TPHCM: Hỗ trợ để tăng thu nhập cho giáo viên mầm non

(Dân trí) - Hôm 14/6, kỳ họp thứ 13, HĐND TPHCM khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về đế án hỗ trợ ngành giáo dục mầm non tại TPHCM. Thống nhất lộ trình giữ trẻ mầm non từ 6-18 tháng đồng thời tăng mức hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác nuôi dạy trẻ mầm non.

Vẫn nhiều băn khoăn khi giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.

Tại buổi họp, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non (GDMN) tại TPHCM. Nhiều năm qua TPHCM luôn chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Tập trung nâng cấp,sửa chữa cơ sở giáo dục, vui chơi cho trẻ. Tuy nhiên, ngành GDMN còn nhiều khó khăn, hạn chế như:cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên MN chưa đáp ứng nhu cầu, vẫn còn nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ tư hoạt động không phép, đã xảy ra tình trạng người giữ trẻ có hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM quyết những vấn đề liên quan đến giáo dục mầm non của TPHCM.
Kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM quyết những vấn đề liên quan đến giáo dục mầm non của TPHCM.

Thế nhưng hiện tại các trường công lập không nhận trẻ từ 6 tháng tuổi và chỉ 120 trường nhận trẻ từ 13 tháng tuổi. Trong khi đó hiện chỉ có 18 trường MN tư thục và 39 nhóm trẻ nhận trẻ từ 6 tháng tuổi.

Ông Thuận cho biết trong tờ trình của UBND TPHCM về đề án hỗ trợ ngành GDMN tại TPHCM đã đề xuất một số biện pháp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với ngành học MN. Theo đó, lộ trình tăng tỷ lệ cơ sở GDMN trên địa bàn TP đến năm 2020 là 40% trẻ học nhà trẻ và 40% trẻ học mẫu giáo ở MN công lập. Giảm tỉ lệ học ở nhóm trẻ gia đình còn 10% học nhà trẻ và còn 5% học mẫu giáo.

Lộ trình tổ chức giữ trẻ MN từ 6 đến 18 tháng tuổi, năm 2014-2015, thi điểm tại 8 quận huyện gồm quận 5, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú , Bình Chánh, Củ Chi và Nhà Bè. Cơ sở để thí điểm đầu tiên tại các quận huyện có đông khu chế xuất, khu cn có đông công nhân. Năm 2015 - 2016: thêm 4 quận là quận 9, 11, Gò Vấp, Tân Bình như vậy sẽ có 12 quận huyện. Đến năm 2016, mở rộng ra 24 quận huyện.

Đa số đại biểu HĐND đều tán đồng đề án của UBND tuy nhiên vẫn có nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn vì TPHCM là địa phương đầu tiên cả nước đề ra việc giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi. Đại biểu Lâm Thiếu Quân tỏ ra nghi ngại: “tham khảo trên thế giới thì trẻ ở độ tuổi 12 tháng trở xuống thì tỷ lệ đến các trung tâm nuôi dạy chỉ chiếm 10%, còn lại 90% là nuôi dạy ở nhà hoặc gửi ông bà. Vì ở độ tuổi này thì chi phí chăm sóc rất cao và trách nhiệm rất lớn và chưa có nghiên cứu khoa học nào cho rằng nuôi dạy trẻ tập trung và ở gia đình, cái nào tốt hơn và xu hướng chủ yếu là nuôi dạy ở gia đình. Đó cũng là giai đoạn trẻ đang tập đi, nói, hình thành tính cách do đó cần phải nghiên cứu thêm để thực hiện đề án này. Các nước tiên tiến họ cũng không kham nổi việc các trường MN công lập tiếp nhận trẻ trong độ tuổi nhà trẻ trong khi đề xuất của TP đến 40%. Tôi e rằng chi phí sẽ rất lớn trong khi đó điều kiện cô giáo nuôi dạy trẻ hiện đang thiếu”.

Mặc dù rất tán đồng với đề án của UBND TPHCM nhưng đại biểu Từ Minh Thiện tỏ ra lo lắng vì nguồn chi cho GDMN hàng năm không được xác định vậy thì chi 139 tỷ đồng tăng trong năm 2014 thì sẽ lấy từ đâu để không ảnh hưởng đến những khoản khác.

Tương tự, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng đề án giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng của TPHCM hết sức nhân văn, thể hiện sự chăm lo thiếu nhi của thành phố tuy nhiên cũng còn có nhiều băn khoăn khi mà việc thu hút giáo viên, nhân viên gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm nay cấp học MN rất thiếu giáo viên, thiếu trầm trọng nhất trong tất cả các bậc học. Dẫn chứng cho nghi ngại đó, đại biểu Bích Châu cho biết: “Như quận 4, năm học 2014-2015 thiếu 48 giáo viên MN và hiện chỉ có 6 hồ sơ xin tuyển dụng. Các năm trước cũng rơi vào tình trạng tương tự. Với đề án này thì ngành giáo dục phải rất tất bật tuyển dụng tiếp và đào tạo để chuẩn bị cho lộ trình khả thi và đạt tiến độ”.

Đồng thời theo đại biểu Châu để thực hiện được đề án này sẽ nảy sinh kinh phí rất lớn cho con người và cơ sở vật chất. Trong khi đó, ngoại trừ ở các khu chế xuất, khu công nghiệp có nhu cầu trường MN lớn thì cần phải tính toán kỹ điều kiện ở khu dân cư. “Đơn cử như quận 4 hiện có hơn 2.000 trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 18 tháng tuổi, nhưng giữ ở nhóm trẻ gia đình có 28 nhóm trẻ, và chỉ 100 trẻ được nhóm trẻ không phép giữ. Số còn lại chưa biết gia đình có nhu cầu gửi hay không do đó nếu xây dựng trường mà không có người gửi hoặc số gửi không đủ so với chi phí trang trải thì quá lãng phí”, bà Bích Châu đặt vấn đề.

Trước những ý kiến của các đại biểu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng: “Đúng là nhiều nước không đặt vấn đề giữ trẻ trong độ tuổi dưới 12 tháng nhưng phát xét điều kiện cụ thể của đất nước hiện nay. Nếu nhà nước không đứng ra tìm cách giải quyết thì nhiều bậc cha mẹ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm chỗ gửi con để đi làm. Để họ đem con gửi lây lất chỗ này chỗ kia thì rất nguy hiểm. Đồng thời, tham khảo một số nước thì họ cho người mẹ được nghỉ chế độ thai sản dài, sau khi quay lại làm việc vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm... Trong khi đó, đất nước ta chưa có điều kiện thực hiện như vậy”.

Theo bà Tâm, xét về mặt khoa học thì vẫn khuyến khích các gia đình nếu có điều kiện thì tự chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, đề án của UBND TP chủ yếu hướng đến những gia đình nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Đồng ý tăng mức hỗ trợ cho giáo viên MN

Kết thúc kỳ họp HĐND, các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua nghị quyết về đề án hỗ trợ GDMN TPHCM. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 24/6 tới.

Đáng chú ý trong đó, thống nhất hỗ trợ cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở các cơ sở MN ngoài công lập 200.000 đồng/trẻ/tháng. Đồng ý chi kinh phí từ ngân sách nhà nước 1.800.000 đồng/người/ khóa học 6 tháng để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn hàng năm.

Riêng cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc cơ sở GDMN công lập được hỗ trợ thêm 25% tiền lương do tính chất công việc. Đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi sẽ hỗ trợ thêm 35% tiền lương (bằng với mức hỗ trợ của trường chuyên biệt mức phụ cấp ưu đãi 70%).

Đối với giáo viên mầm non mới ra trường, nếu được tuyển dụng sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng (1.150.000 đồng) trong năm học 2014-2015; 70 % lương cơ sở (805.000 đồng) trong năm học 2015-2016; 50 % lương cơ sở (575.000 đồng) trong năm học 2016-2017. Từ năm thứ tư sau khi được tuyển dụng sẽ hưởng chế độ tiền lương theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, HĐND TPHCM thống nhất tăng tỷ lệ cơ sở GDMN công lập trên địa bàn TP đến năm 2020 là 60% trẻ học mẫu giáo và 40% trẻ nhà trẻ. Thống nhất lộ trình tổ chức giữ trẻ MN từ 6 - 18 tháng tuổi; phấn đấu đến năm học 2016-2017 triển khai đại trà mô hình này tại 24 quận, huyện.

Về chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp: ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng mới các trường MN công lập theo đề nghị của quận, huyện. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng các trường MN ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và 11 phường chưa có trường MN. Đối với cơ sở GDMN ngoài công lập: Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường MN ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục TP.

Giao UBND các quận, huyện công khai chi tiết, cụ thể về quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, trong đó có đất dành cho GDMN để các tổ chức, cá nhân biết, tham gia thực hiện; có chính sách xã hội hóa từ mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa bán đấu giá để kêu gọi đầu tư thành lập trường MN ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình

UBND các quận, huyện hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương để các cá nhân vay (không tính lãi suất) nhằm cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị cho các nhóm trẻ gia đình để đảm bảo đủ điều kiện cấp phép hoạt động.

Đồng thời, HĐND thống nhất bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng: 1 lớp có 1 nhân viên với nhiệm vụ: hỗ trợ giáo viên đứng lớp chăm sóc trẻ, vệ sinh môi trường và đồ dùng, đồ chơi cho các cháu. Bổ sung biên chế hành chính cho các phòng GD-ĐT quận, huyện để bố trí công chức làm công tác quản lý GDMN ngoài công lập tùy theo yêu cầu thực tế.

Lê Phương - Hoài Nam