Thứ trưởng Bộ Giáo dục: "Phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng"

Huyên Nguyễn Hoàng Hồng

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói: "Điểm yếu lớn nhất của tuyển sinh là giữa các phương thức tuyển sinh còn chưa đảm bảo sự công bằng nhất định".

Thứ trưởng yêu cầu sự công bằng trong tuyển sinh

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024 của khối giáo dục đại học, điều khiến Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trăn trở nhất về tuyển sinh trong những năm qua là sự công bằng.

Ông chia sẻ: "Điểm yếu lớn nhất của tuyển sinh năm 2023 vừa rồi và những năm qua là giữa các phương thức tuyển sinh còn chưa đảm bảo sự công bằng nhất định. Nhiều thí sinh được xét tuyển trúng tuyển sớm có lẽ dễ dãi hơn so với các thí sinh được trúng tuyển theo kết quả thi sau này", ông Sơn nói.

Qua đó, ông Sơn yêu cầu các trường tiếp tục hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2024, phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) khai thác dữ liệu tuyển sinh hai năm qua cùng với kết quả học tập của sinh viên đã vào trường để đánh giá việc các đơn vị đưa ra phương thức tuyển sinh, tổ hợp tuyển sinh đã phù hợp chưa.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học hôm 26/8 tại TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Cần đánh giá những người học tuyển sinh bằng phương thức khác nhau đó đã đảm bảo công bằng hay chưa để chúng ta xây dựng phương án khắc phục".

Theo ông Sơn, các cơ sở giáo dục phải đánh giá phân tích kết quả đầu vào và kết quả học tập để từ đó có kết quả thuyết phục. Quy chế nói rất rõ các cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm giải trình về việc đưa ra yêu cầu cho phương thức tuyển sinh.

Từ đó, cơ sở giáo dục từng bước chuẩn bị phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, theo hướng tiếp tục hoàn thiện, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tăng cường hợp tác trên một nền tảng chung.

Qua hàng loạt sự việc như: Thủ khoa trượt nguyện vọng 1 hay điểm chuẩn thi tốt nghiệp cao bất thường, vênh cao so với điểm xét tuyển sớm... bộc lộ rõ hiện tượng một số cơ sở đào tạo sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh với mục đích tăng khả năng tuyển được, chủ động thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng và sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Phụ huynh của sinh viên IT1 cũng thấy bất ổn

Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng - 2

Phụ huynh, thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh tại Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Báo Dân trí đăng tải loạt bài phân tích những bất cập trong tuyển sinh đại học năm 2023. Từ vụ việc hai thủ khoa khối A00 trượt nguyện vọng 1 vào ngành khoa học máy tính (IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) đến việc nhiều trường không phân định rõ ràng chỉ tiêu tuyển sinh của các phương thức phần nào cho thấy sự mất cân bằng và có thể ảnh hưởng tới kết quả xét tuyển.

Trong vụ thủ khoa trượt đại học, với cách tính điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội, đặt giả thuyết hơn 1 triệu thí sinh cả nước (giả dụ tất cả được cộng tối đa điểm khu vực 0,75 và điểm quy đổi tiếng Anh 10) đều nộp nguyện vọng vào ngành IT1 thì chỉ có 27 thí sinh có khả năng trúng tuyển. Một con số khiến nhiều người "ngã ngửa".  

Dù tính điểm theo cách nào (tính điểm thực hay cộng tối đa ưu tiên, điểm theo 3 môn hay công thức riêng của HUST), hai thủ khoa A00 trượt nguyện vọng 1 vẫn nằm trong top 10 thí sinh điểm cao nhất nhưng... vẫn trượt.

Qua đó cho thấy, Đại học Bách khoa Hà Nội phần lớn đã hoàn tất 300 chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức thi đánh giá năng lực và xét tuyển tài năng nên không còn nhiều cơ hội cho thí sinh đăng ký bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đáng nói, theo quy chế của Bộ GD&ĐT, đại học được phép tự đặt ra "luật chơi riêng" nhưng phải tuân thủ quy định cứng của quy chế tuyển sinh.

Các trường phải công bố chi tiết chỉ tiêu của từng phương thức và có phương án để không xảy ra tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng không trúng tuyển do cơ sở đào tạo đã tuyển đủ... Nhưng, Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn để xảy ra tình trạng này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng - 3

Danh sách top thí sinh có điểm cao nhất khối A00 xét theo cách tính điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội, dù tính cách nào cũng chỉ có nhiều nhất 3 thí sinh có thể trúng tuyển. Trong đó có ít nhất 1 thí sinh chắc chắn đã trúng tuyển đánh giá tư duy (Thống kê: Hoàng Hồng - Huyên Nguyễn).

Qua rà soát, không chỉ riêng Đại học Bách khoa Hà Nội mà một số trường đại học cũng trong tình trạng tương tự.

Mặt khác, nhìn tổng thể bức tranh tuyển sinh, đa phần các trường đại học vẫn đang tuân thủ quy chế doBộ GD&ĐT đặt ra. Đáng nói, các trường top đầu có sức cạnh tranh cao không kém cạnh Đại học Bách khoa Hà Nội như Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội... vẫn công bố chi tiết tới từng phương án, từng chỉ tiêu.

Một phụ huynh có con học ngành IT1 của Đại học Bách khoa Hà Nội gửi một tâm sự dài tới báo Dân trí sau khi theo dõi loạt bài phản ánh những bất cập trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh của đại học này. 

Phụ huynh cho biết, bản thân là giáo viên bậc trung học phổ thông, cũng là phụ huynh HUST nhưng với anh, phương thức xét tuyển của trường như ma trận.

"Tôi làm trong ngành giáo dục mấy chục năm qua, rất quan tâm tới tuyển sinh còn khó hiểu. Vậy thì nhiều cháu học sinh, phụ huynh khác làm sao hiểu được để ôn tập đúng hướng và đăng ký cho phù hợp?

Để tìm hiểu cho con, tôi đã vô cùng vất vả. Mặc dù cháu đã trúng tuyển, nhưng tôi cho rằng, với cách tuyển sinh này, chưa hẳn những bạn trượt là không xuất sắc", phụ huynh này cho biết.

Vị phụ huynh này cũng từng có những học sinh là thủ khoa, á khoa toàn quốc, có những học sinh xuất sắc giành giải cao ở các kỳ thi và cũng có con đỗ vào ngành được cho là "VIP" nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định:

"Mỗi phương thức tuyển sinh đều có sự ưu việt riêng nhưng chắc chắn thủ khoa khối A của kỳ thi THPT quốc gia trước đây hay bây giờ là kỳ thi tốt nghiệp THPT là một thành tích vô cùng xuất sắc, rất đáng trân trọng, không thể đùa được.

Tôi dạy học và có con thi đại học nên tôi biết. Nếu HUST dành chỉ tiêu phù hợp, các cháu sẽ không kém cạnh bạn bè", phụ huynh này chia sẻ.

Anh cho biết thông tin thủ khoa khối A00 của kỳ thi tốt nghiệp THPT trượt nguyện vọng 1 là sự "chấn động" với những giáo viên dạy phổ thông và ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, phụ huynh rất nhiều.

Không ít giáo viên chia sẻ rằng, nếu trường top đầu nào cũng "kỳ thị" kỳ thi tốt nghiệp THPT như vậy, chất lượng giáo dục phổ thông sẽ khó vực dậy.

"Xu hướng chung là học sinh sẽ đổ xô đi thi các kỳ thi đánh giá năng lực, tập trung theo hướng "luyện gà nòi" thay vì phát triển toàn diện, đúng với chương trình phổ thông nên có", nhà giáo này trăn trở. 

Giáo viên này cũng nêu thực trạng nhiều đơn vị khác cũng không công bố chỉ tiêu chi tiết khiến thầy cô cũng rất khó tư vấn cho học sinh. Ông mong năm sau đại học sẽ có thông tin rõ ràng để xã hội cùng nắm vì đây là quyền và nghĩa vụ các trường phải thực hiện khi được tự chủ. 

Nhận định về vấn đề này, GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - cảm thấy tiếc cho 2 thí sinh thủ khoa bởi những trường hợp này hội đồng tuyển sinh có thể đưa ra phương án phù hợp hơn.

Theo GS Đức, việc công khai, minh bạch chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển là cần thiết để xã hội có thể giám sát việc tuyển sinh. Nếu không công bố chỉ tiêu chi tiết từng ngành, từng phương thức, tổ hợp gây ra sự không minh bạch; có thể dẫn đến những tiêu cực trong tuyển sinh với những ngành "hot".

Đồng thời, khi một số trường dành quá nhiều chỉ tiêu cho một hoặc một số phương thức nào khác sẽ dẫn đến sự không công bằng trong xét tuyển giữa các nhóm thí sinh.

"Phổ biến hiện nay là trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương án xét học bạ và chứng chỉ ngoại ngữ, dành rất ít chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT, dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này cao vống lên bất thường", GS Đình Đức phân tích.

"Chính việc này đã gây thiệt thòi cho các thí sinh ở vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo, nơi điều kiện còn có khó khăn và chỉ có thể đăng ký xét tuyển theo kết quả THPT", GS Đức thẳng thắn bày tỏ.

Mặt khác, ông cũng nhấn mạnh việc tuyển sinh là tự chủ của các trường, song rất cần vai trò thẩm định, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GD&ĐT với công tác tuyển sinh.

Chính việc trên dẫn tới hiện tượng thí sinh có thể từ đỗ thành trượt chỉ trong "một nốt nhạc" và gây bất bình đẳng bởi "cuộc đua đại học tốp trên và thế khó của thí sinh nhà nghèo".

Còn người đứng đầu một trường đại học tại TPHCM thốt lên rằng: "Cách làm của HUST là "khôn lỏi", không những có thể gây bất lợi cho thí sinh mà còn không sòng phẳng với chính các trường khác. Việc HUST tạo cơ chế để có thể "vơ vét" hết sinh viên giỏi trước rồi mới nhả ra cho các trường khác sau là không "fair" (chơi đẹp) trong chính luật chơi được Bộ GD&ĐT đặt chung cho các trường".