Thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường 3 ngành học

(Dân trí) -Bộ GD-ĐT vừa phê duyệt 3 chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường trung cấp chuyên nghiệp các ngành Du lịch, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin để thí điểm giảng dạy trong các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, trong quá trình toàn cầu hóa, tiếng Anh được xem như một ngôn ngữ giao tiếp thông dụng nhất đặc biệt hữu ích phục vụ cho việc trao đổi kinh tế, văn hoá… trên toàn thế giới, do đó việc dạy và học tiếng Anh đã và đang được đặc biệt chú trọng ở tất cả các bậc học. Theo thống kê của "Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020", tỉ lệ học sinh học ngoại ngữ đã tăng đáng kể từ 76,8% năm 2002 lên 85,4% năm 2003. Tiếng Anh là môn học bắt buộc ở hầu hết các trường. Riêng tại các các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), học sinh tham gia học tiếng Anh chiếm 99,4%. Chương trình ngoại ngữ được xây dựng trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT ban hành, với số tiết quy định từ 60 tiết đến 210 tiết tùy theo hệ tuyển và thời gian đào tạo.

Tuy nhiên, chương trình chỉ đáp ứng được một số mục đích cơ bản như trang bị kiến thức ngữ pháp, đọc tài liệu chuyên môn ở cấp độ đơn giản, đáp ứng yêu cầu thi tuyển công chức.

Việc giảng dạy môn tiếng Anh ở các các cơ sở đào tạo phần lớn còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng không đồng đều, khả năng giao tiếp của học sinh còn rất nhiều hạn chế. Thực trạng này là khá phổ biến đối với các các cơ sở đào tạo TCCN. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho học sinh TCCN là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với học sinh 3 ngành học trên.

Đưa ra thí điểm trêm Bộ GD-ĐT đã khảo sát tình hình dạy - học ở trường TCCN. Theo đó, dạy học trên lớp còn mang nặng tính lý thuyết và ít chú trọng vào nhu cầu thật của học sinh (58,6%); Giáo trình, tài liệu giảng dạy chưa phù hợp và chưa tạo ra hứng thú cho học sinh (64,5%); Cơ sở vật chất thiếu thốn chưa đáp ứng được các yêu cầu về dạy và học ngoại ngữ (31,3%); Hình thức kiểm tra cuối kỳ chỉ tập trung vào hai kỹ năng đọc-viết (64,6%); Giáo trình sử dụng hiện nay là English Know How 1English Know How Opener của Nhà xuất bản Oxford, xuất bản năm 2003. Với giáo trình này, việc đáp ứng nhu cầu giao tiếp cũng như khả năng tìm được việc làm cao sau khi tốt nghiệp trong thời lượng 90 tiết thì điều không thể thực hiện được...

Với chương trình thí điểm này, Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình gồm 2 phần: tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành Bậc 1 lên Bậc 2 và Bậc 2 lên Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam do Bộ GD-ĐT ban hành.

Hồng Hạnh