Nói tiếng Anh với trẻ - Kỳ 2

Kết quả khảo sát tại Anh cho thấy khi cha mẹ giúp trẻ học ngoài giờ trên lớp, kết quả học tập của trẻ được cải thiện rõ rệt. Hơn nữa, nếu thầy cô và cha mẹ cùng phối hợp trong việc dạy trẻ thì cơ hội thành công của trẻ là rất cao.

Để trợ giúp phụ huynh trong việc giúp con mình học tiếng Anh ngoài giờ học trên lớp, Hội đồng Anh xuất bản một sê-ri sách tham khảo dành cho phụ huynh. “Nói tiếng Anh với trẻ” là một trong các sách tham khảo thú vị này.

Sử dụng tiếng Anh

Bằng việc sử dụng thứ tiếng Anh đơn giản cùng với sự lặp đi lặp lại nhiều lần, cha mẹ có thể giúp trẻ tư duy bằng tiếng Anh những lúc tham gia vào các hoạt động khi các em cảm thấy an tâm và có thể đoán được những gì sắp xảy ra, chẳng hạn như khi chơi các trò chơi hay những lúc đọc thơ. Trẻ muốn nói được bằng tiếng Anh về:
 
- bản thân các em và những gì các em thích: ‘Con thích; Con không thích…
 
- những việc các em làm: ‘Con đã đến; Con đã nhìn thấy…; Con đã ăn…’
 
- cảm giác của các em và những người xung quanh: ‘Con buồn; Cô ấy bực mình…’ Cha mẹ có thể giúp con mình bằng việc cùng các em đọc sách hay tự tạo nên những quyển sách từ tranh vẽ và ảnh. Khi học tiếng mẹ đẻ, trẻ có khả năng chuyển di ngôn ngữ trong nhiều tình huống để tạo nên những câu như ‘Tất cả đi rồi.’ Nếu người lớn áp dụng việc chuyển di ngôn ngữ này vào các câu trong tiếng Anh, trẻ sẽ sớm bắt chước theo. Khi trẻ cần phải thực hành tiếng Anh các em được học ở trường, hãy sử dụng những câu như ‘Tên con là gì?’ ‘Con mấy tuổi?’ ‘Đây là cái gì?’ ‘Đấy là cái bút chì.’ Bố mẹ có thể biến bài luyện tập này thành một hoạt động thú vị thông qua sử dụng một món đồ chơi chỉ nói được tiếng Anh, đặt câu hỏi cho nó và giả vờ bắt nó trả lời.

Khi trẻ đã nói tốt hơn rồi, các em có thể cho thêm vào câu tiếng Anh một từ trong tiếng mẹ đẻ, chẳng hạn như ‘Cậu ấy đang ăn một (…)’ vì các em chưa biết từ tiếng Anh tương ứng. Nếu người lớn nhắc lại câu của trẻ bằng tiếng Anh, trẻ có thể nhận ra ngay được từ tiếng Anh mà các em chưa biết đó. ‘Cậu ấy đang ăn quả mận.’ ‘Quả mận.’

Khi nào cần phải dịch

Chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng hiểu của trẻ; các em có thể hiểu được nhiều hơn những gì các em có thể nói được bằng tiếng Anh. Khi học tiếng mẹ đẻ, trẻ đã quen với việc chỉ hiểu được một vài từ các em nghe được rồi đoán nghĩa những từ còn lại nhờ ngôn ngữ cử chỉ của người nói và những gợi ý xung quanh. Khi ngôn ngữ cha mẹ được sử dụng, dường như trẻ sẽ lập tức áp dụng những kỹ năng này để hiểu nghĩa các câu nói trong tiếng Anh.

Khi cả khái niệm và từ ngữ diễn đạt khái niệm đó đều mới mẻ đối với trẻ, người lớn có thể sẽ cần phải dịch thầm cho trẻ nghe từ có nghĩa tương đương trong tiếng mẹ đẻ trước một lần rồi mới nói từ tiếng Anh đó sau. Nếu việc này diễn ra lặp đi lặp lại trong những bài học tiếp theo, trẻ có thể sẽ quen với việc đợi cha mẹ dịch nghĩa thay vì dựa vào những gợi ý để hiểu các từ ngữ tiếng Anh.

Các bài học tiếng Anh

Tùy hoản cảnh cụ thể, những bài học tiếng Anh có thể kéo dài từ mấy phút đến khoảng mười phút và diễn ra một hoặc hai lần mỗi ngày. Càng được tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên trẻ học càng nhanh. Những lúc học tiếng Anh, cha mẹ nên toàn tâm toàn ý vào trẻ. Trẻ sẽ dần cảm thấy yêu thích những lúc học tiếng Anh vì đó là những lúc các em nhận được sự quan tâm liên tục của cha mẹ mình.

Trẻ nhỏ là những người có tư duy lô gíc: các em cần biết tại sao các em phải nói tiếng Anh khi mà cả cha mẹ và các em đều nói được tiếng mẹ đẻ.

Có thể trẻ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc chuyển từ việc nói tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh, vì thế cha mẹ cần tạo bối cảnh cho trẻ, chẳng hạn như nói với trẻ: ‘Trong ba phút nữa chúng ta sẽ học tiếng Anh con nhé.’ Việc làm này có thể đi kèm với việc di chuyển sang một chỗ khác trong phòng như: ‘Chúng ta hãy ngồi lên ghế sô-pha nào. Nào, chúng ta cùng nói tiếng Anh con nhé.’ Trước khi giới thiệu một hoạt động mới, cha mẹ có thể giúp trẻ chuyển dần từ việc nói tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh bằng một bài tập khởi động như yêu cầu trẻ đếm hay đọc một bài thơ quen thuộc bằng tiếng Anh.

Trẻ tiếp thụ ngôn ngữ khi buổi nói chuyện dựa trên một hoạt động mà trẻ tham gia. Khi trẻ đã quen với một hoạt động nào đó và hiểu được nội dung của nó khi học tiếng mẹ đẻ, các em sẽ cảm thấy an tâm hơn và có thể tập trung để hiểu và tiếp thụ tiếng Anh đi kèm.

Nếu các buổi học diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh, cần rút ngắn các hoạt động lại vì thường thì trẻ khó có thể tập trung lâu như khi các em học tiếng mẹ đẻ. Chỉ nghe tiếng Anh thôi cũng có thể làm trẻ thấy mệt mỏi rồi.

Khuyến khích và khen ngợi

Trẻ thích được cha mẹ khen ngợi. Các em cần cảm thấy vui vẻ và biết rằng các em đang tiến bộ trong việc học tiếng Anh. Sự ủng hộ, khuyến khích và khen ngợi thường xuyên từ cả cha lẫn mẹ cũng như các thành viên khác trong gia đình sẽ giúp trẻ tự tin và thúc đẩy việc học của trẻ. Lời động viên khuyến khích có vai trò đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn đầu của quá trình học, và bất kỳ một lời khen nào trước những thành công của trẻ, dù là nhỏ, cũng có tác dụng kích thích trẻ học tốt hơn như ‘Tốt lắm!’ ‘Bố (mẹ) thích điều đó.’ ‘Con học giỏi lắm!’

Trẻ cần sự ủng hộ nhiều nhất từ phía cha mẹ ở thời điểm bắt đầu học tiếng Anh. Một khi trẻ đã có thể nói, đọc thơ và nhớ được một vài câu chuyện, trẻ sẽ không cần nhiều ủng hộ như vậy nữa. Đến lúc này, những cụm từ, bài thơ hay những câu chuyện bằng tiếng Anh dường như đã thâm nhập một cách vui vẻ vào đời sống gia đình. Khi đó, tiếng Anh đã trở thành một phần không thể thiếu đối với trẻ. Đó cũng có thể là khởi đầu của quá trình hình thành những quan điểm tích cực cả đời của trẻ đối với tiếng Anh, văn hóa Anh và những nền văn hóa khác. Giờ đây người ta thừa nhận rằng đến khi trẻ được tám hay chín tuổi phần lớn quan điểm sống của trẻ đã được hình thành.

Bài được viết bởi chuyên gia Tư Vấn Giáo Dục của Hội đồng Anh.
© Hội đồng Anh 2010.