Tủ sách khuyến học của ông Thân

(Dân trí) - Ở cái tuổi xế chiều, hàng ngày thấy các cháu trong tiểu khu chăm chỉ mượn sách về đọc, ông đã suy nghĩ làm thế nào có một tủ sách để các cháu có thể đến đọc. Từ ý tưởng của mình ông đã cho ra đời tủ sách khuyến học của địa phương.

Ông là Lê Xuân Thân (74 tuổi) tiểu khu 2, thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Sau hơn 42 năm công tác, đến năm 2000 ông về nghỉ hưu, sau khi nghỉ hưu ông quyết định tiếp tục cống hiến sức mình cho phong trào khuyến học ở địa phương. Những ngày còn công tác ông có sưu tầm được một số sách báo. Về nhà thấy các cháu học sinh trong khu phố thường hay đến mượn đọc. Từ đó ông nảy ra ý tưởng cần có một tủ sách dành riêng cho các cháu.

Tủ sách khuyến học của ông Thân - 1
Ông Thân đang giở cuốn sổ vàng khuyến học ra xem

Nói là làm, đầu tiên ông gom toàn bộ số sách báo mà mình sưu tầm qua bao nhiêu năm công tác lại được 400 cuốn, ông còn đi vận động các hội viên trong chi Hội khuyến học thị trấn Tĩnh Gia đóng góp để thành lập một tủ sách khuyến học. 

Bước đầu tủ sách khuyến học đã có 600 cuốn. Để tủ sách ngày một phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại và đầu sách, đáp ứng nhu cầu đọc sách của các cháu học sinh. Ông đã lặn lội đến các cơ quan, các ngành ở địa phương xin lại những sách báo, tài liệu cũ mang về. Tích tiểu thành đại, sau bao nhiêu công sức và cố gắng đến nay tủ sách khuyến học của ông đã có trên 1.000 đầu sách, ngoài ra còn có nhiều loại báo và tạp chí. 

Khi đã có sách rồi, ông nghĩ đến công tác bảo quản và tổ chức cho các cháu đọc. Ông đã trích 200 ngàn tiền lương hưu để làm giá sách, các hội viên và người dân trong tiểu khu thấy việc ông làm có ý nghĩa nên đã ủng hộ tiền đóng tủ và giá sách. Để phát huy tác dụng của tủ sách, ông đã tổ chức họp các hội viên lại và bàn kế hoạch và thống nhất mỗi tuần đọc sách 2 buổi vào thứ 7 và chủ nhật tại nhà văn hóa tiểu khu. 

Không chỉ nhiều về số lượng, tủ sách khuyến học còn rất đa dạng với nhiều chủng loại sách như: sách xây dựng Đảng, sách khoa học kỹ thuật, sách thiếu nhi, sách tham khảo cho học sinh... 

Ngoài các đầu sách ra còn có các loại báo và tạp chí, trong đó đây là chi hội có báo Khuyến học & Dân trí đầu tiên của Thanh Hóa. Ba năm đầu chi hội còn nhiều khó khăn nên ông đã trích tiền lương hưu của mình ra để mua báo. Báo không chỉ để tại tủ mà còn được chuyền tay nhau đọc. Những bài nào hay ông lọc ra cho các cháu học tập. 

Ông Thân chia sẻ: “Báo Khuyến học & Dân trí là tiếng nói của Hội khuyến học, trong đó nêu nhiều tấm gương và những điển hình tốt nên tôi muốn cho các cháu và mọi người được tiếp cận và học hỏi”. 

Từ ngày thực hiện 30 năm di chúc Bác Hồ, ông còn tích luỹ được 10 tập tư liệu với trên 1.000 trang, chủ yếu phục vụ cho cuộc vận động học tập làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những tài liệu này giờ đây không chỉ của riêng ông mà nó được chuyền tay nhau đọc. Trong đó có 2 tập là những tư liệu quý về khuyến học khuyến tài được ông sưu tầm lại sau bao nhiêu năm. 

Tủ sách khuyến học của ông Thân - 2
Các cháu học sinh đang đọc sách

Niềm vui lớn nhất với ông giờ đây là được nhìn các cháu học sinh đến với tủ sách khuyến học ngày một đông. Mỗi ngày tủ sách khuyến học của tiểu khu thu hút hơn 30 e học sinh và cả những người cao tuổi đến đọc. Đọc sách đã trở thành một nếp sống văn hóa của người dân và nhất là các cháu học sinh nơi đây. 

Điều khiến ông trăn trở nhất lúc này là làm sao có được một phòng đọc sách để các cháu học sinh và các cụ có một nơi sinh hoạt thoải mái. Hiện tại phòng đọc sách đang phải mượn hội trường của nhà văn hóa tiểu khu. Sau mỗi lần đọc xong phải xếp sách báo vào tủ và kê bàn ghế lại rất bất tiện. 

Không chỉ mong muốn tủ sách ngày một nhiều hơn mà ông còn có ý định thay sách mới để phù hợp hơn với hiện nay. Những buổi đọc sách cũng được tổ chức thường xuyên hơn. Tuyên truyền phát động người dân và các cháu học sinh đến đọc ngày một đông hơn. 

Ngoài ra chi hội còn lập một sổ vàng khuyến học nhằm ghi lại những tấm lòng, những gương sáng trong học tập... 

Duy Tuyên