Vì quyền lợi học sinh, nội dung học trực tuyến phải gắn với thi cử

Nhật Hồng

(Dân trí) - Việc áp dụng dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt là trong thi cử, nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường ở các lớp đầu cấp.

Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, dạy học trực tuyến với học sinh lớn (trên 9 tuổi) đã khó, với học sinh nhỏ tuổi (lớp 1, 2) càng khó. Chuyển đổi số là tất yếu, không phải giải pháp tạm thời.

Việc dạy học, giáo dục trực tuyến không nên hiểu máy móc là chỉ thực hiện trên internet. Mà nó cần phải thực hiện trên nhiều nền tảng (internet, truyền hình, radio, mạng xã hội, thư tín, văn bản), kết hợp trực tuyến và trực tiếp (blended learning).

Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến.

Giáo viên phải được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến; cha mẹ học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà.

Vì quyền lợi học sinh, nội dung học trực tuyến phải gắn với thi cử - 1

GS.TS Nguyễn Quý Thanh.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, ở những nơi phải tổ chức học tập trực tuyến, Nhà trường cần tổ chức lại thời khóa biểu một cách khoa học phù hợp tâm lý lứa tuổi, sức khỏe trẻ em và đặc trưng học tập trực tuyến, đảm bảo thời lượng dạy học mỗi phiên, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, không gây áp lực đối với học sinh. Ví dụ, không nên học quá 20 phút một phiên và không quá 120 phút/ngày.

Đối với các lớp 1, 2, bên cạnh việc ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định thì cần phối hợp với các hoạt động thể chất và lồng ghép các trò chơi trong các tiết học; sắp xếp các chủ đề học tập, kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.

Ngoài ra, ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, trên truyền hình, các nhà trường cần phát phiếu học tập đến học sinh để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Các nhà trường cũng có thể phối hợp với địa phương để có các phương án dự phòng như dạy học những nội dung phù hợp qua sóng phát thanh ở các vùng sâu, vùng xa.

"Việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt là trong thi cử, nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường ở các lớp đầu cấp nhằm đảm bảo hiệu quả, thực chất, tính công bằng, minh bạch cũng như quyền lợi của học sinh" - GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh.

Vì quyền lợi học sinh, nội dung học trực tuyến phải gắn với thi cử - 2

Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, học sinh bậc tiểu học, nhất là vùng xa, vùng sâu đang gặp nhiều khó khăn về học trực tuyến. 

"Cần cả một làng để giáo dục một đứa trẻ"

Theo GS.TS Thanh, trong hai năm học gần đây, đại dịch Covid đã làm thay đổi mạnh mẽ các hoạt động dạy - học và giáo dục ở các cấp. Hệ thống giáo dục đã và đang tìm cách thích ứng thông qua quá trình chuyển đổi số.

Tuy nhiên, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, học sinh bậc tiểu học, nhất là vùng xa, vùng sâu đang gặp nhiều khó khăn. Bối cảnh này làm nảy sinh những câu hỏi khiến những người làm giáo dục phải trăn trở, như trẻ em lớp dưới (lớp 1, 2) học thế nào, giáo viên thực hiện dạy và học ra sao, cha mẹ phải làm gì để việc học tập và giáo dục trực tuyến có hiệu quả.

Năm học này cũng là năm bắt đầu triển khai chương trình sách giáo khoa mới cho lớp 2 và là năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục mới cho lớp 1 (đã thực hiện từ năm học 2020-2021) với nhiều nội dung và phương pháp mới. Vì vậy, khó khăn với bậc giáo dục tiểu học không chỉ là vấn đề dạy học và giáo dục trực tuyến, mà cả những vấn đề liên quan đến triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho hay, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa  ra mắt kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học.  Đây là kênh để hỗ trợ các nghiệp vụ dạy học và giáo dục trực tiếp cho giáo viên và cha mẹ học sinh.

Theo đó, kênh được xây dựng theo triết lý "giáo dục toàn diện" về mặt nội dung, tức là không chỉ hỗ trợ các kỹ năng, nghiệp vụ để dạy kiến thức, mà còn cung cấp, hỗ trợ phát triển các nghiệp vụ giúp trẻ phát triển về thể chất, thẩm mỹ…

Tính "toàn diện" còn thể hiện ở việc Kênh này không chỉ tập trung vào hỗ trợ nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho giáo viên mà cả cha mẹ học sinh. Bởi vì, theo một câu ngạn ngữ Châu Phi "cần cả một làng để giáo dục một đứa trẻ". Do đó, đối tượng hướng tới chính của Kênh là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh và cả các em học sinh.

"Kênh này cũng không làm thay giáo viên hay cha mẹ, cũng không thay thế các nền tảng hỗ trợ chuyên môn đã có của Bộ Giáo dục và Đào tạo (như trong hệ thống dự án ETEP), mà đóng vai trò bổ sung" - GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh.