Từ vụ trò ném dép cô giáo, chuyên gia nói về "sự độc ác của con trẻ"

Hoài Nam

(Dân trí) - Từ sự việc học trò ném dép, lăng mạ cô giáo ở Tuyên Quang, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) - đặt ra vấn đề "trẻ em độc ác, do đâu?"

Trước khi sự việc trò ném dép, lăng mạ cô giáo ở Tuyên Quang đẩy bạo lực học đường lên đến đỉnh điểm, thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ bạo lực khác mà ở đó, học trò là thủ phạm với những chiêu thức bạo hành, ra đòn tàn ác. 

Từ vụ trò ném dép cô giáo, chuyên gia nói về sự độc ác của con trẻ - 1

Cô giáo ở Tuyên Quang bị nhóm học trò xô đẩy (Ảnh cắt từ clip).

Như vụ bạo lực học đường mới đây tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, nữ sinh ra tay với bạn học bằng những cú lên gối, đập thẳng vào mặt, vào đầu.... làm nhiều người lạnh xương sống.

Hay clip nữ sinh ở Nghệ An bị hai nữ sinh khác lột đồ, đánh đập dã man bằng nhiều cú đạp thẳng vào đầu, vào mặt, bất chấp lời cầu xin của nạn nhân. Rồi sự việc một nhóm bạn ở Hà Nội giữ chặt tay chân, thúc vùng kín một nam sinh vào cột... 

Nhiều, nhiều lắm! Cái ác của con trẻ giờ đây không chỉ ở nắm đấm, cú đạp, giật tóc, lột đồ mà còn ở cả tiếng cười đùa của những đứa trẻ vây quanh đứng nhìn, cổ vũ hay cả từ sự thờ ơ trước nỗi đau của bạn bè. 

Chưa nói đến những vụ việc kinh khủng khác khi trẻ em là tội phạm trong các vụ án mạng, mà nạn nhân có khi chính là cha, là mẹ của các em. 

Từ vụ trò ném dép cô giáo, chuyên gia nói về sự độc ác của con trẻ - 2

Nữ sinh đánh bạn dã man xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Gò Vấp, TPHCM (Ảnh cắt từ clip).

Theo TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) - trong mấy năm gần đây tình trạng học sinh đánh nhau và quay clip tung lên mạng xã hội không còn là hiện tượng hiếm gặp ở Việt Nam. 

Mọi người bức xúc, giận dữ, phê phán; các cơ quan chức năng vào cuộc; nhà trường phê bình, kỷ luật giáo viên... Nhiều giáo viên tặc lưỡi kêu khổ và dường như cũng đã có người bắt đầu chịu đựng cảm giác bất lực.

Cho đến sự việc cô giáo Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang Tuyên bị chính học sinh của mình vây trong lớp và bị chúng lăng mạ, xúc phạm, TS Khuất Thu Hồng cho rằng sự việc là chỉ dấu của một thực tế rằng bạo lực học đường đã không còn giới hạn.

Vị thế người thầy, vốn được đề cao như hoặc thậm chí còn hơn cả cha mẹ trong xã hội Việt Nam, đã không cứu được cô giáo khỏi bạo lực từ những đứa trẻ mà chính cô dạy dỗ.

TS Khuất Thu Hồng cho hay, đọc các bình luận về vụ việc bà thấy nhiều người đặt câu hỏi: "Vì đâu nên nỗi?". 

"Tôi nghĩ câu hỏi đó chỉ là một cách cảm thán và thể hiện sự bất lực của mọi người trước sự việc khủng khiếp này. Còn ai cũng biết câu trả lời", TS Khuất Thu Hồng bày tỏ.

Bà Hồng kể, bà thường xuyên theo dõi vấn đề bạo lực học đường, lần nào xem các clip đó bà cũng thấy kinh sợ. Bà kinh sợ vì thấy mức độ bạo lực trong trẻ em ngày càng gia tăng. 

Bà khiếp hãi vì thấy một số trẻ hả hê khi tung ra những đòn đánh cực kỳ hiểm ác vào thân thể non nớt của đứa trẻ nạn nhân và trút lên đầu nó những lời chửi rủa mạt sát khủng khiếp. 

Từ vụ trò ném dép cô giáo, chuyên gia nói về sự độc ác của con trẻ - 3

TS Khuất Thu Hồng (Ảnh: FBNV).

Bà hiểu vì sao những đứa trẻ nạn nhân có thể tìm đến cái chết, vì sao có đứa bị rối loạn tâm trí không thể phục hồi...

Chuyên gia này trải lòng, cách đây không lâu, khi tivi đưa tin về một vụ bạo lực học đường, bà đã hỏi cháu ngoại 9 tuổi rằng ở lớp các con, các bạn có đánh nhau không?

Cháu trả lời, các bạn không đánh nhau nhưng có bạo lực tinh thần. Bà hỏi: "Bạo lực tinh thần như thế nào?". Đứa cháu kể, có một bạn lấy đồ của chính mình nhét vào ba lô của một bạn khác rồi tố cáo bạn đó ăn cắp đồ của mình. Bà lặng người, kinh hoàng về chiêu trò hiểm độc của đứa trẻ kia.

Từ sự việc ở Tuyên Quang, bà không ngừng nghĩ về hình ảnh cô giáo bị lũ trẻ vây hãm, ném dép, mạt sát với một nỗi lo lắng tột độ.

Nhưng, TS Khuất Thu Hồng cho biết, bà không đặt câu hỏi vì sao con trẻ bạo lực. Vì theo bà, trẻ con không sinh ra với bạo lực. 

Một số đứa trẻ bạo hành người khác vì chúng học hỏi điều đó từ người lớn. Chúng chứng kiến cha mẹ hoặc hàng xóm của chúng bạo hành lẫn nhau hoặc chúng bị chính cha mẹ hoặc người lớn khác bạo hành. 

Bà đã từng chứng kiến những ông chồng đánh vợ với những đòn tàn độc như đánh kẻ thù. Bà cũng đã từng chứng kiến có ông bố đánh con như đánh rắn, ném con xuống giếng, tra tấn con bằng cách dí đầu thuốc lá đang cháy vào người trẻ.

Bà đã nghe có bà mẹ chửi con gái là "đồ đĩ", "sau này lớn lên chỉ có nằm ngửa ăn sẵn" khi đứa bé mải chơi không làm việc nhà… 

Bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh, bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế hay bạo lực tình dục giữa người lớn chính là nguồn cơn dẫn đến bạo lực của trẻ con đối với trẻ con và trẻ con đối với người lớn như những câu chuyện ở trên.

"Mức độ bạo lực giữa trẻ con phản ánh mức độ bạo lực giữa người lớn. Mức độ bạo lực của cả người lớn và trẻ con phản ánh mức độ suy đồi của đạo đức xã hội", bà Hồng cho hay.

Đồng cảm với quan điểm trên, khi nói đến "cái ác" ở trẻ nhỏ, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM) cảnh báo tình trạng con trẻ đang là nạn nhân từ giáo dục, môi trường sống, các tác động xã hội.

Theo bà Thúy khi người lớn còn bạo lực thì đừng mong không còn bạo lực học đường.

TS Phạm Thị Thúy cho hay, khi trẻ căng thẳng, sống trong môi trường bạo lực, trẻ có thể có nhiều hành vi gây rối cho chính môi trường học tập, cho người xung quanh. Khi trong lòng không yên ổn, có nhiều bức xúc, trẻ có thể có hành vi "giận cá chém thớt".

Từ vụ trò ném dép cô giáo, chuyên gia nói về sự độc ác của con trẻ - 4

Cô giáo cầm dép rượt học trò trong lớp (Ảnh cắt từ clip).

Chuyên gia xã hội học này ví trẻ em ngày nay như "nồi áp suất" bị dồn nén cảm xúc chỉ chờ để xì hơi rất nguy hiểm. Các em mất sự kết nối với chính mình, với gia đình, với giáo viên, phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống...