DMagazine

Nữ giáo viên trẻ rời TPHCM, vượt biển đến với học trò nơi đảo xa

(Dân trí) - Năm 2017, cô Bé nghỉ việc ở TPHCM, viết đơn xin ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) để dạy học. Nữ giáo viên mầm non này đã có hơn 6 năm gắn bó với học trò nơi "đầu sóng ngọn gió".

Nữ giáo viên trẻ rời TPHCM, vượt biển đến với học trò nơi đảo xa - 1

"Tôi đã gắn bó cả thanh xuân với học trò trên đảo Cồn Cỏ. Cuộc sống ở đảo khác với đất liền, còn nhiều khó khăn, có những lúc nhớ nhà, xao động nhưng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ sẽ bỏ đảo vào bờ cả. Dường như tôi đã dành trọn tình cảm cho mảnh đất này rồi", cô Nguyễn Thị Bé tâm sự.

Cô Bé là giáo viên Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba, huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Dáng người nhỏ nhắn, thân thiện, nụ cười duyên với chiếc răng khểnh, cô Bé đã gây ấn tượng với tôi trong lần gặp gỡ trên huyện đảo Cồn Cỏ. Nữ giáo viên này đã có hơn 6 năm gắn bó, dạy học trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Nữ giáo viên trẻ rời TPHCM, vượt biển đến với học trò nơi đảo xa - 3

Cô Bé là con út trong gia đình có 4 anh chị em, quê ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), bố từng là bộ đội trên đảo Cồn Cỏ, bởi vậy cô Bé có tình cảm đặc biệt với hòn đảo này. Nguyện vọng ra Cồn Cỏ công tác từ lâu đã nhen nhóm trong suy nghĩ của cô giáo trẻ.

Năm 2017, mặc dù đang là giáo viên của một trường mầm non tại TPHCM, tuy nhiên khi biết tin huyện đảo Cồn Cỏ thiếu giáo viên mầm non, cô Bé đã viết đơn, tha thiết xin ra đảo công tác. Đồng thời xin nghỉ việc tại TPHCM, trở về cống hiến cho quê hương.

"Thời điểm đó tôi cũng không nghĩ nhiều, dẫu chưa ra đảo lần nào, biết là sẽ khó khăn, nhưng muốn gắn bó với nghề giáo, muốn thử thách bản thân, góp sức vào công tác xây dựng đảo, cũng vừa là truyền thống gia đình nên tôi viết đơn. Cái duyên của tôi và Cồn Cỏ đã đến khi may mắn được tiếp nhận, gia đình tôi cũng rất ủng hộ quyết định này", cô Bé chia sẻ thêm.

Nữ giáo viên trẻ rời TPHCM, vượt biển đến với học trò nơi đảo xa - 5

Suốt quãng thời gian gắn bó với đảo Cồn Cỏ, cô Bé đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều niềm vui, nỗi buồn. Không ít lần vì nhớ nhà, cô Bé lại ra phía bờ biển, nhìn về đất liền mà rơm rớm nước mắt. Dù còn nhiều vất vả, cũng có lúc xao động, nhưng cô Bé chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ đảo vào bờ.

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, cô Bé cho biết, chồng cô là một chiến sĩ Hải quân. Vợ chồng quen nhau trong một lần giao lưu văn nghệ trên đảo Cồn Cỏ, rồi tình yêu chớm nở, bén duyên và lập gia đình vào năm 2019, hiện vợ chồng cô đã có 2 con nhỏ. Cả gia đình ở nhà công vụ trên đảo Cồn Cỏ.

"Hồi mới ra cũng buồn lắm, điều kiện trên đảo cũng chưa được như bây giờ. Bao thế hệ cha anh đã đổ xương máu để bảo vệ đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Vì vậy, tôi luôn cố gắng đóng góp sức mình, ươm mầm tri thức cho các em nhỏ, vợ chồng cùng nhau vượt qua thử thách, chăm lo gia đình hạnh phúc và hoàn thành tốt nhiệm vụ", cô Bé nói.

Nữ giáo viên trẻ rời TPHCM, vượt biển đến với học trò nơi đảo xa - 7

Kể về "ngôi nhà thứ 2", cô Bé cho biết, Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba hiện có 2 lớp, lớp mầm non với 11 cháu và tiểu học có 3 học sinh lớp 1 do 3 cô giáo phụ trách.

Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tình yêu với nghề, với học sinh là động lực để các cô gắn bó với sự nghiệp gieo mầm xanh nơi đảo tiền tiêu. Những năm qua, được sự quan tâm của các ban, ngành, chính quyền địa phương, Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba được đầu tư cơ sở vật chất khang trang.

Tuy nhiên, cô trò trên đảo Cồn Cỏ có những thiệt thòi so với đất liền. Bố mẹ các em là các chiến sĩ đóng quân trên đảo hay những người làm nghề biển, ít có thời gian chăm sóc con, môi trường phát triển đối với các học sinh còn hạn chế, ít được tiếp xúc đông người nên khá rụt rè.

Nữ giáo viên trẻ rời TPHCM, vượt biển đến với học trò nơi đảo xa - 9

Theo cô Bé, khó khăn nhất vẫn là khoảng cách địa lý, nơi "đầu sóng ngọn gió" nên luôn phải hứng chịu giông bão. Mặc dù đã có tàu dịch vụ ra vào Cồn Cỏ, tuy nhiên mùa biển động tàu không thể chạy, những lúc này, điều lo lắng nhất của cô giáo và người dân là không may đau ốm nặng.

Về việc chăm sóc trẻ, cô Bé cho hay, mùa hè thì mọi nhu yếu phẩm đỡ khó khăn hơn vì tàu ra vào nhiều. Nhưng mùa đông có khi nửa tháng, hoặc cả tháng không có tàu bè vào thì phải tích trữ đồ ăn trong tủ. Thịt, cá thì các cô phải gom của dân đi đánh bắt, còn rau tự cung tự cấp.

Học sinh học chung một lớp ghép với nhiều độ tuổi, do đó giáo án của cô cũng rất đặc thù, tùy vào từng em để có phương pháp giảng dạy phù hợp.

Cô giáo Lê Thị Thùy Linh, phụ trách Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba, cho biết, cô Bé  là người rất tâm huyết, hết lòng vì học trò. Cô Bé đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho giáo dục và xây dựng huyện đảo suốt nhiều năm qua.

Không chỉ trong việc dạy chữ, chăm lo cho trẻ trên đảo mà còn cả việc đóng góp trí lực trong xây dựng kinh tế, văn hóa và các hoạt động trên đảo. Theo cô Linh, với sự nỗ lực của các cô giáo, sự quan tâm của ban, ngành, đơn vị, chất lượng giáo dục trên đảo Cồn Cỏ đang ngày một nâng lên.

Nữ giáo viên trẻ rời TPHCM, vượt biển đến với học trò nơi đảo xa - 11

Đặc biệt, sự hiện diện của lớp tiểu học vào đầu năm học 2023-2024 là sự thôi thúc hơn nữa để giáo viên gắn bó, cống hiến với sự nghiệp giáo dục trên đảo. Các bậc phụ huynh cũng yên tâm định cư, sản xuất, phát triển kinh tế, bảo vệ đảo, khi con học xong chương trình mẫu giáo không còn phải xa bố mẹ và gia đình vào đất liền để học Tiểu học, đối diện với muôn vàn khó khăn khác.

Một mùa Xuân mới lại về, trên đảo Cồn Cỏ, những con sóng bạc đầu vẫn dồn dập vỗ lên bờ đá nhưng không át được tiếng cười trong trẻo của các học sinh đang nô đùa trong lớp học trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Từng ngày, từng giờ, các cô giáo vẫn hết mình vì sự nghiệp giáo dục, ươm mầm, chắp cánh ước mơ cho thế hệ tương lai trên đảo Cồn Cỏ, góp sức xây dựng, bảo vệ đảo nhỏ anh hùng.

Nữ giáo viên trẻ rời TPHCM, vượt biển đến với học trò nơi đảo xa - 13

Nội dung: Tiến Thành

Thiết kế: Đức Bình