Sự học & đại học

(Dân trí) - Liệu Cổng trường Đại học có nhất thiết phải là Con đường Duy nhất? Đây là một câu hỏi không phải là quá khó để trả lời, nếu xét theo cách duy lý của cuộc đời, nhưng là câu hỏi cực khó với thân phận của con người.

Ngày trước, thuở tôi ôn thi đại học, mẹ tôi nói phải gắng học bởi nếu thi trượt chỉ còn nước đi bán nước chè chát ở ga tàu. Việc bi kịch hoá cuộc đời của mẹ chắn hẳn đúng nhiều lắm  với cách hiểu của mọi người. Có lẽ đây là phần chìm của tảng băng trôi: ước ao khỏi “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, gần như đã chấm hết, nếu thi không đỗ (?)

 

Lớn lên tôi mới hiểu được rằng cuộc đời không giản đơn là thế, tuy nó không phức tạp đến mức như thế. Thật buồn khi phải thú nhận rằng thói quen đại học thực chất chỉ là cách tìm con đường ngắn nhất để chạy trốn những cực nhọc của cảnh chân lấm tay bùn, mặt dầu vai mỡ. Càng buồn hơn nữa khi chúng ta nói thẳng ra rằng, tham nhũng càng nhiều, quan chức càng lắm thì cổng trường đại học càng da diết để trở thành nỗi ám ảnh của mọi cơn mơ. Thử hỏi có ai khẳng định học để cống hiến, để vươn mình tới chứ không phải là để kiếm được một chỗ làm theo cách ăn trắng mặc trơn, để trở thành một đẳng cấp trên, bất kể những hạn chế của tư duy và trí óc?

 

Tôi đã không ít lần phải nghiêng mình trước những con người chưa một lần thử sức bền của mặt phẳng trượt trơn của chiếc ghế ở giảng đường đại học. Họ có nhiều lắm. Những người đó khác mọi người khác ở điểm duy nhất: Họ coi sự học là nghiệp, lẽ của kiếp người; không hề màng đến công danh, quyền chức. Họ là những người hơn ai hết hiểu rõ rằng con đường học cực nhọc lắm. Mục đích hiểu biết lớn hơn hết thảy mọi toan tính; nhu cầu  cống hiến nhiều hơn gấp bội lần những đêm trắng, những mài miệt, ky cóp từng con chữ, từng mảnh vụn rời rạc của tri thức. Họ cũng biết rõ thêm rằng tiền bạc và sự lười biếng, khi cần, vẫn có thể mua được một tấm bằng đại học, đôi khi cao hơn thế; nhưng thực chất của nghĩa học, thì không thể, không bao giờ!

 

Cuộc đời có vô khối những cánh cổng khác nhau. Và tất nhiên càng nhiều hơn nữa những con đường, những cách đi, lối đi không giống nhau. Trường đại học chỉ là một trong những lối đi thích hợp với “tư duy” của thời đại thẩm định giá trị bằng bằng cấp. Bạn cứ tin rằng trường đại học thật giống với tà áo dài. Chỉ có 10% tổng số thiếu nữ và phụ nữ có công việc thích hợp với việc mặc nó. Và nhất là, chỉ có 10% của 10% đó mặc thật sự đẹp mà thôi.

 

Tại sao không thể trở thành một người công nhân giỏi, một kỹ thuật viên tài ba? Nếu như ta có được Nhất nghệ tinh thì chắc hẳn sẽ hạnh phúc hơn nhiều những người tốt nghiệp đại học nhưng suốt đời phải chìm trong nỗi khổ vì năng lực không tương xứng với tấm bằn danh nghĩa, vật vờ. Nếu muốn học, bạn có thể học bất cứ lúc nào, bất kể chỗ đứng nào.

 

Tô Vĩnh Hà

(ĐH Khoa học Huế)