Những “sao” Olympic của giáo dục Việt Nam 2005

(Dân trí) - Những gương mặt còn búng ra sữa, nói chuyện vẫn còn nhút nhát, e dè, nhưng những gương mặt đó lại “dạn dày” trong những cuộc thi quốc gia, quốc tế về Toán, Lý, Hóa, Sinh. Thành tích học tập của họ đã được rất nhiều người ngưỡng mộ.

Báo Khuyến học & Dân trí đã có dịp trò chuyện với những “sao” này trong dịp năm mới.

 

Không phải học nhiều mà phải học sâu

(Phạm Kim Hùng đoạt huy chương bạc toán quốc tế 2005)

 

Đôi mắt to, sáng, lối nói chuyện dí dỏm thu hút được người đối diện đó là cảm nhận đầu tiên của tôi với Hùng.

 

Huy chương vàng Toán Olympic toán quốc tế năm 2004 và huy chương bạc toán quốc tế 2005, đó là những phần thưởng cao quý của Hùng trong thời gian gần đây.

 

Huy chương vàng toán quốc tế 2004, lúc đó em đang học lớp 11. Lần đầu đua tài trong cuộc thi tầm cỡ quốc tế thế giới với 486 tài năng toán học đến từ 86 nước. Tự tin, bình tĩnh trong làm bài, Hùng đã đạt thành tích xuất sắc với 4 bài đạt điểm tuyệt đối. Thành tích của Hùng đã góp vào chiến công giành 4 huy chương vàng, hai huy chương bạc, đưa đội tuyển nước ta xếp thứ 3 thế giới, một thành tích cao nhất trong lịch sử gần 30 lần tham dự Olympic toán quốc tế của học sinh nước ta.

 

Năng khiếu toán học của Kim Hùng được phát hiện ngay từ khi mới 9 tuổi. Đang học lớp 3 trường tiểu học Yên Chính, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, Nam Định. Đến năm lớp 4, Hùng đã đoạt giải ba toán toàn tỉnh Nam Định. Vào những kỳ thi, Hùng thường thức rất khuya để tìm ra những lời giải cho bài toán khó.

 

Năm lớp 5, Hùng đoạt giải nhì toán quốc gia. Đến năm lớp 9, được thầy cô giáo trường huyện “mách nước”, với khả năng học toán của Hùng nên thi vào các trường chuyên như Lê Hồng Phong, TP. Nam Định, khối chuyên toán của trường ĐH KHTN, ĐH Sư phạm Hà nội. Cả 3 trường, Hùng đều đỗ với số điểm rất cao, đặc biệt là tại trường chuyên Nam Định, em đã đỗ thủ khoa. Nhưng Hùng đã chọn khối chuyên toán của trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

 

Bật mí về cách học toán của mình, Hùng cho biết: “Để học sâu về môn toán, điều đầu tiên phải nắm chắc kiến thức cơ bản, sau đó tìm đọc thêm, làm thêm những bài toán khó. Khi kiến thức cơ bản đã chắc rồi em nghĩ là học trên mạng sẽ tốt nhất, trên mạng có rất nhiều bài tập toán hay. Thực ra, không phải suốt ngày em học toán, em rèn luyện tiếng Anh, đọc nhiều sách khác nữa. Với toán không cần thiết phải biết quá nhiều mà nên biết thật sâu kiến thức và  phải biết sáng tạo”.

 

Hiện tại, Hùng đang học lớp cử nhân tài năng của ĐH Khoa học tự nhiên và Hùng sẽ học chuyên ngành về công nghệ thông tin, đó là lĩnh vực mà em yêu thích.

 

Thành tích này chỉ là khởi điểm

(Ngô Xuân Hoàng, giải nhất Hoá quốc tế năm 2005)

 

Lúc nào nụ cười cũng thường trực trên môi, nói chuyện rất có duyên là cảm nhận đầu tiên tôi khi gặp Hoàng. Nghe tâm sự của Hoàng về hoàn cảnh mà tôi ngạc nhiên và khâm phục em.

 

Nhà Hoàng ở huyện Thanh Hà, Hải Dương, nhà nghèo cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và quán chữa khoá ngoài đường. Ngày nhỏ, ngoài việc đi học, Hoàng có nhiệm vụ phải bế em để bố mẹ đi làm. Thu nhập chính của gia đình Hoàng là trông chờ vào mấy sào ruộng.  Do là con cả trong gia đình nên Hoàng thường phụ bố chở bùn, phân ra ngoài đồng để bón ruộng. Hoàng không có mấy thời gian để học, thường chỉ học trên lớp và 2 tiếng buổi tối học bài. Vậy mà kết quả học tập của Hoàng luôn dẫn đầu lớp. 

 

Học đều tất cả mọi môn nhưng toán là môn mà Hoàng yêu thích và luôn đạt điểm cao nhất toàn trường, thấy Hoàng có năng khiếu về toán, năm lớp 8 nhà trường cử em đi thi toán toàn huyện và Hoàng đoạt luôn giải nhất. Đến năm lớp 9, do thiếu học sinh giỏi đi thi môn Hoá, cô giáo của Hoàng đã “liều” cử Hoàng đi thi, chỉ ôn luyện có mấy ngày về môn hoá mà Hoàng đã đoạt giải 3 toàn tỉnh.

 

Được mọi người động viên và thương con có hiếu học, bố mẹ Hoàng đã không cho làm công việc đồng áng nữa, để Hoàng chú tâm vào học. Đến năm cấp III, Hoàng được tuyển thẳng vào trường chuyên của tỉnh Hải Dương, đây là cơ hội cho tài năng hoá học của Hoàng phát triển. Liên tiếp những thành công đã đến với Hoàng. Lớp 11 giải nhì Hoá học của tỉnh, quốc gia, đến lớp 12 Hoàng đoạt giải nhất tỉnh, nhất quốc gia và đặc biệt em đã đoạt huy chương vàng Hoá học quốc tế vừa tổ chức tại Đài Loan.

 

Tuy Hoá học không phải là môn Hoàng thích nhưng dưới sự “bắt ép” của cô giáo, đã đưa em đến đỉnh vinh quang của cuộc thi quốc tế. Hoàng tâm sự: “để có những thành tích này, đó là nhờ sự động viên của bố mẹ và đặc biệt là cô giáo Nguyễn Thị Nhị (giáo viên dạy môn hoá học, trường THPT Nguyễn Trãi) đã giúp đỡ em rất nhiều. Những thành tích đạt được chỉ là khởi điểm, em còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập”.

 

Khắc phục hoàn cảnh khó khăn, nhưng Hoàng luôn cố gắng phấn đấu trong học tập. Hiện nay, Hoàng là sinh viên thứ nhất trường ĐH Dược Hà Nội.

   

Những “sao” Olympic của giáo dục Việt Nam 2005 - 1
 

 Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đi du học xong em sẽ trở lại Việt Nam để làm việc

(Nguyễn Thị Kim Ngân, Huy chương Bạc sinh học quốc tế)

 

Khác với Hùng và Hoàng, Kim Ngân là con nhà nòi, bố là một nhà sinh học. Ngày từ hồi nhỏ, em đã được bố dạy cho biết tên rất nhiều loài cây, tên các con vật... Có lẽ, đó là một trong những lý do khiến Ngân thích và chọn môn Sinh học.

 

Với điều kiện học tập đã có, chỉ đòi hỏi Kim Ngân là sự kiên trì và say mê học tập. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Hà Nội, Kim Ngân có rất nhiều điều kiện để học tập. Thông thạo tiếng Anh nên việc tiếp cận với các sách nước ngoài của Kim Ngân một cách dễ dàng và đọc sách là niềm say mê, đó cũng là cách học hiệu quả nhất.

 

Kim Ngân tâm sự: “Với môn sinh học, bố là “cố vấn”, vì vậy trước những vấn đề khó, em đều nhờ đến bố. Những khi chẳng may bị điểm kém môn Sinh học, bố không trách mắng mà còn động viên em vượt qua khó khăn”.

 

Ngoài học Sinh học, Kim Ngân còn luôn trau rồi kiến thức tiếng Anh với những sách tiếng Anh về Sinh học thì điều đó thật dễ dàng với Ngân. Ngân cho biết: sách sinh học bằng tiếng Anh không hề “chông gai”, em thường đọc cuốn Biology của Campbell – Reece (Mỹ).

 

Với Ngân việc đọc các sách nước ngoài bằng tiếng Anh là món ăn thường xuyên và đó là một cách rèn luyện đầu óc. Để đạt được những thành tích trong học tập (Ngân đoạt nhiều giải thành phố, quốc gia và cao nhất gần đây là huy chương bạc Olympic quốc tế môn Sinh học), Ngân nghĩ học hiểu là quan trọng nhất. Hiện tại, Ngân đang học lớp cử nhân tài năng của ĐH Khoa học Tự nhiên.

 

Uớc mơ của Ngân là được đi du học tại trường Polytechnic Pháp và Ngân đang tự tìm cho mình một cơ hội học bổng ở nước ngoài.

 

Nếu đi du học Ngân sẽ ở lại đó để công tác khi có một công ty nào đó nhận vào làm việc? Ngân quả quyết: "Chắc chắn của em là sẽ làm việc ở Việt Nam sau khi học tập ở nước ngoài. Nếu được một công ty như vậy nhận đỡ đầu, em sẽ... "lôi kéo" họ về Việt Nam để làm lợi cho đất nước".

 

Học không nhất thiết là phải “cày ải”

(Nguyễn Thị Phương Dung, Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế)

 

Đoạt HCV Vật Lý Quốc tế năm 2005, Nguyễn Thị Phương Dung trở thành nữ vô địch đầu tiên của Việt Nam đạt HCV tại đấu trường quốc tế. Dung đã phải vừa học, vừa rèn luyện thể lực và tâm lý để tiếp tục “cuộc chiến” mới.

 

Trong một môi trường toàn “sao” của lớp Tài năng trẻ Vật lý, Dung luôn quan niệm, mình chỉ là hạt cát trên sa mạc rộng lớn. Càng học, Dung càng thấy say môn vật lý bởi những ứng dụng thực tế của nó. Nhiều bạn cho rằng Vật lý là một môn học khó, nhưng Dung không nghĩ vậy, mà nó chỉ khó hơn một chút so với các môn học khác vì cần phải quan sát thực tế nhiều, không thể chỉ học trên sách vở.

 

Cũng như thời học phổ thông, Dung không tự “ép” mình học khi đầu óc căng thẳng, cơ thể mệt mỏi. Khi được hỏi về phương pháp học, Dung cười và khẳng định: “Em không học theo một phương pháp duy nhất nào cả. Quan niệm trong việc học của em rất thoải mái, học không nhất thiết phải “cày ải”. Khi mệt thì không nên cố sức, cũng như đói thì phải ăn, chán học thì phải chơi vậy. Không nên tạo sự căng thẳng trong việc học hành, như thế sẽ càng gây nên áp lực, học càng khó vào hơn và cũng đừng bao giờ dành quá nhiều thời gian cho một môn học, nếu không sẽ rất nhanh chán môn học ấy”.

 

Lần đi thi quốc tế đã đem lại cho Dung một kinh nghiệm rất quan trọng: nếu không có ngoại ngữ, cơ hội có thể dễ dàng tuột khỏi tay. Ấn tượng của Dung với bạn bè quốc tế, đó là sự nhanh nhẹn, tự tin và đặc biệt khả năng giao tiếp bằng  tiếng Anh của họ rất tốt. “Em cũng đang học tiếng Anh thật tốt để có thể giao tiếp tự tin như họ. Nếu có điều kiện, em sẽ đi du học. Nhưng trước mắt, em sẽ cố gắng “chiến đấu” trong bầu trời “sao” của lớp Tài năng Vật lý”.

 

 

Hồng Hạnh - Hồng Hải