Thực hư nhà trường "ép" mua balo đồng phục nếu không sẽ bị cấm vào trường

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú (quận 6, TPHCM) xác nhận thông tin lan truyền về việc "ép" mua balo, đồng phục có liên quan tới đơn vị của mình. Tuy nhiên, ông phủ nhận các nội dung trên.

Thực hư nhà trường ép mua balo đồng phục nếu không sẽ bị cấm vào trường - 1

Học sinh Trường THPT Bình Phú mang balo đến trường (Ảnh: FBCLBTT).

Một tài khoản mạng xã hội vừa đăng tải đoạn clip phản ánh việc thu nhận hồ sơ và tổ chức nhập học cho học sinh lớp 10, trong đó có cuộc trao đổi giữa học sinh và một người hướng dẫn về việc mua đồng phục đầu năm học.

Trong cuộc trò chuyện, một giọng người nữ hướng dẫn học sinh mua các loại đồng phục và nói rõ không đeo balo đồng phục, bảo vệ không cho vào cổng trường.

Cũng trong clip, nữ học sinh bày tỏ nguyện vọng chỉ muốn mua thêm áo đồng phục vì đã có váy, nhân viên nói không được vì "đồng phục tính theo đơn vị bộ".

Nữ sinh này tiếp tục trình bày: "Tại nhà có mấy cái váy mới mua nữa sẽ bỏ uổng".

Lúc này, nhân viên đề nghị: "Bây giờ mày không đủ ấy thì mua 2 bộ sơ mi, 1 bộ thể dục trước đi".

Thực hư nhà trường ép mua balo đồng phục nếu không sẽ bị cấm vào trường - 2
Phiếu đăng ký đồng phục của Trường THPT Bình Phú được đăng tải lên mạng xã hội (Ảnh: MXH).

Đoạn clip được cho là quay tại Trường THPT Bình Phú - một trường công lập nằm trên địa bàn quận 6, TPHCM.

Không đề cập tới giá tiền của các món đồ, người đăng tải clip chỉ đưa ra thắc mắc liệu có nhất thiết phải đồng phục cả balo hay không và đồng phục có nhất thiết bắt buộc phải mua theo bộ hay có thể tách lẻ?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Nghĩa Nhân - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú - xác nhận đoạn clip trên phản ánh hoạt động tại trường này. Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng sự việc không hoàn toàn như phản ánh.

Theo Hiệu trưởng, từ đầu, ông đã chỉ đạo không ép buộc học sinh bất cứ điều gì mà tùy nguyện vọng để đăng ký. Thông tin này cũng được đưa lên CLB Truyền thông của trường và giải đáp tới thí sinh.

"Cả balo hay đồng phục, nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua. Thông tin không đeo balo, bảo vệ không cho vào cũng không chính xác. Số lượng học sinh mua balo cũng không phải tất cả", ông Nhân khẳng định.

Riêng các nội dung trong clip, ông cho rằng đây là lời của nhân viên bán hàng, sau khi tiếp nhận phản ánh nhà trường đã có chấn chỉnh.

Trước đó, ngày 12/7, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024.

Trong đó, có 26 khoản thu thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.

Mục mua sắm balo, đồng phục nằm trong 10 khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh. HĐND TPHCM quy định các mức cụ thể:

Tiền mua sắm đồng phục học sinh: 200.000-500.000 đồng/bộ.

Tiền học phẩm - học cụ - học liệu: 300.000-600.000 đồng/năm.

Tiền suất ăn trưa bán trú: 35.000 đồng/ngày.

Tiền suất ăn sáng: 20.000 đồng/ngày.

Tiền nước uống: 20.000 đồng/tháng.

Tiền khám sức khỏe học sinh ban đầu (bao gồm khám nha học đường): 50.000-70.000 đồng/năm.

Tiền sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh (tiền điện, chi phí bảo trì máy lạnh): 35.000-50.000 đồng/tháng.

Tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số: 110.000 đồng/tháng.

Tiền trông giữ xe học sinh: 2.000 đồng/lượt.

Tiền tổ chức xe đưa rước học sinh: 8.000-10.000 đồng/km.

Mức thu được áp dụng với 2 nhóm học sinh: Nhóm 1 là học sinh tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là học sinh tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.

Đối với học sinh nhóm 2, mức thu tối đa các khoản thấp hơn khoảng 10.000-50.000 đồng so với nhóm 1.