Tiến sĩ kinh tế chỉ rõ sai lầm khi cố giải nhiều bài tập để đạt điểm cao

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Vị chuyên gia kinh tế cho rằng giải nhiều bài tập để được điểm cao chỉ là thứ yếu, quan trọng là tìm ra tư tưởng ẩn sau đó.

Tiến sĩ kinh tế chỉ rõ sai lầm khi cố giải nhiều bài tập để đạt điểm cao - 1

TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Điểm cao là thứ yếu

Thông tin trên được TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia - chia sẻ tại sự kiện học thuật quan trọng với chủ đề "Những tư tưởng vượt thời gian của "Cha đẻ của Kinh tế học" diễn ra ngày 16/12.

Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của nhà kinh tế học Adam Smith - người đặt nền móng cho lý thuyết kinh tế cổ điển, tạo ra ảnh hưởng sâu sắc trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường và các đổi mới trong lĩnh vực cải cách kinh tế.

TS Võ Trí Thành kể câu chuyện khi ông học tập tại Úc, thầy giáo ra bài tập và nhiều học sinh cố giải bài tập để được điểm cao. Song, trong bài tập, bao giờ thầy cũng cho một câu hỏi về bản chất của vấn đề.

Ông cho rằng đây chính là điều vĩ đại trong tư tưởng của nhà kinh tế học Adam Smith. Bài học ông nhận được là việc cố đi giải bài tập cho đúng, cho đạt điểm cao chỉ là thứ yếu.

"Quan trọng là đằng sau của những bài toán đó là tư tưởng gì, đằng sau nữa là phải đi tận tới nguồn gốc của nó. Adam Smith là người đi tận cùng của vấn đề để giải thích hành vi của các đại nhân, của con người trong thị trường", TS Võ Trí Thành nhận định.

Theo ông Thành, câu chuyện cốt lõi nhất là tính bản năng của con người. Nếu thực sự muốn làm khoa học, thực sự muốn đổi mới sáng tạo phải có suy nghĩ, có tư tưởng và đi đến tận cùng. Trên thực tế, nhiều người bỏ qua những điều này vì lo cơm áo gạo tiền, vì gánh nặng gia đình... 

Tiến sĩ kinh tế chỉ rõ sai lầm khi cố giải nhiều bài tập để đạt điểm cao - 2

Các chuyên gia tham dự sự kiện học thuật "Những tư tưởng vượt thời gian của "Cha đẻ của Kinh tế học" (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Về góc nhìn kinh tế, ông cho rằng vấn đề quan trọng là thị trường và cạnh tranh nhưng cần đặt ra vấn đề gì mới với rất nhiều thách thức.

Ông nhắc lại hai từ khóa quan trọng là "cạnh tranh hoàn hảo" và "bàn tay vô hình" tạo ra hai giá trị vô tiền khoáng hậu. Một là phân bố nguồn lực hiệu quả - đây là nền tảng, điều kiện cần, không thể thiếu để một dân tộc muốn thịnh vượng và phát triển hợp lý.

Thứ hai, ông dẫn lại câu nói thường được nhắc tới: "Chúng ta đến nhà hàng ăn ngon không phải vì lòng hảo tâm của chủ nhà hàng mà vì cạnh tranh". Điều này nói lên thị trường phải cạnh tranh, cần mang đến những dịch vụ tốt nhất, hàng hóa chất lượng nhất.

Để làm được điều sâu xa đó, thị trường cạnh tranh không phải chỉ bên bán, bên sản xuất mà phải cả ở người mua để đạt được khoái cảm khi tiêu dùng.

"Cạnh tranh đòi hỏi cả hai bên. Cạnh tranh không phải là bảo vệ người trên trong cạnh tranh mà là bảo vệ cơ chế cạnh tranh", ông Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, còn cần tính đến yếu tố về giá, sở hữu, thông tin đầy đủ, minh bạch, đối xứng, tác động lan tỏa...

Với thực tế tại Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng chúng ta cần đặt mục tiêu không chỉ bắt kịp thế giới mà còn cần đi cùng thời đại, thậm chí vượt trước thời đại.

Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách, do đó, ông Thành cho rằng chúng ta cần hoàn thiện truyền thống về thị trường đất đai, lao động, vốn, những câu chuyện truyền thống, hoàn thiện thêm luật pháp... 

Cùng với đó, cần những chính sách mới để hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, những điều chưa biết hết, còn cần nghiên cứu, học hỏi.

"Chúng ta cần thúc đẩy mới về thể chế, sáng tạo... và đặc biệt là thực thi tốt chính sách. Có chính sách tốt nhưng thực thi không ổn cũng chưa đạt", chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho hay.  

Đào tạo kiến thức và đạo đức trong học đường

Về công tác đào tạo, GS Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự của Đại học Waseda (Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giai đoạn 2016-2021 - nhấn mạnh tới yếu tố đào tạo con người.

Tiến sĩ kinh tế chỉ rõ sai lầm khi cố giải nhiều bài tập để đạt điểm cao - 3

GS Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự của Đại học Waseda (Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng giai đoạn 2016-2021 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Dưới góc độ kinh tế, ông cho rằng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho những người làm công tác lãnh đạo rất quan trọng. Bởi theo ông, những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn tới kinh doanh và sự phát triển của đất nước.

Cùng với đó, ông cho rằng cần có nhiều chính sách linh hoạt hơn để cải thiện môi trường đầu tư.

Ngoài kiến thức, GS Thọ nhấn mạnh tới vấn đề đạo đức. Ông cho rằng, ngay trong môi trường giáo dục, thời gian dành cho giảng dạy, giáo dục về đạo đức còn quá ít.

"Chúng ta cần chú trọng tới vấn đề đạo đức, dạy cho học trò về lòng yêu thương, vị tha, nhân nghĩa... Phải làm sao để thầy cô giáo đủ xứng đáng, để không có những tiêu cực trong học đường", GS Trần Văn Thọ chia sẻ.

Ông cũng chỉ ra cần quan tâm tới chính sách miễn học phí đối với bậc phổ thông, tạo môi trường học đường, giải quyết ngay các vấn đề nóng như bạo lực học đường, nhà vệ sinh trường học.

Về giới trẻ, ông nhận định các bạn hiện nay năng động, linh hoạt, có khả năng tiếp thu công nghệ rất nhanh song cần thêm năng lực cơ bản, học ngành gì cũng phải học cho thật sâu, thật tốt.

Theo GS Trần Văn Thọ, giới trẻ Việt cần trau dồi thêm khả năng tiếng Anh và khả năng tư duy, phân tích. Khả năng tư duy sẽ được hình thành qua đọc sách và thảo luận với giảng viên.

Adam Smith- một ngôi sao sáng của thời kỳ khai sáng, được xem là một trí tuệ khổng lồ với những tư tưởng vượt qua nhiều thế kỷ, định hình nền tảng của kinh tế, chính trị và xã hội hiện đại.

Tác phẩm "Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của sự thịnh vượng của các quốc gia" của ông xuất bản năm 1776 có ảnh hưởng rất lớn, vẫn là một tham chiếu căn bản cho các học giả và nhà hoạch định chính sách trên thế giới.

Cùng với đó, những hiểu biết sâu sắc của ông về các nguyên tắc của thị trường tự do, phân công lao động và "bàn tay vô hình" tiếp tục ảnh hưởng đến diễn ngôn về kinh tế toàn cầu ngày nay.

Adam Smith không chỉ đặt nền móng cho lý thuyết kinh tế cổ điển mà còn tạo ra ảnh hưởng sâu sắc, chủ yếu trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường và các đổi mới trong lĩnh vực cải cách kinh tế.

Tác phẩm của ông không chỉ là một bức tranh về quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng không ngừng, định hình diễn ngôn về kinh tế toàn cầu cho đến ngày nay.

Hội thảo quy tụ nhiều diễn giả uy tín trong lĩnh vực kinh tế học: GS Edmund Malesky, GS Trần Lê Anh, GS Lê Văn Cường và nhiều diễn giả hàng đầu khác như PGS Vũ Minh Khương, TS Trần Quốc Hùng, PGS Markus Taussig, TS Nguyễn Xuân Xanh, PGS Nguyễn Đức Thành, PGS Trần Đình Thiên, TS Võ Trí Thành, TS Lê Đăng Doanh, Bà Phạm Chi Lan, TS Trần Du Lịch và TS Nguyễn Tú Anh, cùng các nhà hoạt động thực tiễn về tư vấn, quản lý, xây dựng chính sách kinh tế, đại diện Ban Kinh tế Trung ương.