Thiếu tiền đóng học phí, phụ huynh phải viết... giấy khất nợ

(Dân trí) - Không những trường đề ra hàng chục khoản thu vô lý, các vấn đề thu - chi của trường rất mập mờ. Lãnh đạo nhà trường còn yêu cầu phụ huynh nào không đóng đủ tiền học, phải viết giấy khất nợ có thời hạn số tiền học phí mới được nhận học sinh vào lớp.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/de-xuat-xay-nha-ve-sinh-2-ty-dong-phu-huynh-phan-phao-946921.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Đề xuất xây nhà vệ sinh 2 tỷ đồng: Phụ huynh “phản pháo”</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/am-anh-cac-khoan-thu-ho-dau-nam-hoc-946325.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Ám ảnh các khoản “thu hộ” đầu năm học</b></a>

Vụ việc xảy ra tại Trường THCS và THPT Lê Duẩn (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông). Từ khi đi vào hoạt động từ năm học 2012 - 2013, trường liên tiếp gặp phải sự phản đối từ phía phụ huynh liên quan đến các hoạt động thu chi tài chính thiếu công khai minh bạch của nhà trường.

Thiếu tiền đóng học phí, phụ huynh phải viết... giấy khất nợ
Trường THCS và THPT Lê Duẩn (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) gặp phải sự phản ánh của phụ huynh về các khoản thu - chi.

Chưa nhận đủ tiền đóng học, nhà trường buộc phụ huynh... viết giấy khất nợ

Vào đầu năm học 2013 - 2014, Trường THCS và THPT Lê Duẩn ra thông báo mức thu trên 2,5 triệu đồng/học sinh và phải nộp cùng một lượt vào đầu nghỉ hè, vì địa phương là vùng khó khăn, thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh nên nhiều phụ huynh không có tiền đóng. Lúc này, phía lãnh đạo nhà trường đã đề ra phương án “lạ lùng” nếu không đóng đủ tiền thì viết giấy khất nợ đến thời gian nào sẽ nộp hết, nhưng vẫn phải nộp trước một khoản.
 
Giấy vào lớp nêu các khoản thu phải đóng của nhà trường.
Giấy vào lớp nêu các khoản thu phải đóng của nhà trường.

Việc làm này của ông hiệu trưởng Lê Đức Ánh không chỉ gây bất bình cho phụ huynh mà cả giáo viên (GV) cũng lên tiếng. Nhiều GV cho biết “chưa từng thấy cách điều hành trường nào lạ lùng như thầy hiệu trưởng này”, vấn đề viết giấy khất nợ, các giáo viên cho biết tuy không đồng tình nhưng buộc phải làm theo chỉ đạo cấp trên.

Các GV cho biết, hiệu trưởng luôn thông báo thu tiền bắt đầu vào kỳ nghỉ hè và thu toàn trường, ai không có tiền đóng hết thì viết giấy xin khất vào thời gian khác đóng.

“Trước khi thu, thầy cũng ra thông báo với tổ thu tiền, cho biết học sinh phải nộp các khoản mới có giấy vào lớp. Ngoài ra, chúng tôi biết nếu ai không có tiền thì viết giấy khất nợ, nộp cho thầy hiệu trưởng giữ “làm tin” rồi thầy có “ký nháy” vào góc trên của tờ giấy vào lớp để các giáo viên biết đường thu các khoản còn lại”, một GV (xin giấu tên) phản ánh.

GV này cho biết, năm học vừa qua có tới khoảng 500 - 600 giấy khất nợ do phụ huynh phải viết.
 
Giấy khất nợ học phí phụ huynh viết để con được đến trường
Giấy khất nợ học phí phụ huynh viết để con được đến trường.

Trước vấn đề đề ra việc viết giấy khất nợ học phí, hiệu trưởng Ánh cho rằng: Việc này xảy ra này từ năm trước, và do các thầy cô thu tiền làm chưa đúng “vấn đề khất nợ thì vì anh em (tức thầy cô giáo) làm không đúng, vì đợt đó tôi đi học không có nhà, nên phụ huynh chưa có thì viết đơn để thời gian khác nộp, phụ huynh tự viết chứ không theo văn bản nào cả, năm nay thì không xảy ra nữa”, ông Ánh nói.

“Gồng mình” đóng hàng chục khoản phí cho con đi học

Bức xúc những vấn đề liên quan tới trường, nhiều phụ huynh đã làm đơn tố cáo lên các cơ quan chính quyền mong được xem xét giải quyết. Theo phản ánh của phụ huynh, tuy mới hoạt động được hơn 2 năm nhưng nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng số tiền quá cao, trong đó có những khoản mà nhiều phụ huynh cho biết “thu không biết để làm gì?” trên tổng số thu hơn 1.000 học sinh tại trường.

Cụ thể, phía ban lãnh đạo nhà trường đã đề xuất mỗi năm đóng 1 mức giá khác nhau (đóng 1.250.000 đồng/HS năm học 2012 - 2013 và 2.490.000 đồng đến 2.620.000 đồng/HS khối THCS và THPT trong năm học 2013 - 2014). Nhà trường thu ngay từ khi học sinh bắt đầu nghỉ hè, chưa qua họp phụ huynh đã tiến hành thu cho năm học mới, khiến phụ huynh không khỏi hoài nghi về số tiền phải đóng.

Ông Nguyễn Anh Đức - Ban chấp hành Hội Cha mẹ Học sinh cho biết: Hiện tôi có 2 con đang theo học tại trường, nhưng cứ vào đầu hè là thầy phát phiếu để thu tiền, phụ huynh có thắc mắc sao lại thu nhiều khoản mà lại thu một lúc vào đầu kỳ nghỉ hè, nhưng phía nhà trường vẫn tiếp tục thu mà không giải đáp thắc mắc “tất cả các khoản thu, thầy hiệu trưởng thông báo thu cùng một lượt tất cả các khối, các khoản này đều bắt buộc phải đóng, có nhiều khoản chúng tôi biết thu để làm gì, nhưng nhà trường vẫn thu mà không có thông báo thu chi rõ ràng đến Hội Phụ huynh”, ông Đức bức xúc nói.

Có hàng chục khoản thu “bất hợp lý” dẫn đến việc phụ huynh không đồng tình như: tiền lao công, photo giấy thi, loa đài, cây cảnh, bảo trì máy photo,tiền phụ đạo, quỹ hội, quỹ hoạt động dạy và học, sổ liên lạc điện tử… (có giá từ 10.000 đồng - 250.000 đồng).

Ông Nguyễn Đức Tám - nguyên hội phó Hội Phụ huynh cho biết: “Trong hàng chục khoản thu, thì khoản thu tôi bức xúc là khoản bảo trì máy photo, trong khi nhà trường đã yêu cầu học sinh nộp tiền giấy photo với giá 70.000 đồng/học sinh đã cao, còn thu bảo trì máy móc thì tôi không đồng tình”.
 
Phụ huynh trao đổi với phóng viên
Phụ huynh trao đổi với phóng viên bức xúc về khoản thu.

Nhiều khoản thu vô lý

Trong nhiều khoản thu vô lý, nhiều phụ huynh cho biết khoản quỹ hội và quỹ hoạt động dạy và học mà nhà trường tự ý thu và tự ý chi không hề thông qua phụ huynh là sai nguyên tắc. Ông Đức cho biết về thời gian 2 năm ông làm Hội trưởng Hội Cha mẹ Học sinh: “Nhà trường tiến hành thu 2 loại quỹ tổng cộng là 300.000 đồng/học sinh, đáng lý những khoản này là do Hội chúng tôi giữ để chi, nhưng nhà trường lại tự quản tự chi tất cả, có nhiều khoản rất vô lý, nên chúng tôi hoàn toàn không đồng tình”.

Nhiều khoản phía hội thắc mắc như chi tiền điện 10 triệu đồng (trong khi đầu năm học sinh đã thu khoản tiền điện riêng); cơm khai giảng đầu năm học 9 triệu đồng; tổng kết năm học 2013 - 2014 chi đến 70 triệu đồng…

Trả lời PV trước những bức xúc của phụ huynh về khoản Hội phí, ông hiệu trưởng Lê Đức Ánh cho biết: Những khoản hội phí, nhà trường chỉ “giữ dùm tiền của Hội Phụ huynh”, còn phụ huynh chi và ký duyệt chi các khoản.

Trái lại, phía Ban chấp hành Hội Cha mẹ Học sinh lại cho rằng phía nhà trường thu - chi tất cả rồi mới cho Hội ký duyệt.

“Cuối năm thầy bảo tôi ký vào các biên bản chi tiền đó, tôi có thắc mắc nhiều khoản vô lý trong danh sách thì các thầy bảo “nếu không ký thì có người khác ký” và sẽ cung cấp hóa đơn chi tiền, nên tôi buộc ký. Nhưng ký rồi vẫn không hề có hóa đơn, tôi có yêu cầu nhà trường cho tôi xin bản báo cáo để tôi báo lại với các phụ huynh thì không được đồng ý”, ông Đức bất bình. 

Phải mua đồng phục mới được nhận hồ sơ nhập học?

Bên cạnh những phản ánh từ phụ huynh đã có con theo học tại trường, thì cũng có không ít phụ huynh vừa cho con vào học Trường THCS và THPT Lê Duẩn cũng “lắc đầu” trước quy định phải mua đồng phục mới phát hồ sơ vào trường. Trong đó giá mỗi bộ đồng phục trong năm học 2014 - 2015 có giá từ 410.000 đồng - 675.000 đồng.

Ông Phan Thế Huyến (thôn 1B, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) có con vừa chuyển cấp vào học tại trường cho biết: “Tôi đến trường mua hồ sơ tuyển sinh thì nhà trường kèm theo phiếu mua đồng phục, và buộc phải đóng tiền đồng phục mới nhận hồ sơ, tôi thắc mắc thì nhận được trả lời đây là quy định của nhà trường, vì con cái nó nài nỉ nhiều nên tôi cũng phải đóng”.

Trước vấn đề này, hiệu trưởng Ánh cho biết không có tình trạng mua đồng phục mới phát hồ sơ “khi hồ sơ tuyển đầu vào, không bắt buộc mua đồng phục, nhà trường ra thông báo mua thì để báo nhà may tiến hành may, và phụ huynh có thể tự may cho con em mình”.

Trước đó, vào tháng 8/2013, Sở GD-ĐT Đắk Nông đã thành lập Đoàn Thanh tra để Thanh tra các khoản thu đầu năm học 2013 - 2014 và tổ chức dạy thêm, học thêm tại Trường THCS và THPT Lê Duẩn.

Theo kết luận thanh tra số 1392/KL-SGDĐT của Sở GD-ĐT Đắk Nông đã nêu rõ tổng các khoản thu năm học 2013 - 2014 là 395.321.000 đồng; tổng thu năm 2012 - 2013 là 617.519.000 đồng (đã chi 463.180.384 đồng, chưa chi 154.483.616 đồng).

Trong đó đã phê bình ông Lê Đức Ánh - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Duẩn không bám sát các quy định, văn bản của Nhà nước, tùy tiện, quy định mức thu và thông báo các khoản thu đầu năm học 2013 -2014 gây những dư luận không tốt về ngành giáo dục. Phê bình việc quản lý thu chi của ban đại diện hội cha mẹ học sinh năm học 2012 - 2013 và phê bình tập thể lãnh đạo, kế toán nhà trường trong việc quản lý, dạy thêm của nhà trường năm học 2012 - 2013.

Được biết mới đầu vào năm học 2014 - 2015, Trường THCS và THPT Lê Duẩn đã tổ chức việc họp phụ huynh học sinh đầu năm và cũng thông báo những khoản thu, nhưng theo phản ánh từ phụ huynh họ vẫn chưa thuyết phục.
 
Ông Lê Đức Ánh - Hiệu trưởng nhà trường lý giải vụ việc
Ông Lê Đức Ánh - Hiệu trưởng nhà trường lý giải vụ việc.

Về việc thanh tra của Sở GD-ĐT Đắk Nông, ông Ánh cho biết: Các khoản thu không phù hợp Sở đã tiến hành thanh tra và nhà trường đã khắc phục. Năm học mới này nhà trường chưa thu, đang dự thảo một số khoản và sẽ tiến hành theo đa số đồng ý sẽ tiến hành thu như: Sổ liên lạc điện tử, giấy thi, quỹ hội, lao công và học thêm tự nguyện…

“Năm nay trường cứ theo thông tư điều lệ mà làm, thu thì phụ huynh thu, xin phụ huynh cho thì làm” - ông Ánh khẳng định.

Trao đổi với PV, ông Ngô Anh Sáng - Phó Chủ tịch xã Quảng Sơn cho biết: Xã cũng nhiều lần nhận được phản ánh thu chi của nhà trường từ phía phụ huynh học sinh và cũng có những buổi làm việc cùng lãnh đạo nhà trường.

 “Qua làm việc thì hiệu trưởng nhà trường cũng hứa sửa chữa và vì mong muốn nâng chất lượng trường trường lên tầm cao mới nên mới thu vậy. Bản thân tôi cũng có 3 người con đang học tại trường này, tôi cũng thấy cũng có nhiều khoản không cần thiết thì nên bỏ, cái chính là cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục lên trước hết, sự phát triển cũng cần vận dụng đúng với điều kiện của từng địa phương. Phía xã cũng yêu cầu nhà trường thu chi để dân hiểu và phải rõ ràng, không gây hiểu lầm”, ông Sáng nêu rõ.

Được biết xã Quảng Sơn có 50% dân là đồng bào dân tộc thiểu số, là vùng được hưởng chế độ 135 của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 32%, đa phần người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, là một trong những xã khó khăn của huyện Đắk Glong.

Trương Nguyễn