Nhức nhối từ chuyện “ngồi nhầm lớp”

(Dân trí) - Trong suốt 4 tiếng đồng hồ họp giao ban với lãnh đão của 64 Sở GD-ĐT sáng qua, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân không giấu nổi nỗi buồn trong cả nét mặt lẫn giọng nói và hầu như lần nào phát biểu, ông cũng nhắc tới từ “nhức nhối”. Cuộc họp có chủ đề chính là hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.

Bàn… lùi

Tại cuộc họp sáng qua 7/3, đã có 11 ý kiến tham gia thảo luận của đại diện 11 Sở GD-ĐT tại 4 đầu cầu TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội. Có những ý kiến rất dài dòng, kể lể, có những ý kiến rất gay gắt, cũng có những ý kiến ban đầu ca ngợi tinh thần của lãnh đạo Bộ trong việc rà soát học sinh phổ thông yếu kém trên toàn quốc nhưng cuối cùng lại quay ra trách móc và chất vấn: “Bộ đã hỏi ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước khi làm việc này chưa và lãnh đạo Bộ cần trình lãnh đạo Đảng để có sự chỉ đạo đồng bộ” như của đại biểu đến từ Sở GD-ĐT Đồng Tháp. Và cuối cùng thì đại biểu này kết luận: “Rất khó thực hiện”.

Còn đại diện Sở GD-ĐT Yên Bái đã khiến cả Hội trưởng… cười ồ lên khi nhiệt tình đóng góp ý tưởng rằng, muốn làm tốt việc chấm dứt tình trạng “ngồi nhầm lớp” thì trước hết phải xây dựng ngành học mầm non ở tất cả các vùng miền thật tốt. Sau đó, đại biểu này “mặc cả” với Bộ trưởng phải xoá hết các tiêu cực cũ và chỉ tính từ giờ trở đi!

Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Cạn thì “mặc cả” nếu không muốn gian lận trong thi cử thì phải ra đề thi dễ, chứ ra đề khó cộng với coi thi quá nghiêm túc sẽ khiến học sinh trượt nhiều. “Chúng tôi chấp nhận tỷ lệ đỗ thấp hơn nhưng thấp hơn không nhiều. Chẳng hạn như năm trước là 70% thì năm nay cùng lắm cũng phải là 60%!”

Cùng chung quan điểm này, đại diện Sở GD-ĐT An Giang cho rằng: “Nếu chỉ 20, 30% đỗ sẽ gây sốc cho xã hội và xã hội sẽ không chấp nhận!” Khi đưa ra các giải pháp chấm dứt hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, đại biểu này bàn: “Nếu phát hiện học sinh ngồi nhầm lớp thông qua kết quả của học kỳ II thì chẳng lẽ lại phủ nhận kết quả của học kỳ I? Thôi thì nếu muốn đưa học sinh trở về đúng vị trí thì cứ hỏi phụ huynh xem họ có đồng ý không, tuỳ thuộc vào phụ huynh vì ngành giáo dục cũng không có cơ sở pháp lý”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ thì điềm nhiên khẳng định: “Không còn học sinh yếu kém thì cũng không còn là trường học!” PGĐ Sở GD-ĐT Đồng Nai Đỗ Hữu Tài nhận xét, ngồi nhầm lớp chỉ là hiện tượng lẻ tẻ, cần gì Bộ phải đặt ra thành vấn đề lớn như vậy. Chúng ta sẽ không có đủ thời gian để rà soát, phân loại tất cả học sinh.

Ý kiến của Sở GD-ĐT Quảng Bình sau khi bắt bẻ Bộ nên tìm một từ ngữ hành chính và chuyên môn hơn từ “ngồi nhầm lớp” thì đã đưa ra một nhận định chắc nịch rằng khi thực hiện việc này sẽ ảnh hưởng đến một một loạt các vấn đề khác như thi đua, phổ cập…

Sở GD-ĐT Khánh Hoà cũng cùng chung nhận định này khi cho rằng để thực hiện được công việc chấm dứt tình trạng ngồi nhầm lớp sẽ kéo theo một loạt các quy định khác phải sửa đổi như hình thức thi… trắc nghiệm cũng ảnh hưởng đến hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”(!?).

Không nên bàn để đổ lỗi cho nhau

“Tôi đã từng chứng kiến có em học sinh học không hiểu nên đã chui xuống gầm bàn ngồi chơi nhưng cô vẫn không nói gì. Rất khổ cho các em”. Bộ trưởng đã buồn rầu kể khi dẫn dắt các vấn đề về ngồi nhầm lớp như vậy. Nhưng đại biểu lại… cười vui vẻ vì dẫn chứng thú vị của Bộ trưởng.

“Đồng ý tiêu cực cũ xí xoá, chúng ta không bới móc lại chuyện cũ làm gì. Tất cả sẽ bắt đầu từ bây giờ”, Bộ trưởng đồng ý với sự “mặc cả” của Yên Bái. Với sự “mặc cả” của An Giang, Bộ trưởng cũng đồng ý: “Quy chế của của Bộ về việc xử lý hiện tượng cho ngồi nhầm lớp không có nhưng Bộ sẽ nghiên cứu và có chủ trưởng gặp bố mẹ các em để nói thật. Tôi tin rằng phụ huynh sẽ đồng ý vì họ sẽ chọn con đường có lợi cho con em mình”.

Ngay từ khi mở đầu cuộc họp, ông cũng đã chia sẻ với các Sở rằng không nên bàn để đổ lỗi cho nhau. Bộ trưởng cũng rất thấu hiểu tâm trạng của các Sở khi bàn về vấn đề này và ông đã nói: “Đề tài này là một đề tài khó. Nếu như các năm trước, tỷ lệ học sinh yếu kém chỉ dưới 10%, nay con số này tăng lên như thế là rất nhức nhối. Như vậy, khi chúng ta thực hiện nghiêm túc thì kết quả năm trước không được tái xác nhận nhưng là một việc mà chúng ta không thể không làm”.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ngành giáo dục kiên quyết không buông lơi trách nhiệm. Trách nhiệm của chúng ta là phải nhìn nhận đúng thực tế. Trong 3 năm cố gắng giảm tỷ lệ yếu kém, đưa học sinh về “ngồi” đúng chỗ và tạo điều kiện cho các em phấn đấu vươn lên”.

Mai Minh