Phụ huynh kêu bị động vì lịch thời tiết 6h sáng, cơ quan chức năng nói gì?

Mỹ Hà

(Dân trí) - 6h được xem là thời điểm có nền nhiệt thấp nhất, các cơ sở giáo dục dựa vào nhiệt độ thời điểm này làm căn cứ cho học sinh nghỉ học.

Vì sao căn cứ vào bản tin thời tiết lúc 6h hàng ngày?

Theo yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội, các gia đình dựa vào bản tin dự báo thời tiết trên chương trình HTV lúc 6h và bản tin "Chào buổi sáng" trên VTV1 lúc 6h20 hàng ngày để làm căn cứ cho học sinh đến trường trong những ngày rét hại rét đậm.

Một số người cho rằng, việc căn cứ vào 2 bản tin khá sát với giờ chuẩn bị cho học sinh đi học này khiến nhiều gia đình bị động, trở tay không kịp.

Theo đại diện của cơ quan dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, hàng ngày cơ quan khí tượng sẽ đo nhiệt độ 8 lần vào các khung giờ 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19, 22.

Những ngày rét đậm, rét hại, ngành yêu cầu đo thêm nhiệt độ lúc 6h vì đây là thời điểm có nền nhiệt độ thấp nhất.

Cơ quan khí tượng thủy văn chỉ đưa ra số liệu quan trắc, việc quyết định nghỉ học hay không tùy thuộc cơ quan giáo dục và các cơ sở giáo dục linh hoạt.

Phụ huynh kêu bị động vì lịch thời tiết 6h sáng, cơ quan chức năng nói gì? - 1

Cô trò đốt lửa sưởi ấm ở Bát Xát, Lào Cai (Ảnh: Mạnh Quân).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, dựa trên số liệu của cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ lúc 6h hàng ngày được cho là thời điểm có nền nhiệt thấp nhất. Vì vậy, các cơ sở giáo dục dựa vào nhiệt độ thời điểm này làm căn cứ cho học sinh nghỉ học là chính xác.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, quy định dưới 10 độ học sinh tiểu học được nghỉ, với THCS là dưới 7 độ được phát đi cho tất cả các địa phương thuộc địa bàn, trong bối cảnh Hà Nội cùng một số tỉnh miền Bắc đang hứng chịu đợt rét mạnh nhất từ đầu mùa đến nay. Quy định này được vận dụng linh hoạt và phù hợp cho từng cơ sở giáo dục.

Cụ thể, Hà Nội hiện có một số địa bàn xa xôi, nhiệt độ thấp hơn nhiều so với nội đô như Ba Vì, Sóc Sơn… Trong khi đó, một số trường nội thành Hà Nội cơ sở vật chất rất tốt, giao thông đi lại thuận tiện, việc gửi con ở trường cũng là phương án tốt nếu gia đình có nhu cầu cần thiết.

Dựa trên quy định chung mà Sở đã ban hành trên đây, các trường có thể linh hoạt sao cho phù hợp, trên cơ sở sao cho tốt nhất với sức khỏe học sinh, được cha mẹ học sinh đồng thuận.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết thêm, việc chăm sóc trẻ những ngày rét đậm, đòi hỏi nhà trường phải tỉ mỉ hơn nữa, thực đơn các món ăn phù hợp hơn, luôn có đủ nước ấm để vệ sinh cho các cháu, các lớp học phải ấm áp.

Thậm chí vì trời rét, có một số cháu có thể đến rất muộn, nhà trường vẫn phải đón trẻ, không quá khắt khe về giờ giấc, nhà trường cũng có thể lùi lịch học để thuận tiện hơn cho các em.

Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến cáo, các nhà trường không nên tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời; cần đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi tổ chức các giờ học thể dục ngoài trời; không yêu cầu học sinh mặc đồng phục nếu trời quá rét.

Đối với những trường có tổ chức bán trú, cần đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho học sinh. 

Phụ huynh kêu bị động vì lịch thời tiết 6h sáng, cơ quan chức năng nói gì? - 2

6h được xem là thời điểm có nền nhiệt thấp nhất (Ảnh: Nguyễn Hải).

Hàng trăm nghìn học sinh nghỉ học vì rét hại

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, đợt rét sâu này, toàn tỉnh có 56.600 học sinh của 139 trường từ mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học.

Một số huyện vùng cao như Bắc Yên, Vân Hồ, Mộc Châu, Sốp Cộp, Thuận Châu có nơi nhiệt độ xuống thấp từ 3 đến 5 độ.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La chỉ đạo địa phương rà soát toàn bộ hệ thống cửa lùa, cửa chớp, cửa sổ các phòng học, các phòng ở khu nội trú, bán trú, đảm bảo che chắn kín gió, không để học sinh và giáo viên bị lạnh; tăng cường hỗ trợ học sinh nội trú, bán trú chăn ấm; đảm bảo khẩu phần ăn của học sinh.

Đối với các trường nằm trong vùng rét đậm, rét hại, hiệu trưởng các nhà trường chủ động cho học sinh nghỉ học, báo cáo các cấp quản lý và có kế hoạch dạy bù; tùy điều kiện thực tế tại địa phương, khi nhiệt độ tăng lên tổ chức cho học sinh đi học trở lại bình thường.

Tại Lào Cai, đến 9h ngày 24/1, toàn tỉnh có 96 trường với hơn 32 nghìn học sinh nghỉ học tránh rét.

Cụ thể, huyện Bát Xát: 3 trường, 824 học sinh; thị xã Sa Pa: 26 trường với gần 11 nghìn học sinh; huyện Bắc Hà: 30 trường với gần 10 nghìn học sinh; huyện Si Ma Cai: 37 trường với gần 11 nghìn học sinh. Các trường còn lại của tỉnh này vẫn tổ chức dạy, học bình thường.

Thống kê của Sở GD&ĐT Lạng Sơn, toàn tỉnh có 92.000 trẻ mầm non và tiểu học của 269 trường phải nghỉ.

Ngoài việc cân nhắc cho học sinh nghỉ, nhiều trường tại Lạng Sơn chuyển sang học trực tuyến.

Tại Phú Thọ, toàn tỉnh có 203/306 trường mầm non và 235 trường tiểu học cho học sinh nghỉ học. Số học sinh đi học theo nhu cầu của phụ huynh chiếm khoảng 30%. Trong đó, một số gia đình sáng đưa con đi học, trưa đón về. Thành phố Việt Trì, huyện Thanh Sơn và Đoan Hùng có nhiều trường cho học sinh nghỉ học.