Thí sinh lo lắng vì những mốc lịch sử khác nhau

(Dân trí) - Bản tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của Pháp chính thức ra đời vào ngày nào? Ngày Bác Hồ từ Việt Bắc về Thủ đô là ngày bao nhiêu? Đây là thắc mắc của các sĩ tử gửi về Dân trí khi mà SGK Văn học lớp 12 chưa có sự giải thích rõ ràng, hoặc so với một số sách lịch sử chính thống thì không nhất quán quan điểm.

Sự thật về bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp?  

Bài “Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo mà sách Văn học lớp 12 đăng tải có đoạn viết “Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791” . 

Với việc không có sự giải thích rõ ràng về mốc lịch sử này nên đã làm cho nhiều học sinh nghĩ tới sự kiện “Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 của Pháp” nên đã đặt ra dấu chấm hỏi hoài nghi. 

Bách khoa toàn thư Việt Nam có nêu rõ:

“Văn kiện lịch sử về quyền con người và quyền công dân của nước Pháp cách mạng trong cuộc Cách mạng Pháp 1789. Công bố ngày 26.8.1789 trong phiên họp của Quốc hội Pháp, sau khi lật đổ nền quân chủ chuyên chế (14.7.1789). Gồm 17 điều khoản. Tuyên ngôn khẳng định, quyền tự do bình đẳng của con người, chủ quyền thuộc về nhân dân, quyền lực của nhà vua cùng chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị bãi bỏ, xác nhận quyền sở hữu tài sản tư nhân, quyền tự do dân chủ, vv. Các nội dung cơ bản của tuyên ngôn thấm nhuần tư tưởng cách mạng của các nhà triết học “Khai sáng” Pháp thế kỉ 18, phản ánh ý chí và nguyện vọng của cộng đồng nhân dân Pháp hồi đó và là bước cụ thể hoá các ý tưởng của khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.

(Theo từ điển Bách khoa toàn thư: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn)

Giải thích về vấn đề  này, nhà Sử học Dương Trung Quốc có cuộc trao đổi với Dân trí và giải thích vấn đề đó như sau:

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Cơ, Phó trưởng khoa Lịch Sử trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi thí sinh làm bài thi cần phải ghi chính xác về các mốc lịch sử.

 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Cơ cũng cho hay: Cách mạng Pháp bắt đầu nổ ra vào năm 1789 nhưng “Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp” ra đời vào năm 1791. Trong bản “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chính xác mốc thời thời gian này.

 

Về việc Bác từ chiến khu cách mạng Việt Bắc trở về Thủ đô thì phải lấy mốc là ngày 25/8/1945.  Mốc thời gian này đã được nhiều sách Lịch sử ghi nhận.

“Năm 1789, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền nước Pháp mới chỉ là văn kiện được Quốc hội Pháp thông qua. Phải đến năm 1791, văn kiện này mới được công bố rộng rãi và bắt đầu có hiệu lực. Chính vì thế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ “Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền cách mạng Pháp năm 1791” là hoàn toàn chính xác”.  

Bác Hồ từ Việt Bắc về Thủ đô vào ngày nào?   

Cũng trong bài “Tuyên ngôn độc lập” ở sách Văn học lớp 12 trong phần tiểu dẫn có đoạn viết “Ngày 26/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội”.

Với cách dùng “từ chiến khu Việt Bắc” đã làm cho nhiều học sinh ngầm hiểu vào ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ Việt Bắc trở về Hà Nội.

Tuy nhiên, theo một số tư liệu viết về lịch sử Việt Nam thì ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về Hà Nội là ngày 25/8/1945 và đến chiều ngày 26/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt tại số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội và Người bắt đầu soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.  

Giải thích về vấn đề này, Dân trí đã trao đổi với các cán bộ phụ trách nghiên cứu Bách khoa toàn thư của Việt Nam thì được cho hay:

“Về mốc lịch sử này cũng chưa có nguồn tin nào khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu rời chiến khu Cách mạng Việt Bắc từ khi nào, vì do thời khắc chiến tranh nên việc đi lại là rất bí mật để đảm bảo an toàn cho Bác. Tuy nhiên có một điều chính xác đó là chiều ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt ở số nhà 48 Hàng Ngang. Có thể trước đó Bác đã có mặt ở các huyện ngoại thành của Hà Nội” .

Với những thông tin nêu trên, Dân trí hi vọng có thể đáp ứng được phần nào thắc mắc của các bạn thí sinh.

Tuy nhiên, cũng đến lúc sách giáo khoa cần có những sự giải thích rõ ràng về các mốc lịch sử khi mà giới trẻ Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến môn học này.

Nguyễn Hùng