Câu chuyện giáo dục:

Phụ huynh kêu gọi dũng cảm chấm dứt cơn "ác mộng" bài tập về nhà

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Con không làm đủ bài tập về nhà, cô giáo sẽ phê bình và trừ điểm trên ứng dụng theo dõi chung của cả lớp. Cách dạy này khiến cho học sinh, phụ huynh đều "ngộp thở", mong muốn được giải thoát.

Phụ huynh kêu gọi dũng cảm chấm dứt cơn ác mộng bài tập về nhà - 1

Nhiều phụ huynh cho rằng việc giáo viên giao quá nhiều bài tập về nhà là cơn ác mộng (Ảnh: MXH).

Dũng cảm lên tiếng vì con, chấm dứt "ác mộng" bài tập về nhà

Sau bài viết "Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh, cô giáo "lách luật" giao cho bố mẹ", nhiều độc giả Dân trí đã để lại những bình luận bày tỏ ý kiến.

Độc giả Minh Nga Le cho hay mình là phụ huynh duy nhất trong lớp để con đến lớp mà không làm hết bài cô giao. Bé cũng không đi học thêm. Kết quả là con vẫn đỗ vào trường chuyên nổi tiếng nhất Hà Nội. Phụ huynh này cho rằng: "Các cha mẹ hãy dũng cảm lên tiếng vì con mình".

Độc giả An Chi chia sẻ: "Tôi rất mệt mỏi vì cảm thấy như mình đang làm học sinh, trở lại thời kỳ học sinh với đống bài tập mà tôi vốn rất ghét. Nhiều bạn sẽ bảo tại tôi không để cháu tự làm, nhưng mà thực sự nếu để con làm một mình chắc sáng hôm sau cũng chưa xong bài, hay mất tập trung lắm.

Trước khi đi học, tôi chỉ muốn con bình thường, nhưng đi học rồi mới thấy con quá áp lực học tập. Mình muốn nhưng còn trường lớp có muốn đâu, vẫn "nã" bài đều".

Độc giả Trần Hạ bày tỏ thực tế không ít giáo viên còn mang tâm lý nặng thành tích: "Có nhiều giáo viên thiếu chữ tâm, họ chỉ muốn lập thành tích cho họ mà lấy mất tuổi thơ, nét hồn nhiên của các cháu".

Bạn đọc Thanh Chương Thái nêu lịch trình của một học sinh gồm: "Sáng học, trưa ăn xong ngủ một chút, chiều học. Chiều tối học thêm tiếng Anh (tranh thủ ăn trên xe). Tối muộn về làm bài tập. Chuẩn bị sách vở rồi mới tắm rửa. Ngủ muộn để mai đi học".

Tại lớp học của em Hoàng Nam (tên đã được thay đổi) - một học sinh lớp 3 tại nội thành Hà Nội, cô giáo nổi tiếng nghiêm khắc nên mọi hoạt động đều được giám sát chặt chẽ. Ngoài quyển vở theo môn học, Nam và các bạn được yêu cầu có riêng một cuốn chuyên ghi bài tập về nhà.

Cuối mỗi buổi học, cô sẽ đọc cho học sinh ghi lại bài tập về nhà. Ngày hôm sau, nếu học sinh không hoàn thành sẽ bị phê bình và trừ điểm thi đua.

Do đó, mỗi tối, dù có buồn ngủ díu cả mắt, Nam vẫn cố gắng làm cho xong bài.

"Ở lớp, cô vẫn dùng chiếc thước gỗ để gõ bàn cồm cộp, để nhắc nhở học sinh học tập nên bé sợ lắm. Bố mẹ cũng áp lực theo. Nhiều người ví bài tập về nhà là cơn ác mộng", anh Minh Quang - bố của Hoàng Nam chia sẻ.

Câu chuyện trên không quá xa lạ dù Bộ GD&ĐT đã cấm giao bài tập cho học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày ở trường.

Hãy để trẻ tự nguyện học

Trái ngược với áp lực mà nhiều phụ huynh, học sinh khác đang "gánh chịu", chị Yến Hoa - phụ huynh học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP Thủ Đức, TPHCM) - kể việc học buổi tối ở nhà của con khá nhàn hạ.

Chị Hoa kể từng bị ám ảnh khi nghe câu chuyện của người bạn kể về gia đình "cơm không lành, canh không ngọt" vì bài tập về nhà của con. Thế nhưng, may mắn khi suốt 3 năm qua, con chị Hoa không bị giao bài tập về nhà.

Buổi tối, hai mẹ con vui vẻ chơi một số trò chơi trí tuệ, vừa ôn bài cũ, vừa giúp trẻ giải trí.

Phụ huynh kêu gọi dũng cảm chấm dứt cơn ác mộng bài tập về nhà - 2

Chị Yến Hoa và con trai cùng chơi một trò chơi để giải trí và ôn luyện kiến thức trên lớp (Ảnh: Huyên Nguyễn).

"Không ít gia cảnh cứ buổi tối lại "chan nước mắt". Trẻ khóc vì áp lực bài tập, bố mẹ la hét thúc con hoàn thành bài cô giao. Vợ chồng cãi lộn vì dạy con học...", chị Hoa nêu thực trạng.

Người mẹ trẻ cho rằng ban ngày con đi học, bố mẹ đi làm nên buổi tối là khoảng thời gian quây quần bên nhau, cả trẻ và bố mẹ đều cần nghỉ ngơi, thư giãn. Do vậy, giáo viên không nên tạo sức ép với quá nhiều bài vở, hãy để cho trẻ không gian vui chơi, phát triển thể chất, tinh thần thay vì chỉ học và học.

Một giáo viên tại Trường Đại học Sài Gòn thừa nhận còn nhiều thầy cô vẫn giữ quan điểm phải giao bài tập về nhà cho học sinh dù Bộ GD&ĐT đã có lệnh cấm trước đó.

Cô giáo này phân tích, dưới góc nhìn của Bộ GD&ĐT, việc quy định không giao bài tập về nhà phù hợp với tâm sinh lý và đặc điểm hoạt động của trẻ. Ở tiểu học, một ngày bé hoạt động tại trường khoảng 7h30-16h20 là khá dài, do đó, thời gian ở nhà cần để nghỉ ngơi.

Tiếp cận dưới góc nhìn của giáo viên giao bài tập về nhà, cô giáo cho rằng những học sinh lớp 4, lớp 5 cũng nên có bài tập về nhà để các bé ôn luyện và hình thành thói quen học tập. Song, cô giáo này phản đối hình thức ép buộc và xử phạt.

Phụ huynh kêu gọi dũng cảm chấm dứt cơn ác mộng bài tập về nhà - 3

Học sinh làm bài tập về nhà (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

Nữ giáo viên nhấn mạnh nếu có giao bài tập cũng ở mức nhẹ nhàng chứ không quá nâng cao, dài, khó. Điểm quan trọng nhất là việc giao bài tập về nhà cần có sự đồng thuận giữa gia đình và nhà trường. Nếu phụ huynh mong muốn, cô giáo có thể gợi ý một số bài cho các mẹ tự luyện thêm.

"Việc làm bài tập về nhà phải trên tinh thần tự nguyện của các bé, nghĩa là phải xuất phát từ người học. Các bé phải thực sự yêu thích việc học thì việc làm bài tập về nhà mới có hiệu quả.

Nếu thầy cô ép học sinh làm vì thành tích, vì thi đua... ít nhiều cũng có tác động. Song, hậu quả lâu dài là học sinh sẽ không còn ham thích học như những ngày đầu nữa", nữ giáo viên phân tích.

Giáo viên này cho rằng có nhiều cách để học sinh hứng thú ôn luyện bài về nhà, ví dụ tạo một trò chơi cho các bạn chơi để củng cố kiến thức. Điều này vừa đạt hiệu quả học tập và cũng giúp cho ba mẹ, con cái có cơ hội để làm việc, cộng tác cùng nhau nhiều hơn.