Tìm “kế” chống sách lậu

(Dân trí) - Nhiều nhà xuất bản, nhà sách đã tuyên chiến với nạn in lậu và đưa ra nhiều biện pháp như dán tem chống giả, làm mã vạch, hoặc phát hành bất ngờ… nhưng không đạt được kết quả khả quan nào nên đành phải sống chung với nạn in lậu.

Trước “vấn nạn” trên, hôm qua 27/6, Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) đã tổ chức hội nghị chống in lậu sách giáo dục với sự tham gia của nhiều NXB, nhà in, công an, quản lý thị trường, Cục Bản quyền, Cục Xuất bản... để tìm ra giải pháp.

 

Thủ đoạn in lậu tinh vi

 

Theo báo cáo của NXBGD, thủ đoạn của những người chủ mưu in lậu rất tinh vi là in bìa một nơi, ruột một nơi hoặc mỗi nơi in một tay sách, khi hoàn thiện núp dưới dạng gia công. Khi in thì thường in vào ban đêm, phân tán nhanh về địa điểm để gia công, hoàn thiện nhanh và đưa ra thị trường cũng “siêu tốc”.

 

Sau đó sách in lậu trà trộn vào sách in thật làm người tiêu dùng không thể phân biệt được. Bên cạnh đó, các đầu nậu in lậu lại chiết khấu cao khoảng từ 30 - 50% để kích thích các đại lý tiêu thụ.

 

Ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc NXBGD cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng tổ chức Hội nghị “Chống in lậu” sách giáo dục nhưng vẫn không khắc phục được mấy, nhiều NXB, nhà sách cũng đã từng tuyên chiến với nạn in lậu, nhưng đối phương lại ở trong bóng tối, chiến trường lại không có ranh giới, tuyên chiến chỉ để tuyên chiến, chưa đạt được kết quả khả quan nào. Do đó nhiều NXB đành phải sống chung với nạn in lậu, in nhái, nối bản và phải tự cứu mình”.

 

Cục trưởng Cục Bản quyền Vũ Mạnh Chu thốt lên rằng: “In lậu sách bây giờ chuyên nghiệp đến nỗi phải đặt tên cho là “mafia in lậu sách” với quy mô lớn và tinh vi”.

 

Còn Cục trưởng Cục Xuất bản, Nguyễn Kiểm than phiền rằng: “Nạn in lậu sách còn tiếp diễn, tốc độ ngày càng nhanh, hình thức tinh vi hơn, vụ sau lớn hơn vụ trước... gây thiệt hại cho các NXB, nhà sách và cả người tiêu dùng”. Sở dĩ nạn in lậu sách không bị triệt tận gốc là do pháp luật còn “nhẹ tay” với bọn in lậu. “Phải tăng mức xử phạt và áp dụng xử lý hình sự thay vì xử theo luật dân sự” - ông Kiểm nói.

 

Giảm giá sách để chống in lậu

 

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu lên 3 nguyên nhân chính mà nạn in lậu ngang nhiên hoành hành hiện nay: Tâm lý dễ dãi của độc giả; Lực lượng chức năng còn mỏng không đủ để kiểm soát thị trường sách rộng lớn, phức tạp, thủ đoạn của những người in lậu rất tinh vi; Luật pháp còn quá nhẹ tay đối với những người tổ chức in lậu.

 

Sau đó, nhiều đại biểu đã đưa ra các giải pháp để chống in lậu là phải bổ sung các hình phạt, tương tự như các loại hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế, hàng lậu… Nếu Luật pháp tăng hình phạt, tạo điều kiện cho các ban ngành chức năng dễ xử lý các đối tượng vi phạm. Đó cũng là một trong những cách thuyết phục tâm lý người tiêu dùng, không tiêu thụ các xuất bản phẩm giả và sách giả.

 

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng, theo cả đại diện Bộ VH-TT, NXBGD và các nhà in, là chỉ có thể thắng các đầu nậu in lậu bằng giải pháp kinh tế: giảm giá sách! Đặc biệt, sách giáo dục phải giảm đến mức không thể giảm hơn, vì với sách giáo khoa khi in với số lượng lớn tức là lãi lớn, nếu giảm giá đến mức NXB vẫn có lãi mà dân in lậu không thu lãi được thì đương nhiên đầu nậu... bó tay.

 

Đồng tình với giải pháp trên, Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm đề nghị NXBGD nên tổ chức in nhiều nơi để giảm chi phí vận chuyển, từ đó giảm giá sách thì nạn in lậu sẽ được khống chế.

 

Hồng Hạnh