Tính đường "cứu" các trường cao đẳng sư phạm

Mỹ Hà Hoàng Hồng

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trường cao đẳng sư phạm đang khó khăn vì chỉ đào tạo hệ sư phạm mầm non. Do đó, cần sắp xếp lại theo hướng sáp nhập vào các đại học có đào tạo khoa học cơ bản.

Đầu tư cho các trường cao đẳng sư phạm suy giảm

Tại buổi trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chiều 15/8, rất nhiều tâm tư của tập thể Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Điện Biên được ông Mai Đình Nam - đại diện nhà trường đưa ra.

Có 4 vấn đề mà tập thể nhà trường đang trăn trở. Trước tiên là mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm nói chung, các trường CĐSP nói riêng.

Trên cơ sở đó, các địa phương làm căn cứ để định hướng phát triển cho các trường CĐSP cũng như có chính sách đầu tư thích đáng để đáp ứng việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tại địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.

Tính đường cứu các trường cao đẳng sư phạm - 1

Ông Mai Đình Nam, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên (Ảnh: GDTĐ).

Trước đây, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT (theo Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ), các trường CĐSP được quan tâm củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.

Tuy nhiên, khi hết chương trình này, các trường CĐSP ở địa phương không được thụ hưởng thêm các chương trình hỗ trợ khác. Trong khi đó cơ sở vật chất của các trường được đầu tư đã xuống cấp...

Do đó, kính đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, hỗ trợ để các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng quá trình đào tạo trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với đó, thầy Nam cho rằng, đội ngũ cán bộ giảng viên của các trường CĐSP được đào tạo rất cơ bản, nhiều bậc học khác nhau, đa dạng chuyên ngành và đều có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên tiểu học, THCS.

Tuy nhiên, hiện các trường CĐSP chỉ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non. Vì vậy, mong muốn Bộ có những giải pháp để hỗ trợ cán bộ, giảng viên bằng việc tạo cơ chế để các trường CĐSP được thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cho cấp Tiểu học và THCS tại địa phương.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 23/2022 về Điều lệ trường CĐSP. Tuy nhiên, việc thực hiện Thông tư trên ở mỗi địa phương chưa có sự đồng nhất.

Do vậy, tập thể giảng viên, cán bộ của đơn vị này đề nghị Bộ GD&ĐT, cùng với các cơ quan, các tỉnh triển khai thực hiện cụ thể hơn, tạo điều kiện tối đa nhất để các trường CĐSP thực hiện tốt chức năng của mình theo Điều lệ.

Tính đường cứu các trường cao đẳng sư phạm - 2

Hơn 6.500 câu hỏi đã được gửi đến Bộ GD&ĐT (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Sáp nhập một số cao đẳng sư phạm vào trường đại học

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm đang khó khăn vì chỉ đào tạo hệ sư phạm mầm non nên chưa phát huy được hết năng lực.

Do đó, cần sắp xếp lại theo hướng một số trường sẽ sáp nhập vào các trường đại học có đào tạo về khoa học cơ bản.

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non vẫn còn nguyên vị trí quan trọng khi triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, nhu cầu sẽ lớn chứ không nhỏ.

Do đó, việc đào tạo trình độ cao đẳng với giáo viên mầm non chắc chắn sẽ ổn định và lâu dài nhưng đào tạo ở đâu, tồn tại độc lập tại các trường cao đẳng sư phạm hay không đang rất khó.

Thậm chí có những trường cao đẳng, giáo viên còn nhiều hơn học sinh, nguồn thu hạn hẹp, khó khăn.

Với các tỉnh như Điện Biên, có thể sẽ vẫn để tồn tại nhưng trường sẽ rất khó khăn, kể cả có hỗ trợ của bộ cũng khó khăn nên cần giải pháp, có thể ghép với các trường cao đẳng khác ở địa phương để trở thành cao đẳng đa ngành.

Tóm lại, cần tính nhiều con đường, thậm chí nhà trường chủ động tìm giải pháp để thời gian tới giảng viên các trường bớt khó khăn. 

Về việc tạm dừng tăng học phí, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, hiện Chính phủ yêu cầu các trường thực hiện tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, để chia sẻ khó khăn với người dân.

Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kiến nghị Nhà nước cấp bù kinh phí cho các nhà trường để đảm bảo chất lượng hoạt động.

Vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động, Bộ trưởng cho rằng, cần tính toán để đảm bảo cuộc sống.

Thực tế cho thấy, thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Nghị quyết 29-NQ/TƯ cũng nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cả nước sẽ có 6 đại học vùng

Cũng tại buổi trao đổi, PGS. TS Nguyễn Danh Nam - Đại học Thái Nguyên, đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ quan điểm về hai vấn đề. Đầu tiên là thông tin một số điểm nghẽn quan trọng nhất của đại học Việt Nam hiện nay.

Tiếp đó là quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Bộ GD&ĐT trong chiến lược phát triển giáo dục đại học, góp phần vào việc phát triển đất nước.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, quy hoạch là nhiệm vụ rất lớn và khó. Bộ GD&ĐT vẫn đang tiến hành quyết liệt vì liên quan đến nhiều yếu tố.

Trước mắt, Bộ đang hoàn thiện phương án quy hoạch. Trong đó, có cơ cấu của các đại học vùng, các đại học sư phạm trọng điểm, mật độ đào tạo cho từng khu vực cũng sớm được xem xét.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện toàn quốc đang có 3 đại học vùng. Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả nước cần có 6 đại học vùng.

Do vậy dự kiến các khu vực như: Tây Nguyên, Đồng bằng Nam Bộ, Miền núi phía Bắc cũng sẽ có đại học vùng.