giáo viên khác của Trường THPT Thanh Chương 3 còn “tố cáo” thêm: Ông Sáu còn trực tiếp chỉ đạo lập hồ sơ không trung thực nhằm đạt danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2006-2010, các khoản thu chi không hợp lý. Năm học 2004-2005, tổng các mức thu, đóng góp và các khoản khác cho nhà trường là gần 3 tỷ. Trong khi đó tổng chi là hơn 2 tỷ đồng, thế nhưng số tiền còn dư đến nay vẫn chưa thể quyết toán, không hiểu đã “đi” đâu?

 

Ngoài ra, một số khoản thu như tiền học thêm, năm học 2004-2005 hơn 240 triệu đồng, chi hết 150 triệu đồng. Số dư bị “thất thoát” chưa có câu trả lời.

 

Nhiều công trình nhà học cao tầng (30 phòng học), nhà đa chức năng (12 phòng), các công trình phụ được đưa vào sử dụng từ năm 2001 đến nay chưa được thanh quyết toán.

 

Năm học 2004-2005, nhà trường có 11 em ở lại lớp, nhưng ông Sáu vẫn quyết định cho 4 học sinh Trần Đình Cường, Nguyễn Hà Phi, Hà Minh Bình, Phan Bá Hải được lên lớp với lý do những trường hợp này phải ưu tiên. 

 

Được biết, để đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia ông Sáu đã chỉ đạo giáo viên của trường nâng khống điểm cho nhiều học sinh. Mỗi năm có ít nhất từ 7-8 em được tất cả các giáo viên bộ môn đồng loạt nâng điểm để đạt “giỏi toàn diện”. Năm học 2004-2005 được xem là bước “đột phá” về số lượng đạt học sinh giỏi cấp tỉnh của nhà trường, bởi số em đạt thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh rất cao (72 em, chiếm tỷ lệ trên 3%).

 

Riêng danh sách học sinh tiên tiến xuất sắc năm học 2005-2006 do Hiệu trưởng Trần Trọng Sáu ký ngày 20/5/2006 là 80 em. Với thành tích vượt trội này và một số tiêu chuẩn khác, cộng thêm việc nâng điểm khống cho học sinh đạt “học sinh giỏi toàn diện”, trường THPT Thanh Chương 3 đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt trường “chuẩn” Quốc gia năm 2006. 

 

Lý giải điều này kết luận của Thanh tra Sở cũng chỉ “tuyên” một cách yếu ớt: “Kết quả kiểm tra cho thấy không có hiện tượng chỉ đạo và việc lập hồ sơ giả nhằm đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia…”. Như để tránh bị “phản pháo”, kết luận lại viết thêm: “Tuy nhiên ông Hiệu trưởng Trần Trọng Sáu đã có gợi ý cho giáo viên nâng điểm cho một số học sinh dự thi học sinh giỏi Tỉnh để đạt học sinh giỏi toàn diện…”. Không hiểu cái gọi là “chỉ đạo” với “gợi ý” thì có gì khác nhau?

 

Về một số khoản thu, chi sai nguyên tắc tài chính, kết luận của Thanh tra cũng “lấp lửng”: “Về nội dung tố cáo này đơn tố cáo chỉ đúng một phần. Trong công tác quản lý tài chính, ông Sáu đã có nhiều vi phạm về quy trình quản lý, quyết toán vốn đầu tư… thực hiện duyệt chi ứng tiền không đúng với chế độ…”. Và cũng không hiểu vì lý do gì mà Thanh tra đành “bó tay”: “Tại thời điểm Thanh tra, Đoàn không có cơ sở để kết luận ông Sáu có tham ô công quỹ trong đầu tư xây dựng cơ bản và các khoản thu chi trong nhà trường…”

 

Theo tìm hiểu riêng của phóng viên, tại thời điểm hiện tại, ông Sáu có thể được xem là một trong những “hiệu trưởng đại gia” nhất Nghệ An. Gia đình ông đang sở hữu một chiếc ô tô 4 chỗ ngồi trị giá 480 triệu đồng, 1 căn hộ chung cư tại TP Vinh trị giá 280 triệu đồng, một biệt thự tại Thanh Hưng 250 triệu đồng… Với khối tài sản lớn như trên của một người giáo viên thì dư luận không thể không đặt nhiều nghi vấn!

 

Ngoài những vụ việc trên, ông Trần Trọng Sáu còn bị nhiều giáo viên tố cáo chuyện “ăn” tiền chạy việc nhưng trong kết luận của Thanh tra không thấy đề cập tới. Ngoài ra, nhiều học sinh thi vào trường THPT Thanh Chương 3, nếu bị thiếu điểm chỉ cần “chạy” mỗi suất 2 triệu đồng là đương nhiên vào học hệ bán công… Vậy nhưng, tất cả những điều trên đều không thấy kết luận của Thanh tra “sờ mó” tới?

 

Kết luận của Thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An về những sai phạm của ông Trần Trọng Sáu

 

Theo bản kết luận, có 6/8 nội dung bị tố cáo là đúng. Trong đó 3 nội dung hoàn toàn đúng, 3 nội dung đúng một phần. Các sai phạm đều thuộc trách nhiệm của ông Trần Trọng Sáu. Trong các nội dung sai phạm, đáng kể nhất là sai phạm trong thu chi ngân sách, trong thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên.

Cụ thể, hiệu trưởng Trần Trọng Sáu không trực tiếp đứng lớp nhưng vẫn nhận trên 44 triệu đồng phụ cấp ưu đãi đứng lớp. Việc hơn 40 giáo viên về trường từ năm 2001 đến nay vẫn chưa được thực hiện chế độ bảo hiểm là có trách nhiệm của hiệu trưởng. Nhiều khoản thu, chi hiệu trưởng thực hiện sai nguyên tắc tài chính, thanh quyết toán, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều vi phạm...

Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An xử lý như sau: Thu hồi 42.079.000 đồng tiền chi sai chế độ nộp vào nguồn kinh phí nhà trường; thu hồi nộp vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc nhà nước 95.136.000 đồng, trong đó có khoản tiền 44.019.000 đồng tiền phụ cấp ưu đãi đứng lớp của hiệu trưởng Trần Trọng Sáu nhận sai.

Sở quyết định chi trả 26.810.000 đồng cho 5 giáo viên không có sổ bảo hiểm mà vẫn bị trừ lương để đóng bảo hiểm lâu nay và 4 học sinh được xét vào hệ công lập nhưng vẫn thu học phí theo hệ bán công trong nhiều tháng.

Sở giao hiệu trưởng tổ chức kiểm điểm các cá nhân sai phạm và đề xuất hình thức kỷ luật. Xây dựng bổ sung các quy chế nội bộ, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường; Tăng cường công tác quản lý cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ nhà trường.

Đối với một số học sinh khi tuyển vào lớp 10, nhập học không đúng quy chế, không đúng hệ nay phải xử lý thôi học hoặc điều chuyển, bảo đảm tính công bằng, nghiêm túc.

 

Đặng Nguyên Nghĩa