Những hình ảnh xúc động trong kỳ thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Ông bố nghèo tranh thủ đánh giày cho khách trong lúc chờ con thi, thí sinh bị liệt được cha mẹ và thanh niên tình nguyện cõng vào phòng thi… là những hình ảnh có sức lay động lòng người trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Cùng <i>Dân trí</i> điểm lại những hình ảnh xúc động và ấn tượng này.

Cậu bé Chau Giàu (huyện Tri Tôn, An Giang) bị bại liệt từ lúc 1 tuổi, hai chân em không thể đi được, còn hai tay cũng rất yếu, tay phải chỉ có thể cầm được vững cây bút. Dẫu vậy, em không từ bỏ việc học, đặc biệt là luôn đạt học sinh giỏi với điểm bình quân trên 9.
 
Cảm động thí sinh đi thi trên đôi tay của cha và thanh niên tình nguyện
Dự thi THPT quốc gia tại cụm thi An Giang, Chau Giàu phải nhờ đôi tay của cha và các anh thanh niên tình nguyện bế em vào phòng thi. (Ảnh: Nguyễn Hành)
 

Thí sinh Phạm Hồng Thanh Vy bị bại não từ nhỏ, dẫn đến khuyết tật vận động, đi lại khó khăn. Những ngày dự thi THPT quốc gia, Thanh Vy nhận được giúp đỡ tận tình của các sinh viên tình nguyện.

Đồng hành cùng con trong kỳ thi, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm - mẹ của Thanh Vy chia sẻ: “Em nó bị bệnh tật như vậy, mọi sinh hoạt hết sức khó khăn, hầu như đều được bố mẹ làm cho, khi đưa con đi tham dự kỳ này tôi cũng rất lo lắng không biết cháu có vượt qua được không. Tới đây nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các sinh viên tình nguyện, tôi cũng đỡ lo, và con bé cũng tự tin hơn để hoàn thành kỳ thi”.
 
Sinh viên tình nguyện hỗ trợ bế Thanh Vy lên và xuống phòng thi. (Ảnh: Tuấn Cường)
Thanh Vy được sinh viên tình nguyện hỗ trợ bế lên và xuống phòng thi. (Ảnh: Tuấn Cường)
 
Em Vũ Văn Nội (quê ở xã Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) lúc 3 tuổi không may bị tai nạn dẫn đến liệt nửa người từ phần ngực trở xuống. Tật nguyền nhưng Nội luôn nỗ lực vươn lên, dù suốt 12 năm học phải đến trường bằng xe lăn nhưng em luôn là học sinh khá, giỏi.
 
Em Nội phải đến phòng thi bằng đôi chân của chị gái.
Kỳ thi vừa qua, Nội được chị gái Vũ Hoài Thanh cõng vào phòng thi. (Ảnh: Thái Bá)
 
Những ngày qua, hình ảnh người cha gầy gò, khắc khổ, đạp xe dạo quanh các khu vực điểm thi ở thành phố Thanh Hóa để đánh giày cho khách trong lúc đưa con đi thi khiến không ít người xúc động.

Trong cái nắng như đổ lửa, những phụ huynh khác đưa con đi thi thì tìm những bóng mát, những quán nước thì anh Lê Bá Tùng (45 tuổi, thôn 14, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) lại đạp chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp các nẻo đường của thành phố Thanh Hóa để đánh giày kiếm tiền trang trải mấy ngày thi cho hai cha con.

Anh Tùng tranh thủ đánh giày trong lúc chờ con thi
Anh Tùng tranh thủ đánh giày trong lúc chờ con thi. (Ảnh: Nguyễn Thùy)
 
Người cha vui vẻ khoe những đồng tiền lẻ vừa kiếm được từ việc đánh giày
Những đồng tiền lẻ anh Tùng vừa kiếm được từ việc đánh giày. (Ảnh: Nguyễn Thùy)
 
Em Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1995, quê ở xã Nga Văn, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) bị liệt đôi chân từ lúc 3 tuổi, thân hình gầy gò, xương sống bị cong teo. Không tự đi lại được, Nguyệt được mẹ ngày hai buổi cõng đến phòng thi ở hội đồng thi trường THPT Hoàng Lệ Kha (huyện Hà Trung, thuộc cụm thi số 24 Thanh Hóa).
 
Cõng con 12 năm đến trường, đến khi con đi thi, bà Chắt lại đi theo để cõng con vào phòng thi
Cõng con 12 năm đến trường, đến khi con đi thi, bà Lý Thị Chắt (48 tuổi) lại ngày hai buổi cõng con đến phòng thi. (Ảnh: Thái Bá)
 
Những ngày qua, nhiều bậc phụ huynh đưa con đi thi tại điểm thi Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa quen thuộc với hình ảnh một cựu chiến binh với chiếc chân giả cùng con đến trường thi. Người cha thương binh ấy là ông Đỗ Ngọc Ấn (sinh năm 1957), trú tại thôn Thọ Văn, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
 
Ông Đỗ Ngọc Ấn với chiếc chân giả nhưng vẫn luôn đồng hành cùng con trong những ngày thi.
Ông Đỗ Ngọc Ấn với chiếc chân giả nhưng vẫn luôn đồng hành cùng con trong những ngày thi. (Ảnh: Duy Tuyên)
 

Khi vừa sinh ra, em Trần Minh Nhật (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã bị dị tật bẩm sinh ở chân trái không thể đi lại bình thường được. Lúc còn nhỏ mỗi lần di chuyển phải có ba mẹ giúp đỡ, lớn lên em Nhật dùng nạng gỗ đi lại.

Gia đình Nhật có 2 chị em, ba em làm nghề mộc, mẹ làm đủ mọi việc nuôi hai chị em ăn học. Trước kỳ thi này, chị gái Trần Thị Như Phượng xin nghỉ việc mấy ngày trong công ty về quê đưa em trai đi thi.

Trần Thị Như Phượng ngồi quát mát cho cậu em trai dị tật ngồi ôn bài.
Ở trọ trong ký túc xá Trường ĐH Quy Nhơn, quạt điện không có, thương cậu em trai dị tật ngồi ôn bài trong cái nóng bức đến 40 độ C, người chị gái ngồi túc trực, tay phe phẩy chiếc quạt giấy quạt mát để em thoải mái ngồi ôn bài. (Ảnh: Doãn Công)
PV (tổng hợp)