Thầy và trò quá tải là do chương trình

(Dân trí) - Sáng 18/5, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo về đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của lãnh đạo Sở GD-ĐT của 64 tỉnh thành, Hội khuyến học Việt Nam; Hội Cựu giáo chức Việt Nam;…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc hội thảo này.

Hội thảo được tổ chức sau khi Bộ GD-ĐT đã thu thập và tổng hợp hơn 20.000 ý kiến đóng góp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở 64 tỉnh/ thành phố và một số tổ chức xã hội về chương trình, sách giáo khoa (SGK).

Chương trình giáo dục còn nhiều bất cập

Theo Bộ GD-ĐT thì đánh giá chương trình là cần phải xác định tổng thể về sự đáp ứng của chương trình đối với mục tiêu giáo dục; sự phù hợp của chương trình đối với trình độ chuyên môn của giáo viên và trình độ nhận thức của học sinh; tính hiệu quả của chương trình trong quá trình giáo dục và sự phù hợp của chương trình giáo dục đối với hiêu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục.

Do đó, việc đánh giá chương trình giáo dục là một việc làm hết sức phức tạp, công phu và đòi hỏi nhiều thời gian. Do hạn chế về thời gian và các điều kiện thực hiện, nên trong hội nghị lần này chủ yếu đánh giá văn bản chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình các cấp học, các môn học thể hiện ở Mức độ quán triệt mục tiêu giáo dục; Mức độ đảm bảo tính khoa học và sư phạm; Mức độ đảm bảo tính khả thi, tính phù hợp với thực tiễn.

Theo ý kiến đánh giá của Hội cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam thì chương trình các cấp học, môn học đã bám sát được mục tiêu giáo dục của từng cấp quy định tại Luật giáo dục. Tuy nhiên, chương trình hiện nay chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người” còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng về việc hình thành nhân cách.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, hiện nay chương trình giáo dục đã đảm bảo tính khoa học và sư phạm. Tuy nhiên phía bên trong nó còn biểu hiện nhiều hạn chế như chương trình một số môn học còn tương đối nặng, hàn lâm với phần đông học sinh như Ngữ văn, Ngoại ngữ, sinh học, Vật lý, Nghề phổ thông cấp trung học. Một số nội dung ở chương trình một số môn học chưa thực sự cơ bản, làm cho khối lượng kiến thức gia tăng quá mức.

Bên cạnh đó có hiện tượng trùng lặp nội dung ở chương trình một số môn học, như: Đạo đức và Tiếng Việt; Sinh học và Công nghệ…Nội dung của các môn học có quan hệ mật thiết với nhau chưa thực sự hỗ trợ cho nhau.

Ví dụ: Môn Vật lý phải sử dụng những kiến thức mà tại thời điểm đó môn Toán học sinh chưa được học.

Là người trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, trực tiếp triển khai chương trình, nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT đánh giá: Chương trình còn quy định cứng, không có độ mở cần thiết để giáo viên có thể vận dụng linh hoạt, phù hợp với việc giảng dạy đối với các vùng miền trình độ phát triển KT-XH và trình độ phát triển giáo dục khác nhau.

Sự phân bổ không hợp lý làm cả thầy và trò đều “quá tải”?

Nhiều ý kiến nhận định hiện nay chương trình đã cụ thể tổng số tiết năm học, số tiết/ tuần đối với mỗi môn học bắt buộc, tự chọn và mỗi hoạt động giáo dục. Toàn bộ kế hoạch giáo dục được thực hiện bởi phân phối chương trình khung, trong đó chỉ quy định cứng về số tiết từng học kì, từng chương đối với từng môn học và từng hoạt động giáo dục. Chính điều này đã tạo điều kiện cho nhà trường chỉ đạo triển khai kế hoạch giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với cơ sở vật chất, đội ngũ và trình độ nhận thức của học sinh trường mình.

Tuy nhiên mặt trái của chương trình hiện nay là phân bổ không hợp lý, chưa phù hợp với những giáo viên chưa được đào tạo chính quy và giảng dạy chưa đúng với chuyên ngành đào tạo.
 
Thầy và trò quá tải là do chương trình  - 1
Nhiều đại biểu tận dùng giờ giải lao lên gửi ý kiến đóng
góp cho Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

Khá gay gắt với việc phân bố chương trình giảng dạy, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam bày tỏ bất bình:

“Trong điều kiện hiện nay thì hầu hết các trường THPT đều học 1 buổi/ngày nên các khối lớp, các ban đều thực hiện trên 30 tiết/tuần, thậm chí có học kì lên tới 33 tiết /tuần, do đó nhà trường phải bố trí học trên 6 buổi/tuần thì mới hoàn thành chương trình. Các hoạt động chuyên môn, hoạt động đoàn thể đều phải sắp xếp vào chủ nhật; giáo viên hầu như không được hưởng chế độ nghỉ lễ vì phải dạy bù để hoàn tất chương trình. Điều này dẫn đến hiện tượng “quá tải” đối với cả nhà trường, giáo viên và học sinh”.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên đòi hỏi học sinh Tiểu học phải học quá nhiều môn như quy định của chương trình, chỉ nên tập trung học Tiếng Việt và Toán, các môn còn lại nên tích hợp lại thành ít môn hơn.

Đại diện của Hội giáo chức Việt Nam không ngần ngại chỉ ra: “Hiện nay một học sinh tiểu học phải đọc khoảng 1.500 trang kiến thức, số lượng này còn vượt hơn cả mức khi sinh viên học ĐH”.

Trong khi đó Hội khuyến học Việt Nam còn nhận định: Việc phân bổ thời lượng giữa các môn học cũng như giữa các cấp học hoặc các nội dung trong cùng một môn học chưa hợp lý. Một số môn học có số tiết tương đối nhiều so với nhu cầu học tập của học sinh như Công nghệ, hướng nghiệp… khiến cho một số môn học quá ít tiết như Toán , Vật lý, Sinh học…

Sự bất hợp lý trong việc phân bố chương trình còn được các đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đang triển khai trực tiếp chương trình chỉ ra: “ Kế hoạch giáo dục là 35 tuần/năm học, Bộ GD-ĐT lại quy định cuối tháng 5 thi tốt nghiệp, điều này đã gây nhiều khó khăn cho nhà trường trong việc vừa đảm bảo dạy đủ nội dung chương trình, vừa kịp tổng kết năm học và tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 và tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT.

Kết luận về đánh giá chương trình giáo dục, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “ Chúng ta cần phải làm rõ sự quá tải hiện nay là do đâu, lỗi có phải hoàn toàn do chương trình hay không. Nếu phát hiện ra sai sót thì cái nào chỉnh sửa được thì sửa lại ngay trước khi bước vào năm học mới. Cái gì khó quá thì phải chỉnh sửa dần dần. Thực tế cho thấy là có thể ổn định chương trình, SGK trong vòng 8-10 năm tới”

Nguyễn Hùng
 
* Bài tiếp: Đừng phủi “sạch trơn” giá trị của SGK hiện nay