Sôi động lễ khai mạc cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế tại Hà Nội

(Dân trí)-Sáng nay 21/7, lễ khai mạc Olympic Hoá học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã diễn ra trang trọng ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với sự tham dự của hơn 500 giáo viên và học sinh đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cuộc thi Olympic Hoá học quốc tế (IChO) 2014 có 77 đoàn đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó 75 đoàn có học sinh dự thi và 2 đoàn quan sát viên). Mỗi đoàn với tối đa 4 học sinh, 4 cố vấn chuyên môn và 2 quan sát viên khoa học. Đoàn có số thành viên đông nhất là Nga (12 thành viên) và ít nhất là Cu Ba (2 thành viên). Đoàn dự thi của Việt Nam gồm 8 thành viên (4 cán bộ và 4 học sinh) do ông Nguyễn Quốc Chính, giảng viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn.

Toàn cảnh lễ khai mạc IChO 2014.

Toàn cảnh lễ khai mạc IChO 2014.

Các học sinh của đoàn Việt Nam đều cho biết, việc tổ chức IChO ở Việt Nam sẽ là một sự khích lệ rất lớn cho các em. Được thi đấu trên “sân nhà” với sự ủng hộ nhiệt tình của “khán giả” nhà chắc chắn các em sẽ nỗ lực hết mình để đạt được kết quả cao nhất.

Thành viên đội tuyển IChO Việt Nam cũng khẳng định, mặc dù là nước chủ nhà nhưng các thầy cô không đặt mục tiêu cụ thể mà chỉ yêu cầu các thành viên nỗ lực hết sức mình, tự tin trong làm bài.

Các gương mặt của đội tuyển IChO Việt Nam.
Các gương mặt của đội tuyển IChO Việt Nam.

Ban tổ chức cuộc cho biết, do không cho phép khoảng cách chỗ ở giữa thí sinh và cán bộ quá gần nhau, Ban Tổ chức đã bố trí cán bộ, quan sát viên của các đoàn ở khu du lịch sinh thái Sông Hồng Thủ đô - Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc trong những ngày thi và ở khách sạn Daewoo trong những ngày chấm thi; thí sinh được bố trí ở khách sạn La Thành, Hà Nội.

Tổng số thí sinh tham dự kì thi IChO 2014 là 291 em. Theo quy định của Ủy ban Olympic Hoá học quốc tế thì sẽ có 8-12% thí sinh tham dự đoạt huy chương vàng.

Những tiết mục văn nghệ mang đậm truyền thống Việt Nam.
Những tiết mục văn nghệ mang đậm truyền thống Việt Nam.

Những tiết mục văn nghệ mang đậm truyền thống Việt Nam.

Những tiết mục văn nghệ mang đậm truyền thống Việt Nam.


Tại buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Chủ tịch IChO 2014 cho biết: Kể từ năm 1968 đến nay, hàng năm cứ đến tháng 7, cộng đồng hóa học thế giới hướng sự chú ý của mình đến một sự kiện hóa học hấp dẫn nhất trong năm, đó chính là cuộc thi IChO dành cho học sinh phổ thông có tài năng thực sự xuất sắc. Cuộc thi đầu tiên được diễn ra ở quốc gia Tiệp Khắc mới chỉ có 31 nước nhưng IChO 2014 đã có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Điều này cho thấy IChO ngày càng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng hóa học và các tài năng hóa học trẻ trên thế giới.

Bầu không khí náo nhiệt của học sinh quốc tế tại lễ khai mạc.
Bầu không khí náo nhiệt của học sinh quốc tế tại lễ khai mạc.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới đang xuất hiện biểu hiện tiêu cực là giới trẻ khi ngại học các môn khoa học cơ bản, dẫn đến sự thiếu hụt của nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học này, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lâu dài sự bền vững của khoa học của nền kinh tế. Do đó, cuộc thi IChO hàng năm nói chung và năm nay nói riêng sẽ có phần khích lệ tinh thần hóa học trên phạm vi toàn cầu và áp dụng các kiến thức hóa học để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Việc đăng cai IChO 2014 là một vinh dự to lớn của nước chủ nhà Việt Nam, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng Hóa học và bạn bè quốc tế đối với đất nước chúng tôi. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng với những nỗ lực to lớn của Bộ GD-ĐT và của Ban Tổ chức, các thí sinh thân yêu của chúng ta sẽ có những điều kiện tốt nhất và công bằng để tranh tài trong cuộc thi đỉnh cao, mang vinh quang về cho quê hương mình, đồng thời học hỏi lẫn nhau, góp phần vào sự phát triển không ngừng của ngành Hóa học trên thế giới”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại lễ khai mạc IChO 2014.

Phát biểu tại buỗi lễ, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Hoá học quốc tế,GS Peter Wothers (ĐH Cambridge, Anh) nhấn mạnh: Việt Nam tham dự IChO vào năm 1996 và ngay năm đó đã gặt hái được nhiều thành công. Qua đây cho thấy truyền thống về hóa học của đất nước Việt Nam. Và bây giờ sau 18 năm, Việt Nam đã khẳng định vị trí của mình trước cộng đồng hóa học thông qua việc tổ chức kì thi IChO 2014.

“Công tác chuẩn bị cho cuộc thi đã cho tôi cơ hội đến Việt Nam vào tháng 11/2013, tháng 1/2014 và bây giờ là tháng 7/2014. Tôi thực sự hạnh phúc khi được trở lại Hà Nội, thật sự ấn tượng với sự nỗ lực lớn lao của Ban tổ chức trong công tác chuẩn bị kì thi. Tôi đã được gặp những nhà hoá học khả kính nhất Việt Nam, những người đã chuẩn bị đề thi tốt nhất cho cuộc thi” - GSPeter Wothers chia sẻ.

GSPeter Wothers cho biết rất vui khi được ngồi sau xe máy để di chuyển giữa các trường đại học, được trải nghiệm "giao thông có phần hỗn độn ở Việt Nam".

Chủ tịch Uỷ ban Olympic Hoá học quốc tế,GS Peter Wothers tạo sự vui vẻ với câu 
Chủ tịch Uỷ ban Olympic Hoá học quốc tế, GS Peter Wothers tạo sự vui vẻ với câu chuyện giao thông của Việt Nam.

“Tôi đang phân vân không biết giao thông hỗn độn ở Việt Nam có được mô hình hóa thành dòng khí không lý tưởng” - Chủ tịch Uỷ ban Olympic Hoá học quốc tế ví von khiến cả hội trường ngập tiếng cười vui vẻ.

IChO 2014, thí sinh sẽ thi trong hai ngày (mỗi ngày 5h). Thi thực hành từ 9h - 14h ngày 23/7 tại ĐH Sư phạm Hà Nội và thi lý thuyết từ 9h - 14h ngày 25/7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội). Để chuẩn bị phần chuyên môn cho cuộc thi này, Ban Chuyên môn chuẩn bị đề thi đã được Bộ GD-ĐT thành lập từ năm 2010 gồm các nhà Hóa học của Việt Nam. Trưởng ban chuyên môn là PGS Nguyễn Văn Nội, hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà đã chuẩn bị toàn bộ khâu đề thi bao gồm ngân hàng đề thi (30 đề lý thuyết và 100 đề thực hành); bộ đề chuẩn bị (gồm 29 đề lý thuyết và 7 đề thực hành đã công bố vào ngày 28/1); đề chính thức. Các đoàn tham dự đều có phản hồi tích cực về chất lượng, độ khó và bản sắc hóa học Việt Nam trong các bài thi chuẩn bị. ĐHKhoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị chủ trì, ĐH Sư phạm Hà Nội là đơn vị phối hợp tổ chức.

Nguyễn Hùng