Thừa Thiên - Huế:

Thừa hơn 200 giáo viên THCS sau khi sắp xếp lại lớp

(Dân trí) - Sau khi nhiều trường sắp xếp lại số học sinh trên lớp theo quy định mới của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm dư thừa ra hơn 200 giáo viên bậc THCS, gây nhiều lo lắng cho giáo viên.

Theo ý kiến chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế lần VI (diễn ra từ 10-12/12), từ đầu năm học 2014-2015 các trường đã sắp xếp lại số học sinh trên lớp, qua đó phát hiện thừa giáo viên ở bậc THCS rất nhiều với 234 người - đề nghị tỉnh cho biết tình hình cụ thể và giải pháp khắc phục tình trạng trên.

TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh trả lời trước thực tế nhiều trường từ tiểu học đến phổ thông trên địa bàn do có số học sinh ít rất nhiều so với quy định, có trường nhiều lớp chỉ 15 đến 20,25 học sinh/lớp. Nhằm hạn chế lãng phí về phòng học, thiếu phòng chức năng và lãng phí về đội ngũ nên từ đầu năm học này, thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh, các trường đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại lớp học.

Sau khi sắp xếp, số lớp của khối Tiểu học giảm 101 lớp, số lớp của khối THCS giảm 122 lớp. Tương ứng với số lớp giảm thì biên chế của giáo viên cũng phải giảm theo định mức quy định. Đến nay, bình quân chung đối với Tiểu học là 25,9 học sinh/lớp; THCS là 33,8 học sinh/lớp (đối với các huyện, thị xã). Từ sự sắp xếp này, số giáo viên THCS thừa khoảng 234 người.

Lý giải nguyên nhân của việc thừa giáo viên, ông Hùng cho hay sự phối hợp giữa quản lý ngành, quản lý lãnh thổ, quản lý chuyên môn của Sở GD-ĐT với quản lý nhân sự, tài chính của UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa được tốt trong một thời gian dài và chưa khắc phục được.

Thừa hơn 200 giáo viên THCS sau khi sắp xếp lại lớp

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lời về việc thừa ra quá nhiều giáo viên THCS sau khi sắp lại lớp đầu năm học này.

“Một điểm đáng chú ý là cách hiểu và triển khai thực hiện việc sắp xếp lớp chưa đúng. Do việc sắp lớp phải có lộ trình từng bước trong 4 đến 5 năm (từ nay đến năm 2018), mỗi năm học sẽ thực hiện đối với các lớp đầu cấp. Như vậy đến năm học 2018-2019 cơ bản số học sinh/lớp đạt mức quy định ở các cấp học. Với cách làm này thì biến động đối với đội ngũ giáo viên không lớn.

Trong quá trình thực hiện, một số đơn vị tiến hành sắp xếp đồng loạt đối với tất cả các khối lớp, số lớp giảm đồng loạt và kéo theo số giáo viên thừa, nhất là đối với cấp THCS khoảng 234 giáo viên” - ông Hùng nói.

Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra 10 giải pháp và đề nghị phải thực hiện đồng bộ cả 10 giải pháp này thì sẽ giải quyết được. Có một số giải pháp đáng chú ý như: Có kế hoạch chặt chẽ về tuyển mới giáo viên; Điều động một số giáo viên sang làm việc các Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; Cân đối để có thể điều động giáo viên các bộ môn như Tiếng Anh, Tin học, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật từ THCS sang dạy tiểu học; Tăng cường tổ chức lớp học 2 buổi/ngày của các cấp học để sử dụng số biên chế thừa; Bố trí giáo viên có biên chế tại 1 trường nhưng dạy liên trường; Giáo viên không đáp ứng năng lực sẽ được tinh giản; Tính toán kỹ việc giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, Tiểu học, THCS…
 

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VI đã có 49/52 đại biểu tham gia bỏ phiếu tín nhiệm 11 chức danh chủ chốt do HĐND tỉnh bầu. Kết quả, 4 chức danh có cùng số phiếu tín nhiệm cao cao nhất là ông Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh với 39 phiếu. Ông Trần Đình Phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất với 6 phiếu. Tiếp đến là ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh với 5 phiếu và ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính với 4 phiếu tín nhiệm thấp.

 
Đại Dương
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!