Trừ điểm thi đua giáo viên mắc Covid-19: Tiêu chí phản thi đua!

Kiều Phương

(Dân trí) - Trước thông tin một số giáo viên tại trường học ở Hà Nội bị trừ điểm thi đua vì Covid-19, nhiều phụ huynh, nhà giáo đã bày tỏ sự bất bình, cho rằng đó là hành động cứng nhắc và vô cảm.

Mới đây, một số giáo viên Trường THCS Thị trấn Văn Điển (H.Thanh Trì, Hà Nội) bức xúc phản ánh tới báo chí việc nhà trường trừ điểm thi đua do họ phải nghỉ dạy vì mắc Covid-19.

Những giáo viên này cho biết, theo cam kết thi đua ký từ đầu năm, mỗi ngày giáo viên nghỉ có phép sẽ bị trừ 2 điểm thi đua. Cả đợt nghỉ của mỗi F0 là 7 ngày, nhà trường cho biết, lẽ ra phải trừ 14 điểm, nhưng vì là F0 nên chỉ tính 5 ngày và trừ 10 điểm thi đua.

Riêng trường hợp giáo viên nào trong thời gian nhiễm bệnh dù vẫn dạy trực tuyến nhưng sẽ bị trừ 5 điểm thi đua.

Trước vụ việc này, nhiều phụ huynh, giáo viên bày tỏ sự bất bình.

Trừ điểm thi đua giáo viên mắc Covid-19: Tiêu chí phản thi đua! - 1

Bị mắc Covid là việc bất khả kháng, không một ai mong muốn và không thể lường trước được (Ảnh: DT).

Sự cứng nhắc tới mức… vô cảm?

Phụ huynh Đinh Thu Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ, khi đọc thông tin về vụ việc, chị cứ ngỡ đây là một câu chuyện… hư cấu, do ai đó dựng lên nhằm mục đích "mua vui". Ai ngờ, đấy lại là chuyện có thật.

Vị phụ huynh này cho hay, việc nhà trường trừ điểm thi đua của giáo viên do họ phải nghỉ dạy vì mắc Covid-19 là việc làm vô lý đến mức vô cảm. Chị Hiền cho hay, hành động này chẳng khác nào với việc, khi con mình chẳng may bị ốm, bố mẹ lại tàn nhẫn trách móc, thậm chí phạt vì cho rằng như vậy là con không tốt, không ngoan.

"Bị mắc Covid là việc bất khả kháng, không một ai mong muốn và không thể lường trước được. Trở thành F0, các thầy cô cũng rơi vào cảnh phải nghỉ, phần vì sức khỏe không đảm bảo, phần vì muốn giữ an toàn cho đồng nghiệp, học sinh…

Theo tôi, đối với trường hợp thầy cô mắc Covid-19, nhà trường, công đoàn phải có sự hỗ trợ, ít nhất thông qua một vài hành động như gọi điện hỏi thăm, khích lệ, hay bố trí giáo viên dạy thay để các thầy cô mắc bệnh an tâm phần nào. Đằng này, nhà trường lại trừ điểm thi đua một cách vô lý của giáo viên… Thật đáng buồn".

Phụ huynh Lê Xuân Nam (Thái Bình) cũng đồng tình với quan điểm này. Bên cạnh tâm lý ngạc nhiên trước thông tin "giáo viên Hà Nội bị trừ điểm thi đua vì mắc Covid-19", anh Nam còn bất bình đặt ra câu hỏi: "Thử nghĩ, nếu trường hợp giáo viên mắc Covid-19, vẫn cố tình đến trường dạy học, tiếp xúc với học sinh chỉ vì giữ điểm thi đua, liệu có chấp nhận được hay không?"

Theo phụ huynh này, quy định là do con người đặt ra. Trong môi trường giáo dục, việc tuân thủ quy định là việc làm vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện tại, F0 trong trường tăng nhanh, giáo viên "căng mình" vì vừa phải dạy online, vừa phải duy trì lớp học trực tiếp; thì những quy định về thi đua của giáo viên cần có sự thay đổi phù hợp để thích ứng, sao cho đảm bảo quyền lợi của giáo viên, đồng thời lại thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo.

"Môi trường giáo dục là để giáo dục, hướng con người tới điều hay, mọi sự nỗ lực trong giáo dục đều hướng tới con người. Do đó, đừng để những hành động vô lý tới mức vô cảm như vậy khiến hình ảnh của môi trường giáo dục trở nên xấu đi" - phụ huynh Lê Xuân Nam nói.

Giảng dạy tại một trường liên cấp trên địa bàn quận Cầu Giấy, nhà giáo Ngọc Vân cho rằng, việc trường THCS Thị trấn Văn Điển trừ điểm thi đua đối với những giáo viên bị mắc Covid-19, phải nghỉ dạy trực tiếp là việc làm cứng nhắc, chỉ dựa vào quy định mà thiếu sự linh hoạt, động viên cần thiết, nhất là thời điểm dịch bệnh lây lan nhanh, gây khó cho cả giáo viên và học sinh.

"Theo lời của lãnh đạo nhà trường, họ đã trừ điểm thi đua của những giáo viên phải nghỉ dạy vì mắc Covid một cách tối thiểu nhất có thể để phần nào động viên các thầy cô. Tuy nhiên, tôi lại không nghĩ vậy.

Ốm đau, bệnh tật vì đại dịch khủng khiếp, điều ai cũng mong chính là sự quan tâm, hỏi han. Ấy vậy mà các thầy cô giáo, trong hoàn cảnh đang chống chọi với Covid, lại nhận thông tin mình bị trừ điểm thi đua vì… phải cách ly ở nhà, thì thử hỏi, sự động viên ở đâu? Tôi chắc chắn rằng, việc làm của ban lãnh đạo nhà trường sẽ tác động xấu đến tâm tư, tình cảm của các thầy cô trong trường.

Chưa hết, dù mắc bệnh, nhiều thầy cô vẫn nỗ lực tổ chức dạy trực tuyến. Vậy mà thay vì thấu hiểu và khích lệ, nhà trường lại lấy lý do thi đua ra để "hành" thầy cô bởi chính quy chế được đề ra bằng mệnh lệnh cứng nhắc, máy móc. Thi đua kiểu đó thì thi đua làm gì? Nếu áp dụng cách làm phi thực tế này, tôi nghĩ nên đổi thành "thi đua sức khỏe" giữa các nhà giáo".

Mục đích của thi đua là động viên, không phải là tạo áp lực

Trao đổi với Dân trí, thầy giáo Trần Văn Vinh (giáo viên môn Ngữ Văn tại THPT Thường Tín, Hà Nội) cho hay, vụ việc này đã phần nào thể hiện căn bệnh thành tích vốn đã tồn tại, ăn sâu và bén rễ trong môi trường giáo dục.

Theo nhà giáo này, bản chất của thi đua là sự khích lệ, động viên về tinh thần, từ đó tạo động lực cho sự phát triển, nỗ lực vươn lên của mỗi cá nhân cũng như tập thể, tạo ra một môi trường đoàn kết, lớn mạnh.

Tiêu chí thi đua được xây dựng sau hội nghị viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, nếu có điểm nào bất cập, lãnh đạo nhà trường cần có sự thay đổi sao cho phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các tiêu chí thi đua cần phải đảm bảo yêu cầu của luật thi đua khen thưởng và Thông tư của Chính phủ về hướng dẫn thi đua khen thưởng; song cũng rất cần sự thích ứng sao cho đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Sở, thành phố về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.

"Việc nhà trường trừ điểm thi đua của một số giáo viên ở Trường THCS Thị trấn Văn Điển khi họ bị mắc Covid-19, phải nghỉ dạy đã đi ngược với những tiêu chí trên.

Tôi cho rằng, việc áp dụng thi đua như vậy là phản thi đua. Điều này có lẽ xuất phát từ bệnh thành tích còn tồn tại ở một số lãnh đạo trong nhà trường. Thay vì thấu hiểu, quan tâm, họ lại say sưa, hứng thú với những kết quả, thành tích thi đua "ảo", và đặt một gánh nặng lên đôi vai của đội ngũ giáo viên.

Một người lãnh đạo đúng nghĩa sẽ luôn đặt mình vào vị trí của giáo viên, học sinh để hiểu và sẻ chia khó khăn với họ. Còn nếu cứ mãi quan liêu, bảo thủ, duy trì thói áp đặt trong nhà trường, điều này sẽ chỉ dẫn đến một tập thể đầy sự mâu thuẫn, bức xúc mà thôi".

Đồng quan điểm, nhà giáo V.T.H. (giáo viên THCS tại Hải Phòng) cho hay, việc giáo viên bị "phân loại" bằng đủ tiêu chí thi đua là chuyện không hiếm tại nhiều cơ sở giáo dục.

Cô T.H. thừa nhận, từ rất lâu, thi đua trong ngành giáo dục đã không còn tạo động lực trong đội ngũ giáo viên. "Thực tế, chúng tôi đang chịu áp lực rất khủng khiếp từ phía lãnh đạo. Để xét thi đua, bên cạnh kết quả giảng dạy, chúng tôi còn bị "phân loại" bởi đủ tiêu chí. Nếu chẳng may nộp chậm sổ sách, bài thi khoa học của học sinh không đạt kết quả cao… thì giáo viên sẽ bị kết luận là không hoàn thành nhiệm vụ".

Nhà giáo V.T.H. chia sẻ, trong vụ việc giáo viên bị trừ điểm thi đua do mắc Covid, những thầy cô này đã rất dũng cảm khi dám nói lên sự trăn trở, bức xúc của mình trước dư luận. Bởi thực tế, nhiều giáo viên, vì những nỗi sợ không tên đã quyết định giấu đi tiếng lòng của mình.

"Tôi nghĩ, vụ việc này cũng là lời cảnh tỉnh tới các nhà trường. Trong môi trường giáo dục, thi đua là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những quy định về thi đua cũng cần linh hoạt, mềm dẻo.

Bởi lẽ, suy cho cùng, mục đích cao cả của việc thi đua là sự động viên, khích lệ kịp thời với người lao động chứ không phải thi đua để tạo ra áp lực, thành tích "ảo", gây ảnh hưởng đến sự cố gắng của thầy cô".