Tranh cãi quan điểm "Quản trị kinh doanh không dành cho con nhà nghèo"?

Lệ Thu

(Dân trí) - "Con nhà nghèo tuyệt đối đừng học Quản trị kinh doanh, vì học xong cũng chẳng thể làm giám đốc hay khởi nghiệp, ngành này chỉ dành cho con nhà giàu".

Đó chính là quan điểm của 1 hot TikToker có tên L.K, hiện video này đã đạt hơn 1,8 triệu lượt xem. Một cuộc tranh cãi nảy lửa về xung quanh quan điểm này đã xảy ra. 

Nhà nghèo học xong cũng không làm được giám đốc

Cụ thể, L.K chia sẻ dẫn chứng một bạn trẻ sau khi học 4 năm quản trị kinh doanh đã về quê làm công nhân. Hot Tiktoker cũng đưa ra 3 lý do khẳng định: "Quản trị kinh doanh không dành cho con nhà nghèo".

Tranh cãi quan điểm Quản trị kinh doanh không dành cho con nhà nghèo? - 1

L.K chỉ ra 3 lý do chỉ con nhà giàu mới nên học ngành Quản trị kinh doanh (Ảnh: Chụp màn hình).

Lý do đầu tiên L.K đưa ra là con nhà nghèo học Quản trị kinh doanh ra cũng không làm được giám đốc hay khởi nghiệp luôn. Vì con nhà giàu sẽ có một "hậu phương" vững chắc tài trợ và nền tảng gia nghiệp sẵn để quản lý. 

"Con nhà nghèo đi học chỉ với mong muốn là ấm thân, lo cho gia đình chạy ăn từng bữa, bữa sáng chưa ăn thì lo bữa chiều. Thực sự đây là một ngành không phù hợp với con nhà nghèo", L.K nói. 

Tiếp đó, L.K cho rằng không có nghề nào là Quản trị kinh doanh. Bởi, đây là một ngành học về nhân sự, con người, marketing, bán hàng… Do đó, nếu bạn là con nhà nghèo thì việc chọn học ngành mà không ra nghề cụ thể nào thì không xứng đáng. 

Cuối cùng, Quản trị kinh doanh sẽ không có cơ hội thực hành nhiều. L.K tâm sự: "Ở tuổi 18, các bạn vẫn ở trong một tâm hồn màu hồng và non nớt khó có thể nắm hết lý thuyết về sơ lược quản lý công ty, nhân sự. 

Không có doanh nghiệp nào sẽ có bạn thực tập hiểu về quy mô, tổ chức, và quản trị kinh doanh. Ở tuổi này, quản chính mình còn chưa xong thì lấy gì quản trị người khác". 

Ngành học không phân biệt giàu nghèo, quan trọng là biết nỗ lực

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS. TS Nguyễn Trung Thành, hiện đang là Giám đốc tài chính, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh (MBA), Đại học East London (Anh) khẳng định, ngành học không phân biệt cấp bậc giàu sang, chỉ cần nỗ lực thì thành công sẽ đến. 

Tranh cãi quan điểm Quản trị kinh doanh không dành cho con nhà nghèo? - 2

GS. TS Nguyễn Trung Thành, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh (MBA), Đại học East London (Anh).

Anh nói: "Bất kỳ một ngành học nào đều đào tạo ra những cá nhân làm việc cho các ngành nghề khác nhau và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế mỗi quốc gia. 

Không có ngành học nào là cao sang hay ngành học nào là không phù hợp với đối tượng nào cả. Mỗi một ngành học đều có những đặc thù riêng. Ngành Quản trị kinh doanh đạo tạo ra những cá nhân làm việc chuyên sâu về quản trị như Marketing, quản trị nhân sự, quản trị chất lượng...

Khi sinh viên lựa chọn học quản trị kinh doanh thì có nghĩa họ sẽ phấn đấu sau này trở thành những nhà quản trị, những người quản lý cao cấp trong tương lai".

Anh cũng bày tỏ: "Nếu nói 'Con nhà nghèo" không nên học quản trị kinh doanh là sai lầm, ngành học đa dạng những chuyên ngành nhỏ, các bạn sinh viên xuất thân trong những gia đình điều kiện kinh tế chưa khá giả, càng nên lựa chọn những ngành học này để sau này có nhiều cơ hội phát triển trong sự nghiệp; trở thành những nhà quản trị tại những công ty, tập đoàn lớn với mức thu nhập hấp dẫn.

Đây là ngành học cũng có rất nhiều chương trình học bổng cho sinh viên đặc biệt là các chương trình sau đại học, với những công trình nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển của một công ty hay tập đoàn nói riêng hoặc sự phát triển vĩ mô của một ngành trong nền kinh tế".

Tranh cãi quan điểm Quản trị kinh doanh không dành cho con nhà nghèo? - 3

Học Quản trị kinh doanh ra trường sẽ làm nghề gì? (Nguồn ảnh: eaut.edu.vn).

Học Quản trị kinh doanh ra trường sẽ làm nghề gì?

PGS.TS Nguyễn Trung Thành cũng chỉ ra rằng, việc học Quản trị kinh doanh ở tuổi 18 -20 là hoàn toàn phù hợp, vì họ đã có một định hướng tốt ngay từ ban đầu, đây là thời điểm để đặt những viên gạch nền móng vững chắc đầu tiên.

"Tuổi 18 - 20 không phải là sớm để học ngành Quản trị kinh doanh vì đó là thời điểm các bạn sinh viên được tiếp cận bước đầu với kiến thức ngành Quản trị, được đào tạo chuyên môn sâu trước khi vào thực tế làm việc. Đây là những nền tảng kiến thức quan trọng để các bạn sinh viên có thể phát triển con đường nghề nghiệp của mình trong tương lai", PGS.TS Thành quan niệm.

Với tư cách là người điều hành doanh nghiệp, PGS. TS Nguyễn Trung Thành có cho rằng: "Quản trị kinh doanh là một ngành bao quát nhiều nghề chứ không được gọi là một nghề".

Bởi "Quản trị kinh doanh là một ngành, trong ngành đó có rất nhiều nghề như Marketing, Quản trị nhân sự, quản trị chất lượng, quản trị kinh doanh lữ hành, quản trị kinh doanh du lịch, khách sạn, thương mại quốc tế v.v… 

Khi lựa chọn học Quản trị kinh doanh, các bạn sinh viên phải lựa chọn học chuyên ngành hẹp để sau này mình định hướng ra trường làm các công việc phù hợp". 

Đời không hẳn như sách vở

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Thành, Quản trị kinh doanh ở thực tế và sách vở sẽ hoàn toàn khác nhau. Do vậy, đòi hỏi bạn phải luôn chủ động trau dồi kiến thức, năng động ứng biến với những tác động khách quan của nền kinh tế để nâng cao khả năng quản trị và phát triển con đường sự nghiệp của bản thân.

Anh chia sẻ: "Quản trị kinh doanh sẽ được thầy, cô giảng dạy những kiến thức cơ bản khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, đó là nền tảng để sau này chúng ta ra trường làm việc. 

Thực tế đi làm sẽ phát sinh rất nhiều tình huống khác so với kiến thức sách vở đã được học, đòi hỏi bạn phải nhanh nhạy học hỏi thêm từ anh, chị đồng nghiệp đi trước hay thay đổi tư duy về cách nhìn nhận sự việc và đưa ra cách giải quyết vấn đề thông minh nhất để xử lý những công việc phát sinh.

Quản trị kinh doanh bao gồm rất nhiều nghề, vì vậy thực tế khác rất nhiều so với sách vở, đòi hỏi bạn phải trau dồi kiến thức thực tế nhiều hơn, như ngành quản trị du lịch khách sạn chẳng hạn, khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên sẽ không được giảng dạy về các ứng phó với tình hình dịch Covid-19 tác động đến ngành du lịch, khách sạn như nào?

Tranh cãi quan điểm Quản trị kinh doanh không dành cho con nhà nghèo? - 4

Ngành Quản trị kinh doanh bao gồm những chuyên ngành gì? (Nguồn ảnh: fbu.edu.vn).

Thực tế xảy ra đòi hỏi bạn phải năng động để xử lý công việc của mình trước tác động của dịch bệnh. Phải nói rằng, ngành du lịch - khách sạn là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch covid 19, vì vậy những người đang làm việc trong ngành này phải có những thay đổi công việc hay thay đổi cách quản trị công ty để duy trì tình hình hoạt động và đảm bảo được khả năng thu nhập của anh, em nhân viên trong công ty mình".

"Có thể thấy rằng thực tế và sách vở khác nhau quá nhiều, đòi hỏi bạn phải luôn chủ động trau dồi kiến thức, năng động ứng biến với những tác động khách quan của nền kinh tế để nâng cao khả năng quản trị và phát triển con đường sự nghiệp của bản thân", anh Thành nhấn mạnh. 

Học Quản trị kinh doanh cần những tố chất, kỹ năng gì? 

Với kinh nghiệm là người điều hành doanh nghiệp và có đến 2 tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ, anh Thành cho rằng: "Khi lựa chọn học Quản trị kinh doanh, nghĩa là bạn muốn mình trở thành nhà quản lý, nhà quản trị điều hành trong một doanh nghiệp, bạn cần phải có thái độ nghiêm túc để trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức xã hội.

Tranh cãi quan điểm Quản trị kinh doanh không dành cho con nhà nghèo? - 5

Muốn làm tốt ở ngành Quản trị kinh doanh, sinh viên phải trau dồi tốt kỹ năng và nghiêm túc với công việc (Nguồn ảnh: Ptit.edu.vn).

Chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những thế hệ đi trước để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Luôn luôn kiên định con đường mình chọn, không để những tác động khách quan ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp của mình. 

Tư duy luôn luôn thay đổi, thích ứng với những biến đổi của nền kinh tế, cập nhập những thông tin mới để nâng cao năng lực quản trị của mình và phát triển bản thân lên một tầm cao mới".

Với những bạn trẻ sẽ và đang theo học ngành Quản trị kinh doanh nên lựa chọn cho mình những chuyên ngành phù hợp với khả năng của mình, định hướng nghề nghiệp rõ ràng và kiên định con đường mình đã chọn. 

Quản trị kinh doanh là một ngành tổng hợp với nhiều ngành nghề khác nhau, cơ hội có rất nhiều cho các bạn trẻ, quan trọng phải biết nắm bắt và tận dụng cơ hội đến với mình để phát triển sự nghiệp của mình.

Tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình "lời ăn, lỗ chịu"

Trong khi đó, chia sẻ với Dân trí về tư vấn ngành nghề và gỡ rối định hướng sự nghiệp gần đây, Á hậu Quốc tế Thúy Vân nêu quan niệm khi chọn ngành nghề rằng: "Không nên nghe người khác nói quá nhiều. Phải biết bản thân mình đang muốn gì và tự chịu trách nhiệm của cuộc đời mình, lời ăn, lỗ chịu".

Cô nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là bạn phải biết mình muốn gì.  Khi bạn vào đại học là bạn đã đủ 18 tuổi. Bạn phải tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, "lời ăn, lỗ chịu" nên bạn làm gì thì chọn ngành đó". 

Tại sao người ta nói: Không biết học gì thì học Quản trị kinh doanh? Vì quản trị kinh doanh đặt nền móng cho tất cả các ngành khác. Chẳng hạn như là khi mình làm về công ty truyền thông thì vẫn cần một người học Quản trị kinh doanh thì mới gây dựng công ty được. 

"Do đó, người học Quản trị kinh doanh sẽ là những người luôn luôn cần thiết trong tất cả các tổ chức", Á hậu Thúy Vân khuyên các bạn trẻ.