Thanh Hóa:

Trường nghề đầu tư hàng nghìn tỷ, chất lượng dạy nghề vẫn hạn chế

(Dân trí) - Với hệ thống cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX và dạy nghề, các cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề tại Thanh Hóa được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chất lượng dạy nghề vẫn còn hạn chế…

Nhằm quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó, phạm vi đối tượng quy hoạch là các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng thuộc sự quản lý của tỉnh; các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng đóng trên địa bàn, không trực thuộc sự quản lý trực tiếp của tỉnh nhưng có vai trò quan trọng đào tạo nhân lực, tạo sự liên kết và động lực thúc đẩy hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Thanh Hóa phát triển.

Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa.
Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa.

Tính đến ngày 31/12/2014, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 102 trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, các cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề (bao gồm các trường đại học, các doanh nghiệp, các hợp tác xã).

Số lượng các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề tuy nhiều nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, cơ sở vật chất trang thiết bị còn nghèo nàn. Các trường nghề, trung tâm dạy nghề theo chính sách xã hội hóa chủ yếu tập trung ở thành phố và các khu công nghiệp; 11 huyện miền núi chưa có trường nghề, trung tâm dạy nghề tư thục.

Năm 2014, các đơn vị nêu trên đã tuyển sinh đào tạo 70.349 người. Tỷ lệ người được đào tạo ra trường có việc làm ngày càng tăng, nhất là lao động nông thôn, số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPTđăng ký học nghề ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tâm lý chuộng bằng cấp, các trường đại học, cao đẳng mở ra quá nhiều khiến việc thu hút học sinh vào học nghề khó khăn.

Đội ngũ giáo viên các trường nghề công lập được đào tạo chính quy, bài bản, các trường tư thục được tuyển giáo viên trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, số giáo viên ở các trường công lập được đào tạo từ thời bao cấp, hiện sắp về hưu, vì nhiều lý do số giáo viên tuyển mới chỉ là hợp đồng. Đặc biệt ở trung tâm dạy nghề cấp huyện, tuyển và biên chế giáo viên là thẩm quyền của Chủ tịch huyện, do vậy khó tuyển được giáo viên có năng lực thực thụ.

Giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề còn yếu về tin học, ngoại ngữ và kinh nghiệm thực tế. Mức thu nhập của giáo viên dạy nghề thấp nên các cơ sở dạy nghề rất khó tuyển giáo viên, nhất là nghề có kỹ thuật cao.

Việc đầu tư của nhà nước rất lớn nhưng người học nghề ít, việc đầu tư còn mang tính giàn trải, phong trào; không ít cơ sở dạy nghề khang trang hiện đại nhưng trang thiết bị, đội ngũ giáo viên không đồng bộ nên rất lãng phí. Tư duy bao cấp vẫn còn khá phổ biến, đào tạo nghề chưa theo sát với nhu cầu nhân lực và bối cảnh dân số, việc làm trong xã hội.

Nhiều cơ sở nghề nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chưa thu hút được người học cũng như lao động.
Nhiều cơ sở nghề nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chưa thu hút được người học cũng như lao động.

Mỗi năm nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chất lượng đào tạo nghề còn nhiều hạn chế; đào tạo nghề chưa theo sát với nhu cầu việc làm của xã hội; hệ thống dạy nghề không có vai trò nhiều trong giáo dục hướng nghiệp. Các trường dạy nghề cũng như Sở Lao động thương binh và xã hội không có vai trò gì đối với các học sinh trong trường phổ thông.

Theo quy hoạch, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 sẽ có 19 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 32 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tiếp đó, đến giai đoạn 2021 - 2030, tập trung xây dựng và phát triển mạnh các trường cao đẳng theo hướng đào tạo đa cấp trình độ. Đầu tư xây dựng 4 trường cao đẳng thuộc tỉnh quản lý trở thành trường chất lượng cao, đáp ứng đào tạo nhân lực của khu vực Asean và quốc tế. Đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Nông lâm thành Trường Đại học Nông lâm.

Duy Tuyên