Thầy giáo hơn 20 năm "cõng" chữ lên Tây Nguyên

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 22 tuổi, không chút do dự, chàng thanh niên miền Trung Nguyễn Giang Nam khoác ba lô "cõng" chữ lên miền ngược.

Gần 10 năm không về quê ăn tết

Sinh ra tại mảnh đất nắng gió Nghệ An, sau khi tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn, hơn 20 năm, thầy Nguyễn Giang Nam (Trường phổ thông dân tộc bán trú - THCS xã Đăk Long, Đăk Glei, Kon Tum), quyết định chọn Tây Nguyên làm quê hương thứ hai, gắn bó với học sinh miền núi. 

Cơ duyên nào khiến thầy chọn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên?

- Năm 2000 tốt nghiệp hệ cao đẳng Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, tôi cùng 9 người bạn cùng khóa quyết định lên Tây Nguyên dạy học.

Ngày biết tôi lập nghiệp xa quê hàng nghìn cây số, gia đình, người thân đều ra sức can ngăn. Lúc ấy tôi không nghĩ gì, chỉ biết rằng nếu về quê nhưng chưa xin việc được ngay, gia đình sẽ càng khó khăn, tôi cùng các bạn không ngần ngại khoác ba lô lên đường.

Thầy giáo hơn 20 năm cõng chữ lên Tây Nguyên - 1

Thầy Nam và các học sinh của trường (Ảnh: Giang Nam).

Hai năm đầu, tôi dạy hợp đồng ở Trường tiểu học-THCS xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, một xã biên giới giáp Lào và Campuchia, lương tháng 200.000 đồng.

Lần đầu tiên đến Tây Nguyên, đối với tôi cảm xúc rất lạ lẫm, buồn đến lạ. Và rồi từ đây, tôi bắt đầu với tương lai của mình với nghề "cõng" chữ cho bà con dân tộc.

Điều kiện làm việc của anh và đồng nghiệp ra sao?

- Trường Tiểu học - THCS xã Bờ Y cách trung tâm huyện 16km, cách trung tâm thành phố 80km, với con đường đất đỏ bazan ngoằn ngòeo. Thời đó, thầy cô phải đi xe máy mất gần 6 tiếng đồng hồ mới tới nơi.

Trường có đến 99% học sinh là người dân tộc thiểu số, việc học tập của các em cũng chưa được quan tâm từ phụ huynh.

Những ngày đầu thầy nói tiếng Kinh, trò nói tiếng dân tộc, không ai hiểu ai. Những lúc như vậy, tôi vừa giảng dạy, vừa là người phiên dịch còn học trò vừa là người học chữ, vừa là người dịch chữ.

Mất gần một năm học tiếng, thầy trò mới dần hiểu được nhau, thầy lại vận dụng tiếng đồng bào để dạy tiếng Việt cho các trò được dễ dàng hơn.

Tôi nhớ ngày đầu lên cắm bản ở ngôi trường biên giới này, thầy cô không có giường, phụ huynh đã làm cho mỗi người một cái sạp bằng cây và nứa, trải một chiếc chiếu cói lên nằm.

Thầy cô tự trồng rau tăng gia, vài ba tuần, dân buôn dùng xe máy chở cá từ trung tâm vào, thầy cô được một bữa ăn "tươi".

Điện, nước sạch là điều xa xỉ với chúng tôi thời bấy giờ bởi bà con dùng thủy điện nhỏ, họa hoằn lắm thầy cô mới được thắp một bóng đèn tròn để soạn bài.

Gần 10 năm tôi không về quê ăn Tết vì lương giáo viên mới ra trường không đủ tiền tàu xe, hơn nữa với 7 ngày nghỉ, tôi không đủ thời gian đi lại với khoảng cách gần 2 nghìn cây số.

Thầy giáo hơn 20 năm cõng chữ lên Tây Nguyên - 2

Thầy giáo Nam tại lễ tuyên dương điển hình tiên tiến năm 2023 (Ảnh: Giang Nam).

Luôn tư duy đổi mới cách dạy

Quá trình công tác, anh đã trải qua những thử thách ra sao và có thành tích gì?

- Sau khi thi đậu công chức, tháng 10/ 2001, thầy giáo trẻ này được phân công về trường tiểu học - THCS xã Đăk Choong huyện Đăk Glei.

Sau hai năm bám bản, tôi được luân chuyển công tác về giảng dạy tại trường TH-THCS xã Đăk Môn huyện Đăk Glei, được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao phó nhiệm vụ tổng phụ trách đội.

Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, lại không có điện thoại thông minh nên khi có gì không hiểu, tôi phải đi 30km lên phòng giáo dục và huyện đoàn để hỏi.

Mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy trong suốt gần 2 năm, tôi đã có thể quen dần với công việc, tự tìm tòi, học hỏi để các học sinh có môi trường học tập tốt.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được địa phương tổ chức hiệu quả, giúp đời sống giáo viên bớt đi khó khăn, yên tâm giảng dạy.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi nhiều năm liền được nhận giấy khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến…

Liên đội mà tôi dẫn dắt đã trở thành đội mạnh cấp huyện, trong các năm học 2008-2018 liên tiếp là đội mạnh của tỉnh; được Ban thường vụ tỉnh đoàn Kon Tum tặng bằng khen liên đội có thành tích xuất sắc trong công tác đội và phong trào thiếu nhi.

Từ năm học 2019-2021, đơn vị của tôi công tác liên tục là liên đội dẫn đầu toàn huyện về triển khai thực hiện phong trào công tác đội và phong trào thiếu nhi.

Trải qua nhiều lần luân chuyển, tháng 8/2021, tôi được UBND huyện Đăk Glei điều động vào công tác tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Đăk Long.

Đánh giá cao những thành tích mà thầy đạt được trước đó lãnh đạo nhà trường tiếp tục phân công tôi làm tổng phụ trách đội.

Tại đây, tôi đã đưa liên đội 2 năm liền dẫn đầu toàn huyện khối THCS về triển khai thực hiện công tác đội và phong trào thiếu nhi.

Thầy giáo hơn 20 năm cõng chữ lên Tây Nguyên - 3

Học sinh miền núi cần được thầy cô hướng dẫn kỹ càng tại lớp (Ảnh: Giang Nam).

Anh đã có những sáng kiến, cách làm đổi mới ra sao trong giảng dạy?

- Học sinh miền núi ở bản vừa tiếp thu chậm, về nhà các em ít học bài nên để học sinh tiếp thu tốt, ở lớp thầy cô phải hướng dẫn kỹ càng, tất cả các bài tập các em làm theo phiếu học tập tại lớp.

Đối với môn địa lý, cũng như một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, quan trọng giáo viên phải tạo không khí học tập tích cực cho các em.

Trong tiết học, tôi sẽ lồng ghép các trò chơi mang tính giáo dục vào bài học để các em học sinh hứng thú, dễ ghi nhớ. Các nội dung trò chơi được soạn trên giáo án điện tử cho học sinh thực hiện trên ti vi của lớp học.

Xin cảm ơn thầy đã chia sẻ.

Nhân dịp 20/11 năm nay, thầy Nam vinh dự là một trong 58 thầy cô giáo được vinh danh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023.

Tấm gương điểm hình của thầy giáo Nguyễn Giang Nam cũng chính là minh chứng rõ nét cho sự thành công của dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.