TPHCM: Phụ huynh hoang mang vì con làm bài thi “lệch” đề

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh ở TPHCM có con theo học lớp 5 lo lắng đến điểm số năm học của con mình sẽ bị ảnh hưởng do đề kiểm tra học kỳ 2 môn tiếng Việt, phân môn tập làm văn có câu: “Tả cảnh trường em sau buổi học”.

TPHCM: Phụ huynh hoang mang vì con làm bài thi “lệch” đề - 1

Học sinh trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TPHCM) giờ ra chơi.

Kết thúc môn thi tiếng Việt lớp 5, giáo viên nhiều trường tiểu học trên địa bàn nhận được phản hồi từ một số phụ huynh phản ánh rằng con mình bị làm bài lạc đề với đề thi văn “Tả cảnh trường em sau buổi học”. Thay vì theo như yêu cầu của đề thi là tả cảnh tan trường thì một số học sinh (HS) lại tả cảnh giờ ra chơi, nghĩa là sau tiết học.

Nhiều người cho rằng đề của Sở GD-ĐT TPHCM là “đánh đố” HS vì quá chung chung, không cụ thể rõ ràng... Chính vì thế, nhiều trẻ làm “lệnh” đề. Do con mình làm lạc đề, nên nhiều phụ huynh lo lắng điểm số sẽ ảnh hưởng đến kết quả cả năm học của con.
 

Trước phản hồi của phụ huynh, ông Lê Ngọc Điệp - trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ:  "Với một đề thi như vậy, nếu con làm lạc đề thì việc đầu tiên là phụ huynh cần tìm hiểu tại sao con mình lại sai rồi chỉ  cho con nhận ra điều đó để tiến bộ. Đằng này, thấy con không làm được bài là họ cuống lên đỗ lỗi do đề. Phụ huynh chỉ quan tâm đến điểm số chứ chưa ít chú trọng đến việc phát triển cho trẻ”.

Tìm hiểu về đề thi, được biết trong phần kiểm tra viết, các em HS khối 5 được học đề “Tả cảnh trường em trước buổi học”nằm ở trang 144, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2. Nguyên đề thi học kỳ chỉ khác về một trạng từ chỉ thời gian “trước” và “sau” buổi học. Thế nhưng không ít HS đã bị lúng túng đến mức làm lạc đề.

Chiều 19/5, trao đổi với Dân trí, ông Lê Ngọc Điệp - trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM cho biết đề thi phân môn tập làm văn tả cảnh sau buổi học rất gợi mở, giúp HS bộc lộ được sự sáng tạo của mình vì kết thúc buổi học các em có nhiều cảm xúc khác nhau. Đó có thể là cảnh ra về, còn HS bán trú có thể là cảnh chuẩn bị giờ ăn, giờ nghỉ ngơi... với nhiều trạng thái.

HS đã được ôn luyện nhiều với đề tả cảnh trước buổi học nên khái niệm buổi học rất rõ ràng với các em, nếu giáo viên không dạy là lỗi của giáo viên. Ông Điệp thẳng thắn cho rằng: “Chỉ thay đổi thời gian “trước” thành“sau” buổi học tạo nên yêu cầu rất mở mà các em đã lúng túng, làm lạc đề thì cũng cần xem lại cách dạy “rập khuôn” của giáo viên”.

Ông Diệp nói thêm có thể có nhiều giáo viên đã ôn luyện cho các em đề tả giờ ra chơi nên khi gặp đề “mở” như vậy, không đọc kỹ đề các em mới làm bài lạc đề. Chiều 19/5, Phòng đã tiến hành chấm 5 bài thi ngẫu nhiên, các em viết rất hay, rất xúc động.

Hoài Nam