Kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2010):

Những mô hình khuyến học độc đáo ở TPHCM

(Dân trí) - Nói đến Hội Khuyến học TPHCM là nói đến những con người năng nổ, sáng tạo trong công tác khuyến học, khuyến tài. Từ những con người ấy, những mô hình khuyến học độc đáo đã ra đời, gầy dựng thành những phong trào lớn mạnh đang được nhân rộng trong cả nước.

Học bổng từ trái tim

Nói về học bổng khuyến tài của Hội Khuyến học TPHCM, bà Lê Minh Ngọc - phó chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM không giấu nổi vẻ tự hào: “Đó không chỉ là một học bổng hỗ trợ vật chất cho các em SV khó khăn tiếp tục ăn học mà nó còn tạo nên một cầu nối tình cảm giữa SV với ân nhân, tạo nên mối liên hệ thân tình, mang nặng ân tình giữa người trao và người nhận. Chính vì thế mà nhiều người gọi nó là học bổng từ trái tim”.

Học bổng này còn có một cái tên rất lạ, thể hiện rõ nét đặc trưng độc đáo của nó: học bổng 1&1. 1&1 có nghĩa là một ân nhân (cá nhân hoặc đơn vị) nhận tài trợ cho một SV cụ thể và ân nhân sẽ tài trợ cấp học bổng cho SV ấy trong suốt quá trình học đại học.

Từ các danh sách đăng ký tài trợ và danh sách SV xin học bổng, Hội sẽ cố gắng tìm kiếm những cặp 1&1 “vừa vặn” theo tiêu chí ngành nghề. Chẳng hạn, SV đang học ngành luật, chương trình sẽ tìm 1 ân nhân là luật sư để kết hợp thành 1&1. Vị ân nhân này ngoài tài trợ vật chất cho SV học tập còn có thể hướng dẫn em các kiến thức chuyên môn trong suốt quá trình học tập khi mối liên hệ thân tình được tạo dựng.

Chính nhờ đặc trưng này mà học bổng khuyến tài của Hội Khuyến học TPHCM trở thành một mô hình độc đáo, được nhiều tỉnh thành bạn khen ngợi và học tập. Sau gần 10 năm hoạt động (1999-2009), chương trình đã trao tặng học bổng cho hơn 900 SV. Trong đó có 20 SV được đi du học nước ngoài, 277 SV đã tốt nghiệp đại học đang làm việc, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Những mô hình khuyến học độc đáo ở TPHCM - 1
Học bổng 1&1 được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá rất cao.

Quay lại rước người đi sau

Học bổng 1&1 không chỉ tạo thành các cặp ân nhân - SV mà còn phát triển thành nhóm bạn SV được nhận học bổng, tập trung sinh hoạt, học tập lẫn nhau trong CLB SV khuyến tài. Từ CLB SV khuyến tài lại phát triển tiếp một đoàn thể khác là nhóm cựu SV khuyến tài, là những người đã ra trường, có công ăn việc làm. Từ sự phát triển đó, một học bổng nhân văn khác ra đời: học bổng Rước bạn đi sau.

Phương Trinh, một cựu SV từng được nhận học bổng khuyến tài, cho biết: “Nếu không có học bổng 1&1 thì không ít bạn trong số chúng tôi sẽ phải xếp lại ước mơ học tập. Sung sướng khi nhận học bổng bao nhiêu, chúng tôi lại xúc động bấy nhiêu khi biết có những ân nhân phải chắt chiu từng đồng lương để trao cho chúng tôi những phần học bổng. Chúng tôi không chỉ nhận được số tiền học bổng mà là nhận được cả sự quan tâm, sự động viên rất lớn”.

Chính vì vậy, những cựu SV khuyến tài ấy đã tích cóp những đồng lương ít ỏi mình có được ngay sau khi ra trường để quay lại tiếp sức cho các em SV khuyến tài khó khăn, tạo thành học bổng Rước bạn đi sau.

Phương Trinh tâm sự: “Những phần học bổng ân tình dường như đang kết nối chúng tôi với các bạn đang nhận học bổng thành một gia đình. Đó là gia đình khuyến học. Chúng tôi tin rằng, rồi đây, những người bạn được nhận học bổng Rước bạn đi sau cũng sẽ làm những việc mà hiện nay chúng tôi đang làm. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là hạnh phúc”.

Mang gương sáng đến trường

Trong số những cựu SV khuyến tài có không ít người là những tấm gương vượt khó, phấn đấu thành một công dân tốt, cống hiến cho xã hội khiến nhiều người khâm phục.

Chẳng hạn như chị Trần Thị Minh Tuyết bị khiếm thị, cụt một tay nhưng vẫn khắc phục mọi trở ngại, học tập hết chương trình đại học và trở thành một chuyên viên giỏi tại một công ty nước ngoài.

Những mô hình khuyến học độc đáo ở TPHCM - 2
Chị Trần Thị Minh Tuyết, một cựu SV khuyến tài vượt khó.

Hay anh Nguyễn Văn Cải với số phận long đong, mẹ bệnh tâm thần, cha mất khi mới lọt lòng mẹ, gia cảnh nghèo khó, phải tự kiếm ăn từ nhỏ nhưng nỗ lực vượt qua, cố gắng học tập và nay đã trở thành một nhà giáo mẫu mực… 

Từ đó, Hội Khuyến học TPHCM đã nảy ra ý tưởng đưa những tấm gương ấy đến với các em học sinh để các em được dịp giao lưu, học hỏi những con người bình thường mà phi thường; và chương trình “Mang gương sáng đến học đường” ra đời.

Bà Lê Minh Ngọc cho biết: “Trong tình hình đạo đức, lối sống của học sinh ngày càng xuống cấp như hiện nay, vấn đề giáo dục lý tưởng, mục đích sống cho các em trở thành vấn đề thời sự. Hội Khuyến học với mục tiêu nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập càng không thể tách rời nhiệm vụ trên. Chúng tôi mong muốn qua chương trình này sẽ góp phần giáo dục quan điểm sống tích cực cho các em”.

Quỹ khuyến học gia đình

Hình thức nuôi heo đất để dành tiền tiết kiệm là một phong trào phổ biến mà nhiều tổ chức, đoàn thể đã thực hiện bằng nhiều phong trào khác nhau. Tuy nhiên, khi Hội Khuyến học TPHCM thực hiện chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” đã có một cải tiến nhỏ: cho cá nhân, đoàn thể nuôi heo đất giữ lại số tiền tiết kiệm được để phục vụ việc học cho con em nhà mình, con em các thành viên trong đoàn thể mình.

Chính vì cải tiến nhỏ này mà chương trình mang lại kết quả rất khả quan: gần 70% địa phương ở TPHCM hưởng ứng phong trào và tiết kiệm được gần 67,5 tỷ đồng qua 3 năm thực hiện chương trình.

Những mô hình khuyến học độc đáo ở TPHCM - 3
Nuôi heo đất khuyến học - một quỹ khuyến học bền vững.

Bà Lê Minh Ngọc cho biết: “Mới nghe thì không ai tránh khỏi suy nghĩ: đây là một chương trình hình thức, lấy kết quả báo thành tích… Vì tiền mình bỏ vào heo rồi đập heo thu lại, rốt cuộc cũng ở trong túi mình”. 

Tuy nhiên, mục tiêu chính của chương trình là tạo cho mọi người thói quen bỏ vài đồng tiền lẻ vào heo đất, đến ngày hội thu thì đã thu được một số tiền đủ lo năm học mới cho con em mình. Từ đó hình thành nên thói quen tiết kiệm trong mọi hoàn cảnh cho việc học của con cháu chính mình trong tâm thức của đông đảo người dân TP.

Qua số tiền tiết kiệm được năm sau cao hơn năm trước, bà Lê Minh Ngọc cho là mục tiêu ấy đang dần thành hiện thực, ngày càng nhiều người có thói quen tiết kiệm cho việc học của con cái hơn. Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM Nguyễn Văn Hanh cho đó là một hình thức xây dựng quỹ khuyến học gia đình. Ông khẳng định: “Lập quỹ khuyến học gia đình trong toàn dân như thế mới là căn cơ!”.

Tùng Nguyên